Trung Quốc có thể là thách thức kinh tế lớn đối với EU trong năm nay
Trung Quốc có thể là thách thức kinh tế lớn đối với châu Âu trong năm nay khi quốc gia này nhắm đến thị trường Liên minh châu Âu trong bối cảnh các vấn đề về công suất dư thừa trong nước và tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Tại hội nghị Dự báo Trung Quốc lần thứ 6 của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Merics), những điểm nóng trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự kiến sẽ gây áp lực buộc các nhà sản xuất Trung Quốc phải vận chuyển hàng hóa nhà máy dư thừa sang châu Âu với mức giá thấp.
Trong khi đó, các nhà phân tích kỳ vọng Mỹ sẽ vẫn là đồng minh của châu Âu, bất chấp mọi ẩn số xung quanh chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Julia Friedlander, Tổng giám đốc điều hành của nhóm vận động cho quan hệ Đức-Mỹ là Atlantik-Brucke cho biết, Trung Quốc đặt ra "thách thức về khả năng cạnh tranh lâu dài và một dạng thách thức chiến lược".
"Về mặt khả năng cạnh tranh, nỗ lực rõ ràng là cạnh tranh với châu Âu trong các ngành công nghiệp quan trọng. Trung Quốc đặc biệt nhất quán với các chính sách về xe điện và hàng hóa công nghệ cao”, bà cho biết.
“Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất trong năm nay, điều này một số mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc có thể được chuyển hướng sang EU”, Elena Suarez Sanchez, cố vấn quan hệ quốc tế cấp cao của nhóm vận động hành lang BusinessEurope cho biết.
Theo dữ liệu hải quan từ cả hai bên, kim ngạch thương mại Trung Quốc-EU đạt 762 tỷ USD vào năm ngoái, tương ứng tăng 1,6% so với năm 2023.
Trong đó, các lô hàng xe điện của Trung Quốc sang châu Âu vào năm ngoái đã gây ra một cuộc điều tra chống trợ cấp kết thúc vào tháng 10 với mức thuế lên tới 35,3% đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc.
Trung Quốc cho biết mức thuế này là "cạnh tranh không lành mạnh" và phản ứng bằng cách khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đồng thời đánh thuế đối với rượu mạnh nhập khẩu từ châu Âu. Nước này cũng đang cân nhắc liệu có nên tăng thuế đối với các loại xe cơ giới động cơ lớn của châu Âu hay không.
EU cũng đã tiến hành các cuộc điều tra chống trợ cấp riêng biệt đối với các tấm pin mặt trời của Trung Quốc và một nhà sản xuất tàu hỏa của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Merics cũng công bố kết quả khảo sát cho thấy 2/3 trong số 843 chuyên gia đến từ 58 quốc gia tin rằng tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Trung Quốc sẽ dưới mức 5%, và phần lớn cho rằng các vấn đề về bất động sản trong nước là rủi ro lớn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt.