Huyền tích Lục Đầu giang

Lục Đầu giang - dòng sông như chở nặng sử thi và huyền thoại uốn lượn chảy qua phía trước đền Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, TP Chí Linh (Hải Dương). Chiến công của các triều đại nhà Trần thuở trước đã đưa dòng sông hiền hòa ấy trở thành huyền thoại.

Tái hiện cảnh hội quân của nhà Trần trên dòng Lục Đầu giang (ảnh tư liệu). Ảnh: THÀNH CHUNG

Tái hiện cảnh hội quân của nhà Trần trên dòng Lục Đầu giang (ảnh tư liệu). Ảnh: THÀNH CHUNG

Chứng nhân lịch sử

Sông Lục Đầu là đoạn cuối của sông Thương, có chiều dài hơn 10 km, chỗ rộng nhất hơn 1 km chảy sát mé tây nam Vạn Kiếp. Tên sông Lục Đầu vì đoạn sông này phía trên nhận nước của sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam, phía dưới hợp lưu với sông Đuống rồi đổ ra Biển Đông bằng 2 dòng sông lớn: Thái Bình và Kinh Thầy.

Vào thế kỷ XIII, mảnh đất Vạn Kiếp cũng như toàn Đại Việt không nơi nào không in dấu chân, vó ngựa của kẻ thù. Giặc từ phương Bắc xua quân chà đạp, giày xéo lên giang sơn gấm vóc Đại Việt.

Những ngư phủ, những nông dân hiền hòa của Đại Việt thu cuộn lưới chài, cất cuốc cày, cởi áo nâu sồng, khoác áo chiến binh, tuốt gươm ra trận. Ngày họ hội quân ở Vạn Kiếp, dòng Lục Đầu gầm gào, cuộn sóng đục ngầu sắc đỏ phù sa. Các chiến binh Đại Việt dưới sự chỉ đạo của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn thuộc từng vụng nước, thuộc từng chỗ nông, sâu của dòng Lục Đầu, họ quyết lấy dòng sông làm mồ chôn thứ giặc từng khuấy đảo suốt từ Á sang Âu, từng khiến bao quốc gia nghiêng đổ.

Có thể nói, nhắc đến 3 lần đại phá giặc Nguyên Mông là nhắc đến Vạn Kiếp, Lục Đầu, nhắc đến Lục Đầu, Vạn Kiếp là nhớ đến các chiến công hiển hách của nhà Trần và Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn!

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mông Cổ lần thứ nhất năm 1258, Lục Đầu giang không được nhắc tới, song kế "thanh dã" - vườn không, nhà trống ở lần kháng chiến này đã được sử dụng ở cuộc kháng chiến thứ hai.

Lục Đầu giang gắn liền với đền Kiếp Bạc và các chiến công của nhà Trần

Lục Đầu giang gắn liền với đền Kiếp Bạc và các chiến công của nhà Trần

Trong cuộc kháng chiến thứ hai năm 1285, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ đạo toàn dân "thanh dã", khiến giặc thiếu đói, ốm đau. Hưng Đạo Vương kéo quân về Vạn Kiếp đánh chiếm căn cứ quan trọng bậc nhất của giặc - đồn A Lỗ. Cùng với các chiến thắng Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương khiến sức giặc đã tàn, buộc phải rút chạy theo hướng Vạn Kiếp. Tại đây, trực tiếp Hưng Đạo Vương chỉ huy đón lõng ở Lục Đầu. Tàn quân giặc chạy về Bắc Ninh nhưng lại bị Trần Quốc Toản đổ quân ra đánh khi quân Thoát Hoan cố vượt sông Như Nguyệt. Các chiến dịch truy quét tàn quân giặc của Đại Việt kéo dài lên tận phía bắc. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng cho quân lính khiêng chạy qua biên giới.

Ở cuộc kháng chiến lần thứ ba 1287-1288, giặc huy động 50 vạn quân tiến vào Đại Việt. Tại Quảng Ninh ngày nay đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Quân của võ tướng Trần Khánh Dư không ngăn được đạo thủy quân của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp. Chúng ngược sông Bạch Đằng kéo vào Vạn Kiếp hội quân. Đầu tháng 2/1288, quân địch ở Vạn Kiếp lên tới 30 vạn. Đầu tháng 3/1288, Thoát Hoan bỏ Thăng Long chuyển quân về Vạn Kiếp tổ chức phòng thủ. Biết chưa thể phá được thế trận của Đại Việt, Thoát Hoan một mặt cho người dẫn thủy quân theo đường sông Bạch Đằng về trước còn đường bộ thì đi sau chặn hậu.

Chính quyết định này của giặc đã khiến nhà Trần dàn thế trận kinh điển cắm cọc trên sông Bạch Đằng vây đánh thuyền của Nguyên Mông.

Ba lần vào Đại Việt thì cả 3 đều đại bại. Các chiến công ấy đều ít nhiều gắn với Lục Đầu giang và Vạn Kiếp. Rõ rệt nhất là lễ hội quân trên sông Lục Đầu còn được lưu truyền cho đến ngày nay. Năm 1283, Hưng Đạo Vương đã tổ chức một cuộc hội quân với 20 vạn quân, hơn 1.000 chiến thuyền đến họp ở Vạn Kiếp. Khi giặc đến, thế nước lâm nguy, sau lời kêu gọi của nhà Trần, các ngư phủ từ khắp các nơi gác lại công việc, kéo về hội quân trên sông Lục Đầu phía trước đền Kiếp Bạc.

Vị trí trọng tâm của căn cứ địa Vạn Kiếp

Ngày nay trên dòng sông Lục Đầu còn có nhiều nghi thức được lưu truyền kể về các chiến công của nhà Trần trong 3 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm

Ngày nay trên dòng sông Lục Đầu còn có nhiều nghi thức được lưu truyền kể về các chiến công của nhà Trần trong 3 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm

Theo Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, xưa kia sách "Công dư tiệp ký" đã chép về sông Lục Đầu: Sông ở huyện Chí Linh, giáp các huyện Phượng Nhãn, Yên Dũng, Quế Dương và Gia Định. Sông này trong sạch, nước thơm ngon người ta gọi là nước Bình Than. Các ngọn sông hội lại ở sông Triều Dương làm ra một khúc sông rất rộng lớn. Tất cả 6 chi ấy làm thành sông Lục Đầu. Giữa sông có bãi cát gọi là bãi Đại Than. Các nhà phong thủy gọi kiểu đất “lục long tranh châu”, nghĩa là 6 con rồng tranh nhau 1 hòn ngọc.

Dòng sông tỏa đi 6 ngả, Lục Đầu lúc nào cũng mênh mang sóng nước. Đây là nguồn cung cấp nước, phù sa cho đồng ruộng. Lục Đầu còn có vai trò quan trọng về giao thông thủy bộ. Vì thế, suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm, Lục Đầu giang luôn là vị trí trọng tâm của căn cứ địa Vạn Kiếp. Sau khi đánh thắng giặc Nguyên Mông đem lại thái bình cho đất nước, Hưng Đạo Vương về nghỉ tại thái ấp của ông ở Vạn Kiếp.

Sử xưa ghi lại, một hôm Hưng Đạo Vương cùng gia nhân dùng thuyền nhỏ dạo cảnh trên dòng sông Lục Đầu. Hưng Đạo Vương cho dừng thuyền lại. Đứng trên mũi thuyền, ông rút thanh kiếm ra và nói: "Thanh kiếm này đã gắn bó với ta gần cả cuộc đời. Trong suốt cuộc chinh chiến nó đã dính bao máu giặc Thát, nó đã từng chém đầu tên giặc Phạm Nhan dơ bẩn. Nay ta muốn nhờ dòng nước sông Lục Đầu để gột rửa sạch nhũng vết nhơ trên nó”. Nói rồi, ông ném thanh gươm xuống dòng sông. Tương truyền, tại khúc sông đó sau này hình thành một bãi bồi chạy dài rất giống hình thanh kiếm, dân gian gọi đó là Cồn Kiếm, ngay trước đền Kiếp Bạc.

Tại dòng Lục Đầu giang ngày nay vẫn diễn ra nhiều hoạt động nghi lễ gắn với lễ hội Kiếp Bạc như lễ cầu siêu và thả hoa đăng, đặc biệt là lễ hội quân đã trở thành nét đặc trưng của lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc. Dòng Lục Đầu còn là mồ chôn của quân sĩ Nguyên Mông, để ngày nay, trong lễ cầu siêu, ngoài cầu cho vong hồn quân dân Đại Việt siêu thoát, còn cầu nguyện cho quân giặc tử trận tìm được về quê hương bản quán.

Ấy là đạo lý của người Việt, bao đời nay vẫn thế!

TIẾN HUY

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/huyen-tich-luc-dau-giang-392956.html
Zalo