Huyết áp tăng đột ngột có thể gây đột quỵ, hãy kiểm tra xem bạn có mắc lỗi nào không
Tăng huyết áp đột ngột không chỉ khiến bạn chóng mặt, hoa mắt, tức ngực... mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc tổn thương thận cấp nếu không được xử lý kịp thời.
Nhiều người lầm tưởng tình trạng huyết áp tăng bất thường là do "trời nóng" hay "lúc tức giận", nhưng thực tế, rất nhiều thói quen trong sinh hoạt hàng ngày có thể là thủ phạm thầm lặng khiến huyết áp tăng cao.

Dưới đây là 4 nguyên nhân phổ biến nhưng thường bị bỏ qua.
1. Tự ý ngừng thuốc hoặc dùng không đúng cách
Việc tự ý ngừng thuốc hoặc giảm liều khi chưa có chỉ định từ bác sĩ là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến huyết áp tăng vọt trở lại. Nhiều người nhầm tưởng rằng khi huyết áp ổn định tức là đã khỏi bệnh, nên ngưng thuốc hoặc giảm liều mà không báo bác sĩ.
Trên thực tế, tăng huyết áp là bệnh mạn tính và cần điều trị lâu dài, đôi khi suốt đời. Ngay cả khi bác sĩ có chỉ định giảm liều, việc theo dõi huyết áp thường xuyên vẫn rất quan trọng để phòng ngừa biến chứng.
2. Ăn uống không kiểm soát, đặc biệt là ăn mặn
Chế độ ăn nhiều muối là yếu tố nguy cơ lớn khiến huyết áp tăng cao. Khi tiêu thụ quá nhiều natri, cơ thể sẽ giữ nước, tăng áp lực lên thành mạch máu và làm huyết áp tăng nhanh chóng.

Chế độ ăn nhiều muối là yếu tố nguy cơ lớn khiến huyết áp tăng cao.
Các thực phẩm dễ khiến bạn nạp muối "vô tình" bao gồm: dưa muối, đồ hộp, thịt xông khói, khoai tây chiên, nước mắm, mì gói, thịt đỏ và đặc biệt là rượu bia. Kiểm soát lượng muối và giảm bớt thực phẩm chế biến sẵn trong bữa ăn hàng ngày là bước quan trọng trong phòng ngừa huyết áp tăng đột ngột.
3. Tác dụng phụ hoặc tương tác thuốc
Một số loại thuốc điều trị cảm cúm, ho, dị ứng (đặc biệt là các thuốc co mạch, thông mũi chứa hoạt chất sympathomimetics) có thể gây tăng huyết áp. Khi dùng chung với thuốc điều trị tăng huyết áp, chúng có thể làm giảm tác dụng kiểm soát huyết áp, thậm chí gây tăng vọt bất thường.
Do đó, khi đi khám hoặc mua thuốc, hãy luôn thông báo cho bác sĩ biết về các loại thuốc bạn đang dùng, kể cả thuốc không kê đơn.
4. Bệnh lý nền tiềm ẩn chưa được chẩn đoán
Tăng huyết áp bất ngờ cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể mà bạn chưa phát hiện, như: bệnh thận mạn, hẹp động mạch thận hoặc u tuyến thượng thận (pheochromocytoma). Những bệnh lý này ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống điều hòa huyết áp.

Nếu huyết áp của bạn thường xuyên dao động bất thường, hãy chủ động thăm khám chuyên khoa để tầm soát nguyên nhân sâu xa và có hướng điều trị kịp thời.
Tăng huyết áp đột ngột là tình huống không thể xem nhẹ, bởi chỉ một phút chủ quan có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Điều quan trọng không chỉ là dùng thuốc đều đặn mà còn phải xây dựng lối sống lành mạnh, chế độ ăn hợp lý và thăm khám định kỳ. Hãy lắng nghe cơ thể và kiểm soát huyết áp từ những điều nhỏ nhất để bảo vệ trái tim của bạn.