'Hồi sinh' rừng ngập mặn

Nhằm tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, những năm qua, nhiều địa phương đã tích cực trồng rừng ngập mặn để tạo ra những thành lũy chống lại bão, triều cường, xâm nhập mặn, góp phần làm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư ven biển.

Mưu sinh dưới rừng ngập mặn

Cà Mau là tỉnh có chiều dài bờ biển 254km, có 41 xã, thị trấn ven biển và cận ven biển. Người dân các xã ven biển của tỉnh Cà Mau hằng năm phải chống chọi với mưa bão, triều cường và các hình thái thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu. Trước tình trạng đó, tỉnh Cà Mau đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu thông qua Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” (GCF). Trong đó, trồng rừng ngập mặn được xem là giải pháp hiệu quả nhằm tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai bởi rừng ngập mặn không chỉ tạo ra vùng đệm quan trọng chống lại bão, triều cường, xâm nhập mặn, góp phần làm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà còn cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư ven biển.

Đến thăm rừng đước ngập mặn của hộ gia đình anh Đinh Văn Đường, ấp Xưởng Tiện, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Từ năm 2018, gia đình anh được Ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi giao 4ha đất ngập mặn để trồng rừng. Anh đào các rạch nước xen kẽ, lấy đất đắp thành những dải đất cao, sau đó trồng cây đước thành rừng. Năm 2019, gia đình anh Đường được Dự án GCF hỗ trợ tiền mua con giống thủy sản để thả nuôi dưới các rạch nước trong rừng do gia đình quản lý. Anh Đường cho biết: Gia đình nuôi thủy sản hơn 30 năm nay. Trước kia, nuôi trong ao hồ nhỏ của gia đình, thâm canh với mật độ thả nuôi lớn, chi phí đầu tư cao do phải mua con giống và thức ăn nên lợi nhuận rất thấp, bình quân mỗi tháng chỉ được 5-7 triệu đồng. Có những vụ tôm bị dịch bệnh chết nhiều, thua lỗ nặng.

Lực lượng chức năng kiểm tra các cánh rừng ngập mặn giao khoán cho người dân tại tỉnh Cà Mau.

Lực lượng chức năng kiểm tra các cánh rừng ngập mặn giao khoán cho người dân tại tỉnh Cà Mau.

“Trồng rừng ngập mặn không những cản được bão gió, hạn chế xói lở mà dưới tán rừng, gia đình tôi còn nuôi tôm, cua, ốc... theo hình thức quảng canh. Với 4ha rừng ngập mặn nuôi tôm, bình quân mỗi tháng gia đình tôi bán được 24-28 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, còn lãi khoảng 15 triệu đồng. Ngoài tôm, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu hoạch 150-200kg cua bể, bán cho thương lái với giá 200.000 đồng/kg, được thêm 40 triệu đồng”, anh Đường chia sẻ.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Miễn, 46 tuổi, ở ấp Xưởng Tiện, cũng được giao 4ha đất rừng ngập mặn. Ngoài nuôi tôm, cua, gia đình anh Miễn đang có đàn dê 16 con. Cách đây 3 năm, anh được dự án GCF hỗ trợ kinh phí mua 4 con dê cùng con giống thủy sản. Từ những con dê đầu tiên này, anh nuôi cho sinh sản, dê con cứ nuôi đến khoảng 25kg là xuất bán. Hằng ngày, anh hái lá đước làm thức ăn cho dê nên không mất chi phí thức ăn khi nuôi dê. “Trước kia không có sinh kế, tôi đi làm thuê, thu nhập rất bấp bênh. Từ khi được giao đất trồng rừng ngập mặn, gia đình đã có thu nhập ổn định từ tôm, cua bể, dê..., bình quân mỗi tháng thu nhập hơn 20 triệu đồng”, anh Miễn tâm sự.

Ông Lương Huỳnh Hảo, Chủ tịch UBND xã Viên An Đông đánh giá: Kể từ khi nuôi tôm sinh thái, tình trạng chặt phá cây rừng tại địa phương gần như không còn, thậm chí người dân trồng rừng nhiều hơn so với diện tích theo quy định. Hầu hết người dân ở đây đều trồng rừng đước, bởi vì đước là cây cho gỗ, trong khi các cây mắm, bần không thể bán gỗ. Quy định người dân trồng rừng đước phải đủ 12 năm thì mới được phép thu hoạch và phải trồng lại rừng mới. Với một chu kỳ khoảng 12 năm, 1ha rừng có thể mang về cho người dân 150-200 triệu đồng.

Tạo ra các thành lũy chống lại bão và lũ lụt

Được triển khai tại 7 tỉnh: Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cà Mau từ năm 2017 đến tháng 7-2024, Dự án GCF đã giúp các địa phương “hồi sinh” 4.260ha rừng ngập mặn. Tại Nam Định, 377ha rừng ngập mặn được trồng phục hồi đã củng cố thêm sự vững chắc của “bức tường xanh” bảo vệ đê biển 4 xã vùng dự án của huyện Nghĩa Hưng là: Nghĩa Lâm, Nghĩa Hải, Nghĩa Thành, Nam Điền nói riêng và ven biển của tỉnh nói chung. Rừng ngập mặn được phục hồi, các loài thủy sản trong rừng phong phú và đa dạng hơn. Nhiều gia đình không có tàu, thuyền đi biển, hằng ngày có thể mò cua, bắt ốc... thu nhập trung bình 100.000-200.000 đồng/ngày. Trong khi đó, tại Thanh Hóa, 355ha rừng trồng ven dải đê biển tại xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc) và xã Nga Thủy (huyện Nga Sơn) góp phần ngăn chặn sóng biển và triều cường, bảo vệ đê biển, giảm thiểu rủi ro thiên tai, bảo vệ tính mạng và tài sản của khoảng 5.000 người dân địa phương.

Theo bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam, với 4.260ha rừng ngập mặn được phục hồi từ dự án, đây chính là các thành lũy chống lại những cơn bão và lũ lụt sắp tới, là trung tâm đa dạng sinh học quan trọng, tạo ra hệ sinh thái phong phú, từ đó hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng địa phương. Việc tận dụng các hệ sinh thái mà rừng ngập mặn tạo ra mang lại nhiều lợi ích kinh tế lâu dài cho các cộng đồng sống dựa vào nó như phát triển du lịch sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và cơ hội thu nhập từ giao dịch tín chỉ carbon. Theo ước tính của UNDP, khoảng 1,2 triệu tấn carbon đã được lưu trữ nhờ dự án, góp phần đáng kể vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và tiến tới phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam. “Trong tương lai, chúng ta có thể hướng tới việc định lượng, xác minh và định giá lượng carbon đã lưu trữ. Điều này sẽ giúp Việt Nam có thể giao dịch tín chỉ carbon trên các thị trường quốc tế, tạo ra nguồn tài chính có thể được tái đầu tư vào việc phục hồi môi trường, hỗ trợ các mục tiêu bền vững”, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho biết: Hiện nay, tổng diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam khoảng 200.000ha. Với diện tích này, Việt Nam đứng tốp đầu trong các quốc gia có diện tích rừng ngập mặn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam đang có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng do thu hẹp về diện tích vì tình trạng khai thác, chặt phá rừng. Ngoài ra, những cơn gió, bão, sóng biển cũng là nguyên nhân làm thu hẹp diện tích rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng ngập mặn. Do đó, Việt Nam cần tăng cường các chính sách quản lý rừng, nâng cao hiệu quả và giá trị kinh tế của rừng ngập mặn ven biển ở Việt Nam. Các tỉnh ven biển cần tăng cường triển khai các giải pháp bảo vệ và trồng rừng ngập mặn, huy động sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.

Bài và ảnh: LA DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/hoi-sinh-rung-ngap-man-800285
Zalo