Infographic | Hợp tác thương mại Việt Nam - Ba Lan
Việt Nam và Ba Lan từ lâu đã duy trì mối quan hệ kinh tế chiến lược, làm cửa ngõ cho hàng hóa của nhau vào thị trường ASEAN và EU.
Việt Nam với vị trí chiến lược tại Đông Nam Á và trung tâm sản xuất toàn cầu, cầu nối để doanh nghiệp Ba Lan tiếp cận thị trường ASEAN với hơn 650 triệu dân. Ngược lại, Ba Lan là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU rộng lớn, với gần 500 triệu người tiêu dùng và sức mua cao.
Ngày 4/2/1950, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 2023, GDP của Ba Lan khoảng 808,6 tỷ USD, tăng 0,2% so với 2022. Ba Lan là nền kinh tế lớn thứ 10 trong Liên minh châu Âu.
Các đối tác xuất khẩu chính của Ba Lan là Đức, Cộng hòa Séc, Pháp, Vương quốc Anh, Italia... với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Máy móc, phương tiện vận tải, thực phẩm, hóa chất...
Về nhập khẩu, Ba Lan nhập khẩu hàng hóa chủ yếu ở các thị trường Đức, Trung Quốc, Italia, Hoa Kỳ, Hà Lan... với các mặt hàng như: Máy móc, phương tiện vận tải, hóa chất, nhiên liệu khoáng sản...
Đối với Việt Nam, Ba Lan là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng. Thương mại hai nước Việt Nam - Ba Lan đã có được những động lực tăng trưởng đáng kể.
Năm 2023, thương mại hai nước đạt 2,8 tỷ USD và 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đã tăng lên mốc 3,1 tỷ USD, tăng đến 21,6% so với cùng kỳ. Các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Ba Lan gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, hàng may mặc, giày dép, thủy sản, các sản phẩm từ sắt thép...
Ngược lại, Ba Lan có thế mạnh về ngành công nghiệp đóng tàu, khai thác than, thiết bị giao thông đường thủy, hóa chất, quốc phòng, trùng tu di tích... Đây đang là những mặt hàng Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu khá lớn. Đáng chú ý, kể từ khi có hiệu lực và được đưa vào thực thi, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã tạo ra cơ hội lớn thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU, trong đó có thị trường Ba Lan. EVFTA không chỉ giảm thiểu các rào cản thuế quan mà còn giúp tăng cường lưu thông hàng hóa và đầu tư song phương.