Huyện Tân Lạc - điểm sáng trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội
Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tân Lạc là điểm sáng trong thực hiện tín dụng chính sách (TDCS). Nhiều năm liền đơn vị không có nợ quá hạn, nguồn vốn được chuyển tải kịp thời đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tân Lạc là điểm sáng trong thực hiện tín dụng chính sách (TDCS). Nhiều năm liền đơn vị không có nợ quá hạn, nguồn vốn được chuyển tải kịp thời đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Lạc cùng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Thanh Định, thị trấn Mãn Đức kiểm tra việc sử dụng vốn vay của hộ dân.
Trước khi được tiếp cận với nguồn vốn TDCS, gia đình bà Nguyễn Thị Ngừng, xóm Thanh Định, thị trấn Mãn Đức thuộc hộ khó khăn nhất xóm. Dù có diện tích đất canh tác khá lớn, nhưng vì thiếu vốn nên bà chỉ trồng ngô, sắn, thu nhập bấp bênh. Từ khi được NHCSXH huyện Tân Lạc cho vay 50 triệu đồng, gia đình bà đầu tư trồng bưởi và chăn nuôi bò sinh sản, kinh tế ngày càng ổn định. Bà Ngừng chia sẻ: "Với những hộ khó khăn như gia đình tôi, vốn vay của NHCSXH có ý nghĩa rất quan trọng bởi lãi suất phù hợp, thủ tục vay vốn đơn giản. Gia đình đã được vay vốn thì phải cố gắng sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả để có tiền trả lãi, trả nợ cho ngân hàng, từ đó tiến tới thoát nghèo”.
Không chỉ có gia đình bà Ngừng, tại xóm Thanh Định cũng có nhiều hộ sử dụng vốn chính sách hiệu quả để phát triển kinh tế. Theo bà Nguyễn Thị Viên, tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) xóm Thanh Định, trước đây xóm rất khó khăn. Hiện nay, bộ mặt của xóm đã đổi thay nhiều, với đường làng, ngõ xóm sạch đẹp; những căn nhà tạm được thay thế bằng nhà xây kiên cố. Thành quả đó có dấu ấn đậm nét của vốn chính sách. Đặc biệt, tổ do bà Viên quản lý luôn duy trì được chất lượng tín dụng tốt, không có nợ quá hạn, lãi tồn đọng.
Bà Viên nhấn mạnh: "Những năm qua, đồng vốn chính sách đảm bảo đến đúng đối tượng thụ hưởng. Các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả nên bà con thực hiện tốt việc trả lãi, trả nợ”. Ngoài ra, bà Viên cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc đôn đốc thu lãi, thu nợ. Vào ngày 5 hàng tháng, bà tổ chức họp tổ để tuyên truyền chính sách mới, nhắc nhở tổ viên trả lãi. Với những khoản vay đến kỳ tất toán, bà thông báo trước một tháng để các hộ có kế hoạch tài chính. Nhờ vậy, các tổ viên luôn chủ động, không để nợ quá hạn.
Không chỉ xóm Thanh Định, ở các thôn, xóm khác trên địa bàn huyện Tân Lạc, việc phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ TK&VV là một trong những yếu tố quan trọng để củng cố và nâng cao chất lượng TDCS. Đến nay, tổng dư nợ TDCS trong toàn huyện đạt trên 620 tỷ đồng, với gần 16 nghìn khách hàng còn dư nợ. Từ đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn cao, những năm qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tân Lạc là điểm sáng trong thực hiện TDCS. Từ năm 2020 đến nay, đơn vị không có nợ quá hạn; 100% tổ TK&VV xếp loại tốt, khá.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc phụ trách Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tân Lạc cho biết: Đơn vị luôn chú trọng tăng trưởng dư nợ đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng giao dịch tại xã, công tác ủy thác cho vay và hiệu quả hoạt động của các tổ TK&VV. Hàng năm, việc phân công cán bộ được thực hiện linh hoạt, dựa trên năng lực và sở trường; cán bộ giàu kinh nghiệm được phân công phụ trách địa bàn khó để hỗ trợ đồng nghiệp mới. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ đoàn kết, hỗ trợ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, đơn vị cũng triển khai hiệu quả các phong trào thi đua do Chi nhánh NHCSXH tỉnh phát động, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần nâng cao chất lượng toàn diện.