Indonesia lập quỹ đầu tư quốc gia thứ hai, nhắm đến 900 tỷ USD tài sản
Quỹ mới có tên là Daya Anagata Nusantara, hay Danantara, giống với mô hình quỹ đầu tư Temasek của Singapore và đã nhận được sự chấp thuận tại Quốc hội trong tháng này.

Đồng USD. Ảnh: THX/TTXVN
Indonesia vừa ra mắt quỹ đầu tư quốc gia mới nhằm quản lý tài sản nhà nước trị giá hơn 900 tỷ USD. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Prabowo Subianto đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Ông Subianto cam kết đưa mức tăng trưởng kinh tế hằng năm của Indonesia từ 5 lên 8%, yêu cầu cắt giảm hàng tỷ USD trong tất cả các cơ quan của chính phủ.
Quỹ mới có tên là Daya Anagata Nusantara, hay Danantara, giống với mô hình quỹ đầu tư Temasek của Singapore và đã nhận được sự chấp thuận tại Quốc hội trong tháng này.
Danatara sẽ kiểm soát các khoản nắm giữ của chính phủ tại các công ty nhà nước, với ngân sách ban đầu là 20 tỷ USD. Tổng thống cho biết ông muốn quỹ này quản lý tài sản hơn 900 tỷ USD.
Ông Subianto dự kiến quỹ này sẽ được sử dụng như một phương tiện đầu tư, trong đó tài trợ hơn 10 dự án trong năm nay, với các khoản đầu tư dự kiến trên nhiều lĩnh vực bao gồm năng lượng tái tạo và sản xuất thực phẩm.
Danantara sẽ là quỹ đầu tư quốc gia thứ hai của Indonesia, sau Cơ quan đầu tư Indonesia được thành lập vào năm 2021 và nắm giữ 10,5 tỷ USD tài sản.
Ngày 23/2, người phát ngôn của Văn phòng Tổng thống Yusuf Permana cho biết: "Sự kiện này đánh dấu một kỷ nguyên mới trong quá trình chuyển đổi quản lý đầu tư chiến lược tại quốc gia này. Đây cũng là một phần trong cam kết của chính phủ nhằm hiện thực hóa... tầm nhìn lớn nhằm nâng cao nền kinh tế Indonesia lên một tầm cao mới thông qua các khoản đầu tư bền vững và toàn diện".
Quỹ này cũng sẽ báo cáo trực tiếp với Tổng thống. Theo một số chuyên gia, quỹ này sẽ cần được giám sát và quản lý phù hợp.