Iran 'cực kỳ thận trọng' trong đàm phán với Mỹ, quyết không thỏa hiệp về tên lửa
Iran và Mỹ nhất trí tiếp tục đàm phán hạt nhân vào tuần tới, nhưng Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi bày tỏ 'cực kỳ thận trọng' về cơ hội thành công để giải quyết mâu thuẫn suốt nhiều năm qua.

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi đến Muscat, Oman, tham gia đàm phán với phái đoàn Mỹ, ngày 25/4. (Ảnh: WANA)
Ngày 26/4, ông Araqchi và ông Steve Witkoff - đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump – có vòng đàm phán thứ ba tại Muscat thông qua bên trung gian Oman trong khoảng 6 giờ đồng hồ. Đây là vòng đàm phán thứ 3 giữa hai phái đoàn.
"Các cuộc đàm phán cực kỳ nghiêm túc và mang tính kỹ thuật... vẫn còn những khác biệt, cả về các vấn đề chính và chi tiết. Cả hai bên đều nghiêm túc và quyết tâm... Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rất thận trọng với lạc quan về thành công của các cuộc đàm phán", ông Araqchi nói với đài truyền hình nhà nước Iran.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết, các cuộc đàm phán diễn ra tích cực và hiệu quả, đồng thời cho biết hai bên đồng ý sẽ sớm gặp lại nhau tại châu Âu.
"Vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng đã có thêm tiến triển trong việc đạt được thỏa thuận", vị quan chức nói.
Ngoại trưởng Oman Badr Albusaidi cho biết đàm phán sẽ tiếp tục vào tuần tới, với một cuộc họp cấp cao khác dự kiến diễn ra vào ngày 3/5. Theo ông Araqchi, Oman sẽ công bố địa điểm.
Trước khi các quan chức phụ trách đàm phán gặp nhau, cuộc họp cấp làm việc đã diễn ra tại Muscat vạch ra thiết kế khuôn khổ cho một thỏa thuận hạt nhân tiềm năng.
Một quan chức Iran nói với Reuters rằng đàm phán cấp chuyên gia là việc "khó khăn, phức tạp và nghiêm túc".
Ông Araqchi cho biết, mục đích duy nhất của các cuộc đàm phán này là "xây dựng lòng tin về bản chất hòa bình của chương trình hạt nhân của Iran nhằm đổi lấy việc nới lỏng lệnh trừng phạt".
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time đăng ngày 25/4, ông Trump cho biết: "Tôi nghĩ chúng ta sẽ đạt được một thỏa thuận với Iran", nhưng ông nhắc lại lời đe dọa sẽ có hành động quân sự với Iran nếu ngoại giao thất bại.
Lằn ranh đỏ
Dù cả Tehran và Washington đều cho biết sẽ theo đuổi ngoại giao, hai bên vẫn còn những khác biệt lớn trong vấn đề mâu thuẫn kéo dài hơn 2 thập kỷ.
Ở nhiệm kỳ trước, ông Trump là người rút Mỹ khỏi hiệp ước hạt nhân năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc, đồng thời khôi phục chiến dịch "gây sức ép tối đa" lên Tehran.
Từ năm 2019, Iran bị cáo buộc vi phạm những điều khoản hạn chế phát triển hạt nhân đã nêu trong hiệp ước, bao gồm làm giàu uranium lên độ tinh khiết 60%, gần tới cấp độ vũ khí.
Tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết Iran sẽ phải ngừng hoàn toàn việc làm giàu uranium và nhập khẩu bất kỳ uranium đã làm giàu nào cho nhà máy điện nguyên tử đang hoạt động Bushehr.
Theo các quan chức Iran, Tehran sẵn sàng đàm phán một số hạn chế với hoạt động hạt nhân của họ để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt, nhưng việc chấm dứt chương trình làm giàu hoặc giao nộp kho dự trữ uranium đã làm giàu của họ là một trong số "những lằn ranh đỏ mà Iran không thể thỏa hiệp" trong đàm phán.
Bên cạnh đó, các quốc gia châu Âu gợi ý với Mỹ rằng một thỏa thuận toàn diện nên bao gồm giới hạn Iran sở hữu hoặc hoàn thiện khả năng lắp đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo, một số nhà ngoại giao châu Âu cho biết.
Tehran tuyên bố năng lực phòng thủ thông qua chương trình tên lửa của họ là điều không thể thương lượng.
Một quan chức Iran nắm được tình hình đàm phán cho biết, chương trình tên lửa của Tehran là một trở ngại lớn trong các cuộc đàm phán.