Trung Quốc bổ nhiệm đại diện thương mại mới để đàm phán với Mỹ
Trung Quốc vừa bổ nhiệm đại diện thương mại quốc tế mới tại Bộ Thương mại trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ ngày càng căng thẳng.
Chính phủ Trung Quốc vừa phát đi tuyên bố ông Lý Thành Cương sẽ là người thay thế vị trí Thứ trưởng Bộ Thương mại của ông Vương Thọ Văn và làm đại diện hàng đầu về đàm phán thương mại quốc tế.
Với vị trị mới, ông Lý Thành Cương sẽ trở thành thành viên chủ chốt trong đội đàm phán thương mại của Trung Quốc khi Bắc Kinh giải quyết vấn đề tranh chấp thương mại với Mỹ.

Ông Lý Thành Cương có nhiều kinh nghiệm đàm phán quốc tế. (Ảnh: SCMP)
Ông Lý Thành Cương (58 tuổi) có nhiều kinh nghiệm xử lý các cuộc đàm phán quốc tế tại Bộ Thương mại và từng là đại sứ của Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có trụ sở tại Geneva từ năm 2021. Ông Lý Thành Cương có bằng cử nhân luật của Đại học Bắc Kinh và bằng thạc sĩ kinh tế luật của Đại học Hamburg ở Đức.
Dù không rõ lý do tại sao ông Lý Thành Cương được bổ nhiệm, nhưng nhiều nhà phân tích nhận đinh đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách tạo ra bước đột phá trong cuộc đàm phán với Mỹ để đạt thỏa thuận tiềm năng nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại.
Hiện tại, chính quyền Tổng thống Donald Trump được cho là đang xây dựng chiến lược dùng đàm phán thuế quan để yêu cầu các quốc gia hạn chế quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Theo Wall Street Journal, mục tiêu của chiến lược này là gây sức ép với nền kinh tế Trung Quốc để Bắc Kinh phải đàm phán trong thế bất lợi hơn so với Washington.
Cụ thể, theo các nguồn thạo tin, các đối tác thương mại có thể nhận được nhượng bộ trong các điều khoản thuế quan Mỹ nếu họ đồng ý không để Trung Quốc: Vận chuyển hàng hóa qua lãnh thổ của họ để né thuế; đặt trụ sở doanh nghiệp để lẩn tránh các quy định thương mại của Mỹ; xuất khẩu hàng công nghiệp giá rẻ tràn vào thị trường nội địa.
Chiến thuật này do Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent dẫn đầu. Ông trình bày ý tưởng với Tổng thống Trump trong một cuộc họp tại Mar-a-Lago vào ngày 6/4. Ông Bessent lập luận rằng cách tiếp cận này sẽ làm suy yếu khả năng Trung Quốc né tránh các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ, như thuế quan và kiểm soát xuất khẩu.