Huyền thoại phi công kể chuyện dẫn đoàn MiG-21 bay trên nóc Dinh Độc Lập năm 1975
Sau 50 năm, khoảnh khắc dẫn đoàn MiG-21 bay trên nóc Dinh Độc Lập vẫn vẹn nguyên, như dấu son không thể phai mờ trong ký ức huyền thoại phi công Nguyễn Văn Nghĩa.
Tháng 5/1975, phi đội gồm 12 chiếc MiG-21 từ sân bay Kép (Bắc Giang) vào TP.HCM, bay trên nóc Quảng trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập) - đánh dấu chiến thắng của dân tộc trong Lễ mít tinh mừng Chiến thắng.
Người dẫn đoàn bay năm đó là Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, huyền thoại phi công Nguyễn Văn Nghĩa - Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 935 (Sư đoàn 370).
Nhiệm vụ đặc biệt
Huyền thoại phi công Nguyễn Văn Nghĩa khá bất ngờ khi chúng tôi hỏi về sự kiện đặc biệt này. Vì theo ông, sự kiện ông dẫn đầu đoàn bay diễu hành 50 năm trước, ít người nắm.

Phi công Nguyễn Văn Nghĩa dẫn đoàn MiG-21 bay mừng chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập năm 1975.
Lật lại ký ức, ông kể, ngày 11/5/1975, để chuẩn bị cho màn bay diễu hành trong Lễ mít tinh mừng Chiến thắng, Trung đoàn Không quân 927 cử ông (hồi đó còn là Phi đội trưởng Phi đội 3) dẫn đầu đoàn công tác từ sân bay Kép vào khảo sát các sân bay phía Nam. Đoàn gồm các phi công: Hán Vĩnh Tưởng, Trần Thông Hào, Đinh Văn Bồng, Nguyễn Thanh Quí, Lê Văn Kiền và sĩ quan Dẫn đường Hoàng Đức Hạnh.
Trên chiếc Li-2 của Đoàn Không quân Vận tải 919, đoàn công tác cất cánh chặng đầu tiên vào sân bay Phù Cát (Bình Định).
Sáng 12/5/1975, sau một đêm nghỉ ngơi tại Phù Cát, đoàn tiếp tục bay đến sân bay Biên Hòa. Tại sân bay Biên Hòa, sau gần 3 giờ khảo sát, họ chuyển tiếp đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Dù gấp rút, cuộc khảo sát vẫn đảm bảo giúp đoàn phi công nắm rõ điều kiện của các sân bay phía Nam, để cuộc chuyển sân thuận lợi và an toàn. Chỉ sau đó vài giờ, khi công tác khảo sát hoàn tất, đoàn bay trở lại miền Bắc bằng máy bay IL-18.
Ngày 13/5/1975, phi đội 12 chiếc MiG-21 do Phi đội trưởng Nguyễn Văn Nghĩa dẫn đầu cất cánh từ sân bay Kép, bắt đầu chuyến bay dài từ Bắc vào Nam. Đây là một chuyến bay không giống bất kỳ cuộc hành quân nào trước đó. Các phi công phải đối mặt với một hành trình dài, khắc nghiệt, bay qua những vùng đất chưa từng sải cánh đến.

Phi công Nguyễn Văn Nghĩa (ngoài cùng, bên phải) trao đổi kinh nghiệm tác chiến với đồng đội.
“Cất cánh từ sân bay Kép, chúng tôi đều hiểu rằng đây là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, không chỉ đối với lực lượng Không quân mà còn đối với cả đất nước. Dù rất mệt sau chặng bay dài, nhưng ai cũng háo hức, tự hào”, Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa nói.
Sau khi cất cánh từ sân bay Kép, phi đội hạ cánh tại sân bay Đa Phúc (sân bay Nội Bài ngày nay) để tiếp nhiên liệu, rồi tiếp tục bay vào Đà Nẵng. Đến 13h15, phi đội đến Đà Nẵng, tiếp tục nạp nhiên liệu và rời đi sau đó 1 tiếng, vào sân bay Biên Hòa.
Tuy nhiên, trên đường vào Biên Hòa, thời tiết xấu, phi đội buộc phải quay lại Đà Nẵng một lần nữa. Đến sáng 14/5, đoàn mới tiếp tục được hành trình.
Đúng 10h 30 ngày 14/5, trước sự chờ đón của mọi người, chiếc MiG-21 số hiệu 5033 do phi công Nguyễn Văn Nghĩa điều khiển, tiếp đất an toàn trên đường băng sân bay Biên Hòa, tiếp theo là 12 chiếc còn lại của Phi đội.
Hoàn thành nhiệm vụ chuyển sân khó nhằn - từ Bắc vào Nam - chưa từng có trong lịch sử, phi đội MiG-21 chỉ kịp nghỉ ngơi một đêm để chuẩn bị cho nhiệm vụ đặc biệt hơn vào sáng mai: Bay diễu binh trên nóc Quảng trường Thống Nhất.
Khoảnh khắc vĩ đại
Sáng 15/5/1975, tại Lễ mít tinh mừng Chiến thắng, phi công Nguyễn Văn Nghĩa dẫn đầu biên đội MiG-21 chao lượn trên nóc Quảng trường Thống Nhất, đánh dấu sự chiến thắng của dân tộc và của lực lượng Không quân Nhân dân Việt Nam.
“Hồi đó chia ra các biên đội bay hai ngày. Ngày 15 tháng 5, tôi dẫn đầu hai biên đội gồm các phi công: Lê Văn Kiền, Lê Văn Lập, Nguyễn Hùng Thông, Vũ Quốc Bảo, Hán Vĩnh Tưởng, Trần Tuấn Việt, Đinh Văn Bồng. Ngày 16 tháng 5, biên đội còn lại gồm các phi công: Dương Đình Nghi, Trần Thông Hào, Nguyễn Mạnh Hải, Nguyễn Thanh Quý thực hiện bay”, Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa kể.

Phi công Nguyễn Văn Nghĩa trên chiếc MiG-21 năm 1975.
Đó là lần đầu tiên người dân TP.HCM chứng kiến các máy bay MiG-21 huyền thoại bay trên bầu trời thành phố. Phi đội MiG-21 không chỉ bay để thể hiện sức mạnh của Không quân, mà còn bay để thể hiện sự trưởng thành, sức mạnh của đất nước.
Phi công Nguyễn Văn Nghĩa nhớ lại: "Khi chúng tôi bay qua Quảng trường Thống Nhất, nhìn xuống là biển người đang reo hò, vẫy tay. Cảm giác lúc đó thật khó diễn tả. Tất cả những khó khăn trong suốt chuyến bay trước đó như tan biến, chỉ còn lại cảm giác tự hào”.
Phi đội do ông dẫn đầu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễu binh, bay qua quảng trường đúng giờ theo kế hoạch, nhưng vị trí “có chút chệch”. “Ngày đó thấy dân chúng reo hò, hứng khởi nên tôi cũng hăng. Tôi điều khiển máy bay bay thấp hơn vị trí đã lên kế hoạch, thấp hơn cả cột sóng ở quảng trường. Sau đó tôi bị đơn vị khiển trách một chút”, ông nói.
Ngày 21/5/1975, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Trung đoàn Không quân 935, một đơn vị chiến đấu mới của Không quân Nhân dân Việt Nam. Phi công Nguyễn Văn Nghĩa trở thành Trung đoàn trưởng “đời đầu” của Trung đoàn 935.

Phi công Nguyễn Văn Nghĩa (áo trắng) nhận nhiệm vụ nghiên cứu, làm chủ máy bay F5 từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sau đúng một tháng thành lập, Trung đoàn 935 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ nhanh chóng làm chủ máy bay F5 chiếm được của địch để tăng cường sức chiến đấu cho Trung đoàn. Nhận lệnh, các phi công MiG-21 ngày đêm tập trung nghiên cứu.
Đến cuối tháng 7/1975, chỉ sau một tháng nghiên cứu, phi công Nguyễn Văn Nghĩa khiến nhiều người thán phục khi thành thạo điều khiển máy bay F5, bay lượn trên bầu trời Biên Hòa.
Sau 50 năm, nhìn lại chuyến bay lịch sử, phi công Nguyễn Văn Nghĩa nói đó không chỉ là hành trình của những chiếc máy bay, mà còn là hành trình của một dân tộc vươn lên, chiến thắng. Trong ông, kỷ niệm về hành trình chuyển sân từ Bắc vào Nam, về khoảnh khắc bay lượn trên nóc Quảng trường Thống Nhất năm ấy vẫn vẹn nguyên, như một dấu son không bao giờ phai mờ.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa sinh năm 1946 tại Quảng Ngãi. Năm 1955, ông theo cha tập kết ra Bắc.
Tháng 6/1965, ông trúng tuyển phi công quân sự và được cử đi đào tạo lái máy bay Mikoyan-Gurevich MiG-21 tại Trường Không quân Serov – Krasnodar (Liên bang Xô Viết).
Năm 1968, ông tốt nghiệp khóa đào tạo và quay trở về nước, chiến đấu trong Trung đoàn 921 - Đoàn Không quân Sao Đỏ.
Ông cũng là phi công MiG-21 đầu tiên của Việt Nam lái chiếc Northrop F5 và cũng là giáo viên bay đầu tiên trên loại máy bay này của Không quân Việt Nam.
Năm 1973, khi chỉ vừa mới mang cấp bậc Thượng úy, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Ông là phi công đạt đến cấp độ ACE trong chiến tranh Việt Nam, một danh hiệu dùng để phong cho những phi công đã bắn rơi từ 5 máy bay đối phương trở lên.
Sau nhiều năm công tác trong lực lượng không quân, ông được luân chuyển sang làm việc trong ngành Hàng không và giữ chức vụ hiệu trưởng Trường Hàng không Việt Nam cho đến khi rời nhiệm kỳ vào năm 2007.