Hủy hoại nhan sắc vì 'thẩm mỹ viện' dỏm (*): Mạo danh bệnh viện, mập mờ chuyên môn

Chính sự nhập nhèm tên gọi của dịch vụ thẩm mỹ hiện nay như 'thẩm mỹ viện', 'viện thẩm mỹ', 'trung tâm thẩm mỹ'... khiến người dân không thể phân biệt được 'chánh - tà'

Liên tiếp các ca tai biến, tử vong thương tâm do thẩm mỹ "chui" được cảnh báo liên tục nhưng nhiều người vẫn bất chấp sức khỏe, đánh cược cả tính mạng để làm đẹp tại các cơ sở chưa được cấp phép.

Mạo danh lừa dối khách hàng

Tại Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) thường tiếp nhận cấp cứu không ít trường hợp bị biến chứng do làm đẹp ở những cơ sở "chui". Bệnh nhân mới nhất là một phụ nữ bị áp-xe má sau khi tiêm filler (chất làm đầy) để trẻ hóa khuôn mặt. Người bệnh được chẩn đoán biến chứng nhiễm trùng sau tiêm filler do kỹ thuật không bảo đảm vô trùng và sử dụng các sản phẩm filler không an toàn của những người không có chuyên môn. Một trường hợp khác, nữ sinh viên 20 tuổi sau khi tiêm filler rãnh môi đã bị tím toàn bộ mũi, sưng nề, nhiều mụn nước. Bệnh nhân được chẩn đoán bị tắc mạch biến chứng do tiêm filler.

Thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại một bệnh viện đủ chuyên môn, tay nghề bài bản

Thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại một bệnh viện đủ chuyên môn, tay nghề bài bản

Theo PGS-TS Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tại đây thường tiếp nhận tư vấn, thăm khám và giải quyết các ca bệnh là hậu quả của hoạt động làm đẹp sai phép, không phép, không đúng chuyên môn kỹ thuật từ các cơ sở y tế có tên gọi spa hoặc thẩm mỹ viện. Phần lớn các ca tai biến để lại hậu quả nặng nề như viêm nhiễm, hoại tử do tiêm chất làm đẹp da, phẫu thuật nâng mũi, tiêm filler nâng mũi, nâng ngực hoặc tăng kích cỡ "vòng ba". Cách đây không lâu, một nữ bệnh nhân được người thân đưa đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám vì mi mắt sưng tấy, thị lực giảm. Người tiêm làm đẹp cho bệnh nhân là một cô gái trẻ. Khi hình ảnh ống thuốc đã tiêm cho nạn nhân được đưa ra, các bác sĩ mới choáng váng, bật ngửa vì đó là ống gel ôxy già dùng để tẩy trắng men răng trong nha khoa. Theo PGS Vũ Ngọc Lâm, loại gel ôxy già mà "chuyên gia" này dùng cho bệnh nhân có nồng độ 35%, khi tiêm trực tiếp vào mô dưới da sẽ sinh nhiệt và tạo ra những phản ứng sinh hóa, gây đông vón protein, tắc mạch. Hậu quả sau khi tiêm nhầm chất làm đẹp là bệnh nhân bị viêm tấy tổ chức, toàn bộ phần da mi dưới sưng nề cứng, đỏ, đau, thị lực giảm sút, tâm thần suy sụp.

Ống gel ôxy già tẩy trắng răng song được dùng tiêm vào mắt khách hàng

Ống gel ôxy già tẩy trắng răng song được dùng tiêm vào mắt khách hàng

Hiện trên thị trường tồn tại rất nhiều cơ sở "chui", thậm chí nhân viên cắt tóc - gội đầu cũng có thể tiêm filler nâng mũi làm đẹp cho khách. Các nạn nhân hầu hết do tâm lý ham giá rẻ, tin vào những hình ảnh hào nhoáng, lời dẫn dắt, mời chào trên mạng xã hội nên mới sập bẫy. PGS Vũ Ngọc Lâm cho hay không ít cơ sở làm đẹp đã mạo danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với nhiều tên gọi mập mờ như "Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội", "Viện 108"… và có không ít người là nạn nhân của các cơ sở mạo danh này.

Chẳng hạn, Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình tiếp nhận một nữ bệnh nhân (60 tuổi, ở Hải Dương) bị tai biến nặng tại cơ sở mạo danh. Theo nữ bệnh nhân, bà đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để thẩm mỹ nhưng vừa tới cổng đã bị đội "cò mồi" dẫn dắt đưa đến cơ sở khác và được giới thiệu là đơn vị "con" của bệnh viện với tên "Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội". Tại đây, bệnh nhân thực hiện nhiều dịch vụ làm đẹp, trong đó có phẫu thuật nâng mũi, nâng cung mày, tiêm nọng, tiêm cằm… với chi phí 106 triệu đồng. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, hậu quả là mắt, mũi đều viêm nhiễm nặng, khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng stress nặng nề. Các bác sĩ đã phải tháo vật liệu làm mũi trước đó ra, nâng lại mũi cho bệnh nhân bằng cách chồng thêm vật liệu mới.

Lãnh đạo Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình cho biết chính sự nhập nhèm trong tên gọi của dịch vụ thẩm mỹ hiện nay như "thẩm mỹ viện", "viện thẩm mỹ", "trung tâm thẩm mỹ"… khiến người dân không thể phân biệt được đâu là cơ sở được cấp phép can thiệp xâm lấn, đâu là cơ sở trái phép. Trong khi công tác kiểm tra, kiểm soát còn chưa hiệu quả thì nên chăng cần bổ sung thêm quy định về định danh rõ ràng gắn với ngành nghề đăng ký kinh doanh… nhằm giúp người dân không bị nhầm lẫn.

Chưa được cấp phép, bất chấp làm liều

Bệnh viện Da liễu Trung ương ngày nào cũng tiếp nhận 1 - 3 ca đến khám vì biến chứng liên quan làm đẹp. Có những trường hợp mặt nổi nhiều nốt sần, viêm da trầm trọng vì thoa các sản phẩm không rõ nguồn gốc để detox da, làm trắng da. Nhiều trường hợp bị phù nề, hoại tử da do tiêm chất làm đầy filler, biến chứng gặp phải do tiêm xóa nếp nhăn nhưng lại tiêm nhầm vị trí...

Bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng Khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc - Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết làm đẹp da, xăm mày, xăm môi hay giảm mỡ là những dịch vụ chiếm tỉ lệ cao nhất. Tuy nhiên, từ thực tế điều trị các trường hợp bị biến chứng do làm đẹp, bác sĩ cảnh báo bất cứ can thiệp thủ thuật, phẫu thuật nào cũng có nguy cơ biến chứng. Đáng nói là nhiều người chấp nhận sử dụng những can thiệp mà cơ quan chức năng chưa từng cấp phép, ví dụ như phương pháp tiêm tế bào gốc tự thân để trẻ hóa da. Cách đây không lâu, một nữ bệnh nhân đã phải nhập viện cấp cứu sau khi tiêm tế bào gốc tự thân tại một spa ở TP Hà Nội. Người này cho biết chị được spa thông báo đã lấy máu của chị sau đó tách ra lấy huyết tương và tế bào gốc rồi tiêm vào vùng mặt và cổ cho chị. Nghỉ ngơi tại spa được gần 1 giờ, người này một mình đi xe máy về nhà nhưng đang đi đường thì bị ngất, được người dân đưa vào Bệnh viện Da liễu Trung ương cấp cứu. Bác sĩ Hà cho biết nhờ được cấp cứu kịp thời nên bệnh nhân đã hồi phục tốt sau biến chứng tiêm tế bào gốc không bảo đảm an toàn.

Theo bác sĩ Vũ Thái Hà, hiện nay, các quảng cáo về việc làm đẹp bằng tế bào gốc tự thân thực chất chỉ là huyết tương giàu tiểu cầu chứ không phải là tế bào gốc. Thậm chí, nhiều cơ sở tiêm chất lạ, không rõ nguồn gốc vào da mặt gây biến chứng. Việc sử dụng tế bào gốc trong thẩm mỹ hiện chưa được cho phép tại Việt Nam. Đến nay, các công trình nghiên cứu chưa chứng minh có kiểm soát được tế bào gốc đi tới cơ quan đích hay không, từ đó có nguy cơ sinh khối u.

Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế, cho rằng trị liệu bằng tế bào là phương pháp mới, kỹ thuật mới. Trước khi triển khai nghiên cứu cần được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia thẩm định, đánh giá, chấp thuận. Quá trình nghiên cứu phải có đánh giá về an toàn, hiệu quả. Hiện tiêm tế bào gốc tự thân là phương pháp mới được ứng dụng trong điều trị một số bệnh ung thư, bại não, liệt tủy, xương - khớp... nhưng chưa được cấp phép trong làm đẹp. "Theo quy định, các phòng khám tư nhân, cơ sở thẩm mỹ cũng không được nhập, kinh doanh sản phẩm có chứa tế bào gốc có nguồn gốc từ người. Những cơ sở quảng cáo sử dụng công nghệ tế bào gốc trong làm đẹp hiện nay đều thực hiện trái phép" - ông Quang khẳng định.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-6

"Các chủ cơ sở "chui" đem những tấm ảnh có mặt mình hiện diện chụp tại bệnh viện để "nổ" tạo sự uy tín nhằm lừa dối khách hàng.

Mỗi năm, 30.000 ca biến chứng thẩm mỹ

Theo Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, mỗi năm nước ta có khoảng 250.000 người phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó khoảng 30.000 ca biến chứng, chiếm tỉ lệ hơn 10%. Tại Hà Nội có khoảng 90 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được Sở Y tế thành phố cấp phép, trong đó một số bệnh viện ngoài công lập được Bộ Y tế cấp phép có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều cơ sở thẩm mỹ không đủ điều kiện vẫn đang hoạt động "chui".

Hành nghề bác sĩ khi mới học hết THPT

Bác sĩ Hoàng Hồng, phụ trách Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết tại đây liên tục tiếp nhận các trường hợp biến chứng do thực hiện tiểu phẫu, phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở spa. Có những ngày bệnh viện tiếp nhận tới vài ca cắt mí hỏng hoặc các ca tai biến sau tiêm filler, hoại tử da sau khi hút mỡ bụng... Điểm chung của các trường hợp này là đều thực hiện tại các spa, người thực hiện không phải bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, thậm chí không học ngành y mà mới chỉ học hết THPT.

Biến chứng môi nặng sau khi tiêm chất làm đầy tại cơ sở “chui”

Điển hình là trường hợp nữ bệnh nhân 24 tuổi tới trong tình trạng toàn bộ môi và vùng mặt dưới sưng nề. Vùng môi biến dạng, mất cân đối, chảy nhiều mủ trắng bẩn, viêm nhiễm rất nặng. Bệnh nhân kể cô biết đến dịch vụ cắt môi trái tim tại spa này thông qua một quảng cáo trên Facebook. Thấy hình ảnh quảng cáo rất đẹp, người chủ spa còn đăng những tấm ảnh mình có mặt tại một bệnh viện để chứng minh sự uy tín, cô gái trẻ đã tin tưởng và liên hệ với spa. Phí dịch vụ cắt môi trái tim là 14 triệu đồng nhưng spa cho biết ưu đãi cho khách hàng 50%, chỉ còn 7 triệu đồng.

"Khi đã đặt tiền và đến spa làm phẫu thuật, tôi rất ngạc nhiên khi biết spa được đặt tại một căn hộ chung cư. Mọi dịch vụ đều thực hiện tại đây nhưng vì lỡ trả tiền rồi nên đành làm. Phẫu thuật xong, thấy vùng môi bắt đầu sưng nề, viêm nhiễm đau đớn, qua tìm hiểu lại, tôi mới "tá hỏa" khi biết chủ spa mới chỉ học xong THPT, không có chuyên môn phẫu thuật thẩm mỹ" - cô gái đau xót kể.

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/huy-hoai-nhan-sac-vi-tham-my-vien-dom-mao-danh-benh-vien-map-mo-chuyen-mon-1962406271958368.htm
Zalo