EU đề xuất cấm nhập khẩu khí đốt Nga trước cuối năm 2027

Liên minh châu Âu dự kiến cấm nhập khí đốt Nga theo hợp đồng mới và giao dịch ngắn hạn từ năm nay, tiến tới chấm dứt hoàn toàn trước cuối năm 2027.

 EU đang tiến tới mục tiêu lâu dài là loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch của Nga. Ảnh: Reuters.

EU đang tiến tới mục tiêu lâu dài là loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch của Nga. Ảnh: Reuters.

Liên minh châu Âu (EU) dự kiến công bố đề xuất cấm nhập khẩu khí đốt từ Nga trước cuối năm 2027, đánh dấu bước đi quyết liệt nhằm chấm dứt sự phụ thuộc năng lượng vào quốc gia từng giữ vị trí nhà cung cấp lớn nhất cho khối.

Theo các nguồn tin thân cận, kế hoạch này là một phần trong lộ trình lâu dài nhằm loại bỏ nhiên liệu hóa thạch từ Nga. Trước đó, EU đã tạm hoãn công bố kế hoạch này để đánh giá ảnh hưởng từ các nỗ lực của Mỹ trong việc kết thúc chiến sự tại Ukraine, theo SCMP.

Đóng cửa với Nga, mở cơ hội lớn cho Mỹ

Kể từ sau cuộc phát động chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine năm 2022, lượng khí đốt từ Nga sang châu Âu đã giảm mạnh, nhưng Moscow vẫn là nhà cung cấp đáng kể thông qua đường ống qua Thổ Nhĩ Kỳ và xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG).

Dự kiến trong tháng 6, EU sẽ đề xuất lệnh cấm toàn bộ việc mua khí đốt Nga theo các hợp đồng mới và hợp đồng giao ngay (spot contract) - vốn chiếm khoảng 1/3 lượng nhập khẩu hiện nay - với mục tiêu có hiệu lực ngay trong năm nay.

Đồng thời, Ủy ban châu Âu (EC) cũng sẽ trình bày các biện pháp nhằm chấm dứt nốt các hợp đồng dài hạn còn lại đối với khí đốt đường ống và LNG từ Nga, nhưng quá trình chuyển tiếp sẽ kéo dài đến cuối năm 2027.

Việc giảm dần phụ thuộc vào khí đốt Nga sẽ mở ra cơ hội lớn cho các nhà cung cấp LNG từ Mỹ - điều mà Tổng thống Donald Trump nhiều lần kêu gọi.

Mặc dù chi phí và vấn đề an ninh năng lượng vẫn là mối quan tâm sau cuộc khủng hoảng, EU tin rằng kế hoạch mới sẽ chỉ tác động hạn chế đến giá cả, trong bối cảnh nguồn cung LNG toàn cầu dự kiến tăng mạnh từ các dự án mới trong vài năm tới.

Tầm vóc của kế hoạch này là rất lớn: chỉ riêng trong năm 2024, EU đã chi tới 23 tỷ euro (26 tỷ USD) để mua năng lượng từ Nga - con số vượt cả giá trị viện trợ quân sự cho Ukraine trong năm ngoái.

Năm 2023, các sản phẩm năng lượng Nga vẫn chiếm 19% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU, chủ yếu nhờ lượng LNG đạt kỷ lục sau khi Gazprom siết dòng khí qua đường ống.

Tuy nhiên, tính khả thi của lộ trình này phụ thuộc vào khả năng EU tìm được nguồn thay thế từ Mỹ, Qatar, Canada và các nước châu Phi. Theo Bloomberg, việc mua khí đốt từ Mỹ đang được đưa vào bàn đàm phán thương mại giữa EU và chính quyền Trump.

 Các bể chứa và thiết bị làm lạnh khí đốt tại Freeport LNG, nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng lớn thứ hai của Mỹ cho các thị trường, trong đó có EU. Ảnh: Reuters.

Các bể chứa và thiết bị làm lạnh khí đốt tại Freeport LNG, nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng lớn thứ hai của Mỹ cho các thị trường, trong đó có EU. Ảnh: Reuters.

Giá khí đốt tại châu Âu hiện đã giảm chỉ còn 1/10 so với mức đỉnh thời khủng hoảng năm 2022. Song, nguồn cung vẫn là vấn đề căng thẳng khi các quốc gia phải tích trữ cho mùa đông sắp tới. Lượng khí đốt mới từ Mỹ và Qatar được kỳ vọng sẽ chỉ bắt đầu gia tăng đáng kể từ sau năm 2027.

Theo kế hoạch, EC sẽ công bố chi tiết tại Strasbourg vào thứ ba tuần tới, tuy nhiên các nguồn tin cho biết nội dung vẫn có thể thay đổi. Giá hợp đồng khí đốt tương lai của châu Âu đã giảm tới 2,1% trong phiên giao dịch đầu tuần trước khi hồi phục phần nào.

Một mục tiêu khác của kế hoạch là tăng cường minh bạch về nguồn gốc khí đốt nhập khẩu. Theo đó, các công ty có thể sẽ bị yêu cầu báo cáo thông tin về sản lượng và thời hạn hợp đồng cho nhà chức trách và EC.

Rào cản pháp lý

Dù vậy, mọi đề xuất của Ủy ban châu Âu đều cần được các quốc gia thành viên và Nghị viện EU phê chuẩn. Nếu muốn lệnh cấm các hợp đồng mới và giao ngay với Nga có hiệu lực trong năm nay, các bên sẽ phải chạy đua với thời gian.

Hiện tại, châu Âu vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với LNG từ siêu dự án Yamal ở Bắc Cực của Nga, nhờ các hợp đồng dài hạn được ký kết với những tập đoàn như TotalEnergies (Pháp), Naturgy (Tây Ban Nha) và Securing Energy for Europe (Đức). Chưa rõ EC sẽ đề xuất giải pháp gì để giúp các công ty thoát khỏi các hợp đồng mua bán theo điều kiện “take-or-pay”.

Về mặt lý thuyết, biện pháp mạnh nhất là đưa khí đốt Nga vào danh sách trừng phạt - điều sẽ cho phép người mua tại EU viện dẫn "bất khả kháng" và đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Tuy nhiên, cho đến nay, EC vẫn tránh đề xuất điều này do vấp phải sự phản đối từ Hungary và Slovakia - hai quốc gia vẫn phụ thuộc vào khí đốt Nga qua đường ống.

 Kế hoạch cấm nhập khẩu khí đốt từ Nga có thể gặp phải rào cản từ các hợp đồng dài hạn từ các nhà máy của Nga các tập đoàn năng lượng. Ảnh: Reuters.

Kế hoạch cấm nhập khẩu khí đốt từ Nga có thể gặp phải rào cản từ các hợp đồng dài hạn từ các nhà máy của Nga các tập đoàn năng lượng. Ảnh: Reuters.

Ngược lại, các biện pháp mang tính thương mại như áp thuế hoặc hạn ngạch có thể được thông qua với đa số đủ điều kiện, không cần sự đồng thuận tuyệt đối. Tuy vậy, các chuyên gia lo ngại rằng những biện pháp này có thể không đủ cơ sở pháp lý để chấm dứt hợp đồng, đồng thời tạo ra rủi ro biến động giá.

Việc hạn chế các hợp đồng ngắn hạn (spot) cũng không dễ dàng, bởi thị trường LNG hiện chưa có định nghĩa thống nhất về loại hợp đồng này, thường được hiểu là bất kỳ giao dịch nào có thời hạn dưới ba tháng.

Ngoài ra, việc xác định nguồn gốc hợp đồng của mỗi chuyến tàu LNG khi cập cảng cũng không rõ ràng, khiến việc kiểm soát và đánh giá hiệu quả thực hiện càng thêm khó khăn.

Không chỉ dừng lại ở khí đốt, bản đồ lộ trình còn đề cập đến việc loại bỏ dần nhập khẩu vật liệu hạt nhân từ Nga, bao gồm uranium sử dụng trong các lò phản ứng VVER do Nga thiết kế, các nguồn tin cho biết.

Tháng tới, Ủy ban châu Âu sẽ công bố thêm các biện pháp thương mại nhằm làm cho nguồn cung từ Nga trở nên kém hấp dẫn về kinh tế, đồng thời áp đặt lệnh cấm đối với các hợp đồng mới. Theo đó, các quốc gia thành viên sẽ phải đáp ứng các mục tiêu cắt giảm phụ thuộc.

Đối với dầu mỏ, hai quốc gia còn phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ Nga là Slovakia và Hungary sẽ phải trình bày kế hoạch cụ thể để chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu trước cuối năm 2027.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/eu-de-xuat-cam-nhap-khau-khi-dot-nga-truoc-cuoi-nam-2027-post1551414.html
Zalo