Huyện Phú Giáo: Ổn định sản xuất nông nghiệp từ đầu năm
Là vùng đất giàu tiềm năng nông nghiệp, những năm qua, nông dân huyện Phú Giáo không ngừng đổi mới, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị sản xuất. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện nhộn nhịp trở lại, mang theo nhiều kỳ vọng trong năm mới.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_413_51445868/67c4c6c0f28e1bd0429f.jpg)
Nông dân huyện Phú Giáo chuẩn bị cho mùa vụ mới sau tết. Trong ảnh: Vườn sầu riêng của ông Đỗ Phương Nam, xã An Thái
Tất bật sản xuất ngay từ đầu xuân
Những ngày đầu xuân mới Ất Tỵ, không khí lao động trên các vườn cây, chuồng trại trên địa bàn huyện Phú Giáo nhộn nhịp trở lại. Ông Đỗ Phương Nam, chủ vườn sầu riêng tại ấp 5, xã An Thái, chia sẻ: “Kinh tế gia đình tôi chủ yếu dựa vào 4 ha sầu riêng. Năm nay, thời tiết khá thuận lợi, cây sầu riêng phát triển tốt. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải cẩn thận trong khâu chăm sóc, nhất là giai đoạn ra hoa, đậu trái. Hiện tại, giá sầu riêng trên thị trường vẫn giữ ở mức cao, người trồng có thu nhập ổn định. Mặc dù vậy, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng khiến chi phí sản xuất cũng đội lên đáng kể”.
Đối với các hộ trồng dưa lưới công nghệ cao trên địa bàn huyện cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Ông Đỗ Văn Thiện, chủ vườn dưa lưới tại ấp Bình Thắng, xã An Bình, cho biết mô hình trồng dưa lưới nhà màng giúp kiểm soát sâu bệnh tốt hơn, bảo đảm năng suất và chất lượng. Hiện giá dưa lưới vẫn ổn định, dưa lưới của gia đình ông chủ yếu tiêu thụ qua các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Ông Thiện cũng bày tỏ mong muốn địa phương có thêm chính sách hỗ trợ về vốn và kỹ thuật để người nông dân mở rộng quy mô sản xuất.
Bên cạnh cây cao su, thời gian qua trên địa bàn huyện Phú Giáo đã hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung, trong đó cây cam, bưởi da xanh, quýt, chanh dây không hạt có diện tích trên 1.600 ha. Thời gian gần đây, nông dân trên địa bàn huyện còn mạnh dạn mở rộng diện tích trồng sầu riêng, đưa diện tích lên khoảng 300 ha. Mô hình dưa lưới nhà màng cũng đang phát triển mạnh, với quy mô 100 ha, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.
Theo lãnh đạo huyện Phú Giáo, với sự nỗ lực không ngừng của các cấp, các ngành, người nông dân trong huyện, ngành nông nghiệp huyện bước vào năm mới 2025 với nhiều kỳ vọng, hướng đến phát triển ngành nông nghiệp bền vững.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_413_51445868/1b87b48380cd699330dc.jpg)
Trước nguy cơ dịch bệnh, đòi hỏi các hộ chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ đàn vật nuôi và duy trì sản xuất ổn định
Phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả
Bên cạnh trồng trọt, ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện cũng đang trong giai đoạn phục hồi, phát triển tốt. Tuy nhiên, nguy cơ dịch tả heo châu Phi đang đặt ra nhiều thách thức khi một số địa phương lân cận đã ghi nhận các ổ dịch. Trước tình hình này, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã tăng cường vệ sinh chuồng trại, phun khử trùng, kiểm soát nguồn thức ăn để hạn chế rủi ro.
Ông Nguyễn Văn Hùng, hộ chăn nuôi heo tại xã Phước Sang, chia sẻ gia đình ông đang nuôi hơn 2.000 con heo thịt. Sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, giá heo hơi có xu hướng nhích lên, tuy vậy ông vẫn lo vì dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện ở vùng lân cận. Nếu dịch bùng phát, việc tiêu thụ heo sẽ gặp nhiều khó khăn. “Chúng tôi mong cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh, hướng dẫn nông dân kỹ thuật an toàn sinh học để hạn chế rủi ro”, ông Hùng nói.
Ông Ninh Đức Hậu, chủ trại nuôi heo ở ấp Tân Tiến, xã Phước Sang, cho hay: “Để phòng chống dịch bệnh, gia đình tôi tăng cường vệ sinh, khử trùng chuồng trại; giám sát sức khỏe đàn heo, nếu phát hiện heo có dấu hiệu bệnh sẽ báo cáo với cơ quan thú y để có biện pháp xử lý kịp thời. Gia đình tôi áp dụng mô hình chăn nuôi khép kín, hạn chế tiếp xúc với môi trường bên ngoài; đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng bảo đảm đàn heo được tiêm phòng đầy đủ”.
Để phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, huyện Phú Giáo đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân và hộ chăn nuôi. Theo bà Huỳnh Ngọc Ánh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Giáo, toàn huyện có tổng đàn heo hơn 460.000 con và hơn 3,6 triệu con gia cầm. Ngay từ đầu năm, Phòng Kinh tế huyện đã phối hợp với cơ quan thú y tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm ngặt quy trình an toàn sinh học. Cùng với đó, Phòng Kinh tế huyện đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân không tái đàn ồ ạt, để tránh rủi ro khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Bà Huỳnh Ngọc Ánh cho biết thêm, song song với công tác phòng chống dịch bệnh, huyện Phú Giáo đang tích cực kết nối doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi và nông sản; khuyến khích các trang trại áp dụng công nghệ cao, chăn nuôi theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm đầu ra bền vững. Với sự đồng hành của chính quyền địa phương, sự quyết tâm của người dân và những giải pháp đồng bộ trong phát triển nông nghiệp, huyện Phú Giáo đang hướng đến một năm sản xuất thuận lợi, tiếp tục khẳng định vị thế là vùng nông nghiệp trọng điểm của tỉnh.
Ông Tô Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo: Địa phương chỉ đạo quyết liệt các ngành chuyên môn tăng cường giám sát dịch bệnh, hỗ trợ người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi, đồng thời thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để bảo đảm ổn định sản xuất.