Ia Kreng hỗ trợ sinh kế giúp người dân thoát nghèo

Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024, xã Ia Kreng (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chuyển đổi từ hỗ trợ sinh kế đơn thuần sang hỗ trợ có điều kiện. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo đã thay đổi phương thức sản xuất để có nguồn thu nhập ổn định.

Hỗ trợ hộ nghèo có địa chỉ

Thời gian qua, xã Ia Kreng đã đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách giảm nghèo thông qua hệ thống loa truyền thanh kết hợp tuyên truyền miệng. Qua đó, người dân đã bắt đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực lao động sản xuất để vươn lên trong cuộc sống.

Chị Rơ Châm Blăoh (làng Doch 1) cho biết: Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo. Những năm qua, do thiếu kiến thức, kinh nghiệm sản xuất và không có tiền mua phân bón nên cây trồng năng suất thấp, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn.

Được Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay 40 triệu đồng, cuối năm 2023, gia đình chị quyết định xây dựng căn nhà mới.

 Gia đình chị Rơ Châm Blăoh (làng Doch 1) vui mừng khi được Nhà nước hỗ trợ xây dựng căn nhà khang trang. Ảnh: Đ.Y

Gia đình chị Rơ Châm Blăoh (làng Doch 1) vui mừng khi được Nhà nước hỗ trợ xây dựng căn nhà khang trang. Ảnh: Đ.Y

“Sau 3 tháng thi công, căn nhà đã hoàn thành với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng. Căn nhà rộng rãi với 1 phòng khách, 3 phòng ngủ, công trình phụ, nhà bếp khang trang.

Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì gia đình tôi sẽ không có điều kiện để làm lại căn nhà. Giờ có nhà ở kiên cố, gia đình tôi yên tâm làm ăn, không còn lo nhà dột mỗi khi trời mưa bão nữa”-chị Blăoh tâm sự.

Mới đây, gia đình chị Blăoh còn được hỗ trợ vay vốn ưu đãi 30 triệu đồng để mua phân bón cho 400 cây cà phê, 3 sào bời lời và 2 sào lúa nước. Chồng chị Blăoh chịu khó làm thêm nghề thợ xây nên cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn. Hiện nay, gia đình chị Blăoh đã thoát nghèo.

Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xóa nhà tạm, vay vốn phát triển sản xuất đã khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân. Ngoài ra, để khơi dậy quyết tâm thoát nghèo cho người dân, xã Ia Kreng còn tổ chức các cuộc giao lưu và phân công cán bộ gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ về ý tưởng, kinh nghiệm, giải pháp để hộ nghèo đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Gia đình chị Rơ Châm Gin (làng Doch 1) có 2 sào đất vườn. Năm 2022, xã hỗ trợ 40 cây giống sầu riêng để gia đình chị trồng trong vườn nhà. Sau 3 năm, vườn sầu riêng phát triển tốt.

Cùng với đó, gia đình chị đã phá bỏ 3 sào bời lời để trồng hơn 300 cây cà phê. Năm nay, cà phê đã cho thu bói. “Nhờ có thêm nguồn thu nhập từ cây cà phê, năm 2025, gia đình mình sẽ đăng ký thoát nghèo. Đồng thời, chịu khó lao động sản xuất, tiết kiệm chi tiêu để xây dựng nhà ở”-chị Gin bộc bạch.

Còn chị Rơ Châm Vân (làng Doch 1) thì bày tỏ: “Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi tiết kiệm chi tiêu để mua phân bón cho vườn cà phê, mua thêm heo về nuôi. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, vợ chồng tôi còn đi làm thuê để có thêm thu nhập. Hy vọng gia đình sẽ vươn lên thoát nghèo trong thời gian tới”.

Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Thanh Xuân cho biết: Hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo là điều kiện tiên quyết trong thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững. Mỗi gia đình có điều kiện, hoàn cảnh cũng như năng lực khác nhau. Vì vậy, chúng tôi đều tìm hiểu kỹ nhu cầu và khả năng của các hộ để có cách hỗ trợ phù hợp. Năm 2024, toàn xã có 45 hộ thoát nghèo.

Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông

Bên cạnh hỗ trợ sinh kế thì một trong những yếu tố quan trọng trong công tác giảm nghèo chính là thay đổi tư duy để người dân không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà thay vào đó là tự lực vươn lên thoát nghèo. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách giúp hộ nghèo tiếp cận thông tin luôn được các ban, ngành, đoàn thể xã Ia Kreng quan tâm thực hiện.

 Năm 2024, xã Ia Kreng hỗ trợ xây dựng 57 căn nhà cho hộ nghèo. Ảnh: Đ.Y

Năm 2024, xã Ia Kreng hỗ trợ xây dựng 57 căn nhà cho hộ nghèo. Ảnh: Đ.Y

Thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đẩy mạnh tuyên truyền để chuyển tải kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thông tin về kiến thức, kỹ năng, mô hình, kinh nghiệm lao động sản xuất đến hội viên.

Chị Y H’Thuật-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã-cho hay: “Đầu năm nay, Hội đã đề ra chỉ tiêu giúp 2 gia đình hội viên thoát nghèo và hỗ trợ 1 gia đình hội viên khó khăn phát triển kinh tế; đồng thời, thực hiện tiêu chí “không đói nghèo” trong thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”.

Ngoài ra, các chi hội còn tích cực thực hiện các mô hình sinh kế, hỗ trợ hội viên phụ nữ vay vốn để phát triển kinh tế. Với cách làm này, hội viên phụ nữ trong xã đã tích cực làm theo, chỉ tiêu thoát nghèo và hỗ trợ hội viên khó khăn năm 2024 đã hoàn thành kế hoạch đề ra”.

Còn ông Rơ Châm Thum-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Kreng thì thông tin: Năm 2024, xã đã đạt chỉ tiêu về giảm nghèo. Trên cơ sở đó, năm 2025, chúng tôi sẽ đề xuất tăng số lượng cây-con giống hỗ trợ các hộ nghèo để phát triển sản xuất, tạo thu nhập ổn định và làm điểm để nhân rộng cho các hộ nghèo khác phấn đấu làm theo.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Rơ Châm Pich cho hay: Hội Nông dân xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho người dân về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Từ đầu năm đến nay, Hội đã phối hợp mở 6 lớp tập huấn hướng dẫn bà con nông dân trồng sầu riêng xen với cà phê và diện tích đất trống đất xung quanh nhà ở.

Từ đầu năm đến nay, Đài Truyền thanh xã đã tiếp sóng chương trình của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện. Riêng Đài Truyền thanh xã cũng đã phát 9.000 phút trên 15 cụm loa truyền thanh.

Nội dung tuyên truyền chú trọng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo; chính sách an sinh xã hội; hướng dẫn chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng khoa học, phát triển chuỗi giá trị, tăng cường gắn kết hộ, liên kết trong sản xuất gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Thanh Xuân thông tin: Để đẩy mạnh tuyên truyền về công tác giảm nghèo, từ năm 2017, xã đã thành lập Tổ hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Tổ do Phó Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng, thành viên là công chức địa chính-nông nghiệp, cán bộ chăn nuôi thú y, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Chủ tịch Hội Nông dân xã.

Các thành viên trong tổ thường xuyên xuống tận ruộng rẫy của bà con để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Từ khi thành lập đến nay, tổ đã hướng dẫn hàng trăm lượt người dân. Qua hướng dẫn, nhiều hộ đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, năng suất cây trồng ngày càng tăng lên.

Cùng với đó, năm 2024, xã đã tổ chức phiên giao dịch việc làm với 300 lượt người tham gia. Thông qua phiên giao dịch, người lao động được tư vấn, gặp gỡ các nhà tuyển dụng và cơ hội tìm kiếm việc làm.

“Thời gian tới, ngoài việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia thì công tác tuyên truyền, vận động là vô cùng quan trọng. Qua tuyên truyền, bà con sẽ nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo, từ đó từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền giúp người dân thay đổi tư duy, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Keng nhấn mạnh.

ĐINH YẾN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ia-kreng-ho-tro-sinh-ke-giup-nguoi-dan-thoat-ngheo-post303137.html
Zalo