Chuyện gì đã xảy ra trước thảm kịch 179 người chết trên máy bay của Hàn Quốc?

Thảm kịch 179 người chết trong chuyến bay Jeju Air 2216 của Hàn Quốc xảy ra vào tháng 12 năm ngoái vốn đã được dự báo từ trước.

Tai nạn máy bay thảm khốc nhất lịch sử Hàn Quốc

Ngày 29/12/2024, máy bay Boeing 737-800 của Jeju Air hạ cánh bằng bụng, trượt trên đường băng rồi đâm vào tường bê tông ở rìa sân bay quốc tế Muan và bốc cháy dữ dội. Tai nạn khiến 179 trong tổng số 181 người trên máy bay thiệt mạng. Đây là thảm kịch hàng không chết chóc nhất ở Hàn Quốc.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay (Ảnh: Rappler)

Hiện trường vụ tai nạn máy bay (Ảnh: Rappler)

Điều đáng nói, trước khi xảy ra tai nạn 10 ngày, hàng chục quan chức đã tham gia cuộc họp của Ủy ban phòng chống va chạm với chim, nơi họ thảo luận về số lượng máy bay bị chim tấn công. Dữ liệu cho thấy số vụ máy bay va chạm với chim tăng lên trong vài năm qua.

Một quan chức, đến từ một trong các viện đào tạo hàng không quốc gia, bày tỏ lo ngại rằng các máy bay khi hạ cánh thường gặp phải đàn chim bay ngang qua ven biển. "Liệu có thể ngăn chặn được chim bay không?", quan chức này hỏi.

Thật ngạc nhiên, câu trả lời không mang lại sự an tâm. Tại sân bay, không có đủ nhân lực và phương tiện để giữ cho chim không lại gần máy bay. Âm thanh phát ra từ các loa phóng thanh không đủ lớn để xua đuổi chim, cũng không đủ để lan rộng ra ngoài khu vực sân bay, theo một quan chức từ công ty quản lý cơ sở vật chất của sân bay. Ông cũng lưu ý rằng họ "đang cố hết sức" làm việc. Sau đó, vào ngày 29/12/2024, thảm kịch đã xảy ra.

Xung quanh sân bay Muan là nơi chim sinh sống

Các nhà điều tra hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra tai nạn. Đặc biệt, liệu va chạm với chim có phải nguyên nhân chính không. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc cho biết đã phát hiện lông chim và máu trong cả hai động cơ của máy bay. Các bộ phận còn lại được xác định của loài vịt Baikal teal, một loài vịt di cư phổ biến ở Hàn Quốc vào mùa đông, thường bay thành đàn lên đến hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm nghìn con.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy chim sinh sống gần sân bay Muan (Ảnh: NY Times)

Hình ảnh vệ tinh cho thấy chim sinh sống gần sân bay Muan (Ảnh: NY Times)

Cuộc họp vào ngày 19/12/2024 không phải là cảnh báo đầu tiên các nhà điều hành sân bay nhận được về nguy cơ va chạm với chim. Mối nguy hiểm này đã được cảnh báo trong nhiều thập kỷ, từ trước khi sân bay Muan mở vào năm 2007, theo một cuộc điều tra của New York Times. Các đánh giá môi trường vào năm 1998 và 2008 cũng ghi nhận có nhiều loài chim sinh sống gần sân bay.

Đặc biệt, vào năm 2020, khi sân bay bắt đầu cải tạo, bao gồm việc mở rộng đường băng, Dịch vụ Đánh giá Tác động Môi trường của Hàn Quốc chỉ ra rằng sân bay có "rủi ro cao về va chạm với chim trong quá trình cất cánh và hạ cánh". Họ khuyến nghị cần có biện pháp để giảm thiểu rủi ro này.

Tập đoàn Sân bay Hàn Quốc trả lời câu hỏi của The Times rằng để ngăn ngừa va chạm với chim, họ đã sử dụng phương tiện và thiết bị phát ra âm thanh để xua đuổi chim, đồng thời tiến hành khảo sát môi trường để giám sát các hệ sinh thái xung quanh sân bay. Công ty cũng cho biết đã lắp đặt thêm loa phóng thanh tại nhiều khu vực của sân bay sau cuộc họp ngày 19/12/2024.

Tuy nhiên, giống hầu hết các sân bay nhỏ ở Hàn Quốc, Muan vẫn thiếu camera hồng ngoại và radar phát hiện chim, vốn được sử dụng để nhắc nhở các kiểm soát viên không lưu và phi công về sự hiện diện của chim, theo thông tin từ Chính phủ Hàn Quốc.

Các sân bay trên toàn thế giới được khuyến cáo nên triển khai biện pháp như vậy, theo hướng dẫn từ Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), một cơ quan thuộc Liên hợp quốc thiết lập tiêu chuẩn cho ngành hàng không.

"Quy định đã có sẵn, nhưng mọi người vẫn vi phạm chúng mà không màng đến hậu quả", ông Nial Moores, giám đốc quốc gia của Birds Korea, một tổ chức bảo tồn chim cho biết. "Họ đã được cảnh báo về rủi ro va chạm với chim", ông nói thêm. "Tại sao mọi thứ vẫn không thay đổi?"

Ngoài việc không tuân thủ hướng dẫn quốc tế, nhà điều hành sân bay còn vi phạm các quy định an toàn trong nước.

Vào ngày xảy ra tai nạn ở sân bay Muan, chỉ có một người làm nhiệm vụ giám sát chim, thay vì tối thiểu hai người như yêu cầu của chính phủ. Ngoài ra, nhiều người được yêu cầu tham dự cuộc họp của Ủy ban phòng ngừa va chạm với chim đã vắng mặt. Công ty này điều hành hầu hết các sân bay ở Hàn Quốc, bao gồm cả sân bay Muan.

"Thật xấu hổ khi họ biết họ sai sót trong nhiều năm, nhưng họ không cải thiện tí nào", ông Kwon Hyang-Yup, một nghị sĩ đối lập, người thu thập báo cáo của Ủy ban an toàn chim, phát biểu. Tỷ lệ va chạm với chim của sân bay Muan cao gấp 10 lần so với sân bay Quốc tế Incheon, sân bay lớn nhất Hàn Quốc, theo dữ liệu được công bố bởi bà Kwon, một nghị sĩ.

Chim bay theo đàn gần sân bay Muan (Ảnh: NY Times)

Chim bay theo đàn gần sân bay Muan (Ảnh: NY Times)

Ông Ju Yung-Ki, nhà nghiên cứu và bảo tồn nhiều lần đến khu vực Muan trong những năm gần đây, đang làm việc tại văn phòng vào ngày 29/12/2024 khi nghe tin về vụ tai nạn máy bay.

Tôi luôn nghĩ rằng có nguy cơ va chạm với chim ở đó”, ông Ju, giám đốc Viện Ecoculture, cho biết. Mặc dù lo ngại, ông Ju cũng từng đến sân bay Muan nhiều lần.

Sau khi nghe tin về vụ tai nạn, ông đi khoảng 70 dặm từ nhà mình ở Jeonju, phía Đông Bắc Muan, ra một hồ gần sân bay và đến nơi vào khoảng 16h30. Ông chứng kiến cảnh đuôi máy bay bị cháy và đống đổ nát ở cuối đường băng. “Cảnh tượng thật kinh hoàng”, ông nói, thêm rằng ông đã khóc khi nghĩ về các nạn nhân. Khi buổi chiều trôi qua, ông cũng phát hiện ra các đàn chim Baikal teal lên tới 300.000 con bay cách sân bay khoảng 18 km.

Sân bay Muan, cách Seoul gần 200 km về phía Nam, nằm giữa đồng cỏ đầm lầy. Cách đó không xa là hồ chứa nước ở bán đảo phía Tây Nam, nơi vịt và các loài chim khác cư trú. Chủ doanh nghiệp địa phương cho biết ông thường xuyên thấy các đàn chim tại câu lạc bộ golf gần sân bay, cách đó khoảng 4 dặm.

Luật Cơ sở Hạ tầng Sân bay Hàn Quốc ban hành năm 2017 cho biết một sân bay không thể được xây dựng trong phạm vi 8 km từ khu bảo tồn chim hoặc khu bảo vệ động vật hoang dã. Tuy nhiên, theo Bộ Môi trường quốc gia, chỉ có một khu bảo tồn như vậy ở Muan, nằm cách cách sân bay khoảng 12 km. Bản đồ của Cục Hàng không Dân dụng Hàn Quốc xác định bốn khu vực xung quanh sân bay Muan là nơi chim tìm thức ăn và cư trú.

Một trong số các khu vực đó chỉ cách sân bay hơn 1km. Vào một buổi sáng tháng 2/2025, hàng trăm con chim bay trên đầu ở khoảng cách này. “Vấn đề không phải là sân bay Muan có nằm gần khu bảo tồn hay không”, ông Ju nói. “Thực tế có rất nhiều loài chim sinh sống ở đó”.

Các chuyên gia cho rằng dù có phòng ngừa bao nhiêu chăng nữa, máy bay vẫn không thể tránh khỏi va chạm với chim. “Điều hiển nhiên là không nên xây dựng sân bay ở nơi có nhiều chim”, ông Keith Mackey, chuyên gia tư vấn an toàn Hàng không, cho biết từ Ocala, Florida, Mỹ.

Nhiều biện pháp giúp đuổi chim khác bao gồm sử dụng sơn màu sáng trên đường băng và sử dụng drone để giải tán các đàn chim gần đó, ông Mackey nói.

Sân bay Muan đóng cửa kể từ sau vụ tai nạn ngày 29/12 năm ngoái. Sân bay sẽ không nối lại các chuyến bay thương mại sớm nhất đến ngày 18/4/2025. Gần đây, sân bay có nối lại các chuyến bay y tế và huấn luyện.

Sau vụ tai nạn, chính phủ Hàn Quốc cam kết chi 247 tỷ won (khoảng 173 triệu USD) trong ba năm để cải thiện biện pháp phòng ngừa va chạm với chim tại tất cả các sân bay trong nước. Các biện pháp dự kiến bao gồm lắp đặt thiết bị phát hiện chim, triển khai mô hình radar quốc gia để cảnh báo các nhân viên trong tháp kiểm soát, người tuần tra trên mặt đất và phi công về sự hiện diện của chim.

Quỳnh Anh (Nguồn: New York Times)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/chuyen-gi-da-xay-ra-truoc-tham-kich-179-nguoi-chet-tren-may-bay-cua-han-quoc-ar937954.html
Zalo