Người bệnh có bảo hiểm y tế cũng khổ

Thông tư 22/2024/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 18-10 (viết tắt Thông tư 22) tưởng như sẽ tháo gỡ được bức xúc của người bệnh có bảo hiểm y tế (BHYT) phải bỏ tiền túi mua thuốc bên ngoài, thế nhưng khúc mắc vẫn còn đó.

Người dân chờ làm thủ tục khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT tại bệnh viện

Người dân chờ làm thủ tục khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT tại bệnh viện

Thông tư này quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh, với hàng loạt điều kiện và thủ tục nhiêu khê. Đặc biệt, thuốc thuộc phạm vi thanh toán của Thông tư 22 phải thuộc danh mục thuốc hiếm của Bộ Y tế(!). Danh mục thuốc hiếm hiện có 214 loại thuốc để chẩn đoán, điều trị bệnh hiếm gặp và 229 loại thuốc không sẵn có. Nhưng thực tế mà ai cũng biết, là đa số người bệnh có BHYT thời gian qua phải ra ngoài mua thuốc để điều trị những bệnh... không hiếm, thậm chí rất phổ biến, như tiểu đường, tim mạch... Điều này có nghĩa, khi Thông tư 22 có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, số người bệnh được BHYT trả lại tiền mua thuốc chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với thực tế.

Để người bệnh được thanh toán lại tiền, các bệnh viện phải xác nhận hàng loạt điều kiện tại thời điểm kê đơn thuốc và chỉ định thiết bị y tế, như: không có thuốc, thiết bị y tế do đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo kế hoạch đã duyệt; không có thuốc chứa hoạt chất mà người bệnh được kê đơn hoặc không có thiết bị thay thế; không thể điều chuyển thuốc hoặc thiết bị y tế giữa các cơ sở… Việc xác nhận này không dễ, bởi chẳng bệnh viện nào muốn “vạch áo cho người xem lưng”.

Để “vượt ải” thành công, người bệnh có BHYT cần phải cung cấp đầy đủ hóa đơn chứng từ khi mua thuốc bên ngoài, giấy ra viện, sổ khám bệnh, rồi nộp hồ sơ đề nghị thanh toán trực tiếp đến cơ quan bảo hiểm xã hội. Nếu suôn sẻ, người bệnh được hoàn tiền trong vòng 40 ngày. Rõ ràng, Thông tư 22 chưa giải quyết được nỗi bức xúc về quyền lợi của đa số người bệnh có BHYT. Cái khó, cái nhiêu khê tiếp tục bị đẩy về phía người bệnh.

Thiếu thuốc, thiếu vật tư trang thiết bị y tế khiến người bệnh đóng tiền tham gia BHYT nhưng không được hưởng đầy đủ quyền lợi như cam kết ban đầu. Càng bất hợp lý hơn khi họ phải bỏ tiền túi mua thuốc bên ngoài, mua luôn cả sự thấp thỏm vì nguy cơ thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Trách nhiệm thuộc về các cơ sở khám chữa bệnh và ngành y tế. Vì vậy, không nên và không thể để người bệnh chịu thêm bất kỳ sự phiền toái vô lý nào nữa.

GIAO LINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguoi-benh-co-bao-hiem-y-te-cung-kho-post765362.html
Zalo