Huyện Cù Lao Dung - tháng giêng lo hạn - mặn, tháng 9 chống triều cường

Thiên nhiên ban tặng cho huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) nhiều ưu đãi, tiềm năng ở hai mặt về địa chất, địa mạo. Thế nhưng, hằng năm, người dân nơi đây cũng phải đối mặt 'thử thách' với những đợt triều cường, những lần hạn, mặn. Chính điều đó, các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân cù lao đang chung sức, đồng lòng sẵn sàng ứng phó những đợt nước dâng cao…

Triều cường, hạn, mặn, sạt lở hay “ghé thăm”

Thường mỗi năm cứ khoảng rằm tháng 9 âm lịch, Cù Lao Dung có những đợt triều cường dâng cao, kéo dài đến tết Nguyên đán (mỗi tháng thường rơi vào ngày rằm và ngày 30). Kết thúc những đợt triều cường, sang tháng giêng âm lịch, có thể xảy ra hạn, mặn kéo dài hết quý I. Quen với “điệp khúc thử thách” của thiên nhiên, Cù Lao Dung đã có sự chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa và hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Văn Đắc - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung cho biết:

Dù độ mặn liên tục tăng cao trong các tháng đầu năm 2024 nhưng do ngành chuyên môn và các địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức các giải pháp công trình và phi công trình theo các kịch bản ứng phó được UBND huyện ban hành nên trên địa bàn huyện chưa ghi nhận trường hợp nào bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập.

Nước vừa tràn bờ đã được lãnh đạo huyện Cù Lao Dung chỉ đạo khắc phục ngay, không để kéo dài, gây thiệt hại cho người dân. Ảnh: SỚM MAI

Nước vừa tràn bờ đã được lãnh đạo huyện Cù Lao Dung chỉ đạo khắc phục ngay, không để kéo dài, gây thiệt hại cho người dân. Ảnh: SỚM MAI

Riêng công tác ứng phó với triều cường được nhận định tình hình và triển khai thực hiện sớm. Ngày 24/4/2024, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã có kế hoạch kiểm tra hệ thống kênh, rạch, đê bao, bờ bao, cống bọng và các công trình thủy lợi khác trên địa bàn. Đồng thời, huyện đã triển khai phương án phòng, chống triều cường, sạt lở; chủ động trong công tác ứng phó với thiên tai, triều cường; chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai... Qua rà soát, tổng hợp tình hình triều cường kết hợp lũ thượng nguồn dâng cao trong những tháng đầu năm đến nay, các xã, thị trấn đều ổn. Từ chiều ngày 20/10/2024 đến sáng ngày 21/10/2024, mực nước đang giảm dần, tại vị trí cầu Bến Bạ (sông Bến Bạ) mực nước ở khoảng 1,85m. Có một số điểm ở các xã bị tràn, vỡ bờ bao trong dân đã khắc phục xong; tuyệt đối không để ngập kéo dài, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của người dân.

Không những thế, Cù Lao Dung còn phải đối mặt với tình hình sạt lở. Hiện nay, các điểm sạt lở nằm trong Dự án Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đê cửa sông Tả, Hữu Cù Lao Dung với trên 38 điểm sạt lở với chiều dài hơn 2,4km. Qua kết quả rà soát, kiểm tra thì đơn vị tư vấn thiết kế đã phối hợp với địa phương đo đạc, thiết kế để khắc phục các điểm sạt lở nghiêm trọng.

Trên tuyến đê bao Tả, Hữu huyện Cù Lao Dung có 18 điểm dài 1.338m sạt lở nghiêm trọng (xã An Thạnh Đông sạt lở 14 điểm, với chiều dài 980m; xã Đại Ân 1 sạt lở 4 điểm với chiều dài 358m) đã được cơ quan chuyên môn tỉnh phối hợp với địa phương khảo sát và triển khai thi công trước các điểm sạt lở nghiêm trọng nhằm ứng phó với tình hình triều cường, sạt lở phát sinh trong những tháng cuối năm 2024.

Phòng, chống từ sớm, từ xa

Theo đồng chí Nguyễn Văn Đắc, có các điểm xung yếu cần phải lưu ý, bởi đối với các tuyến bờ bao, bọng đập, các tuyến đường giao thông nông thôn đã xuống cấp với quy mô nhỏ có công trình thấp thuộc địa phương quản lý thì cần chủ động gia cố kịp thời theo phương châm “Bốn tại chỗ”. Phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn quan tâm rà soát, kiểm tra các tuyến bờ bao ven sông với hơn 45km bờ bao chưa được khép kín, khảo sát, tuyên truyền và vận động nhân dân chủ động gia cố bờ bao. Thường xuyên kiểm tra, gia cố, khắc phục kịp thời các nắp cống, bọng trên địa bàn quản lý, góp phần ứng phó tốt với triều cường trong thời gian tới. Chủ động kiểm tra, rà soát và gia cố kịp thời các vị trí sạt lở trên các tuyến đê bao sông, đê bao Tả, Hữu trên địa bàn các xã, thị trấn.

Huyện Cù Lao Dung thường xuyên gia cố các tuyến đê bao để phòng, chống triều cường. Ảnh: SỚM MAI

Huyện Cù Lao Dung thường xuyên gia cố các tuyến đê bao để phòng, chống triều cường. Ảnh: SỚM MAI

Để tiếp tục phòng, chống thiên tai hiệu quả, huyện còn chú trọng tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn hiểu, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với tình hình sạt lở. Tăng cường dự báo, cảnh báo bằng nhiều phương thức (thông tin đại chúng, mạng xã hội...) để người dân theo dõi, có giải pháp ứng phó kịp thời đối với triều cường, tình trạng sạt lở.

Công tác phòng, chống thiên tai là vấn đề quan trọng hàng đầu được tỉnh, huyện triển khai khẩn trương. Hiện nay, các cơ quan chức năng tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình trên địa bàn huyện Cù Lao Dung, dự kiến tháng 12/2024 hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Cụ thể, 85 hạng mục công trình nạo vét kênh, rạch; 15 hạng mục sửa chữa các cống; 10 hạng mục bồi trúc, chống tràn trên đê Tả, Hữu Cù Lao Dung; 13 hạng mục nâng cấp bờ bao đầu kênh đê Tả, Hữu Cù Lao Dung; 5 hạng mục nâng cấp bờ bao đầu kênh đê bao biển; 4 hạng mục nạo vét các đầu khoan cống trên đê (khơi thông dòng chảy). Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ cho huyện 3,2 tỷ đồng để thực hiện 2 công trình với 6 hạng mục gia cố sạt lở, bọng đập và 7 hạng mục nạo vét trên địa bàn các xã, thị trấn. Huyện đã thực hiện đạt 60% khối lượng công việc; dự kiến trong tháng 11/2024 bàn giao đưa vào sử dụng, đáp ứng kịp thời trong công tác phòng, chống triều cường.

Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn khảo sát và lập danh mục các công trình xung yếu, sạt lở ứng phó với triều cường với 55 hạng mục công trình; gia cố khắc phục kịp thời 6 công trình xung yếu, còn lại sẽ sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Trước mắt, huyện Cù Lao Dung đang khẩn trương thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Song song đó, huyện thực hiện giải pháp lâu dài là tiếp tục triển khai mô hình trồng cây chắn sóng, phòng, chống sạt lở trên hệ thống đê bao Tả, Hữu; tập trung vào các ao tôm bị bỏ hoang, khả năng sạt lở đe dọa đến thân đê bao. Để đảm bảo an toàn đến tính mạng và tài sản của nhân dân thì việc đầu tiên là phải di dời ngay các hộ dân sống ngoài đê bao vào nơi ở tạm. Đề xuất hỗ trợ đầu tư dự án tái định cư hoặc bố trí dự án ổn định dân cư phòng, chống thiên tai. Làm hệ thống đê quay, phá sóng, ngăn sạt lở, giữ đất phù sa. Đây là giải pháp khá căn cơ mang tính lâu dài, thân thiện với môi trường nhưng nguồn kinh phí khá lớn.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến ngày càng thất thường, thiên tai có thể phức tạp, khó lường nên việc chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống từ sớm, từ xa với phương châm “Chủ động phòng tránh - Đối phó kịp thời” được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Cù Lao Dung đã và đang khẩn trương, quyết liệt thực hiện.

SỚM MAI

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/huyen-cu-lao-dung/202410/huyen-cu-lao-dung-thang-gieng-lo-han-man-thang-9-chong-trieu-cuong-3232e0e/
Zalo