Ngăn ngừa biến chứng thận do mắc đái tháo đường

Biến chứng thận là một trong những hậu quả xấu của bệnh đái tháo đường. Việc điều trị biến chứng thận rất phức tạp, do đó người bệnh đái tháo đường cần điều trị để ngăn ngừa biến chứng này...

Tại sao bệnh đái tháo đường gây biến chứng thận?

Có khoảng từ 20-40% bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng thận. Tỉ lệ và mức độ nặng của biến chứng thận liên quan tới thời gian bị bệnh và mức độ kiểm soát đường huyết. Điều nguy hiểm là có tới 40% số bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo là do biến chứng thận của đái tháo đường.

Biến chứng thận do đái tháo đường dẫn đến nguy cơ chạy thận nhân tạo.

Biến chứng thận do đái tháo đường dẫn đến nguy cơ chạy thận nhân tạo.

Nguy cơ biến chứng thận thường gặp ở người kiểm soát đường huyết không tốt. Các bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, sỏi thận, nhiễm khuẩn tiết niệu, mắc đái tháo đường lâu năm, hút thuốc lá, đái tháo đường type 1, có bệnh thận khác đi kèm như sỏi thận, nhiễm khuẩn tiết niệu... là những yếu tố nguy cơ làm tăng bị biến chứng thận ở bệnh nhân đái tháo đường.

Biện pháp ngăn ngừa biến chứng thận

Biến chứng thận có thể phòng ngừa được bằng cách kiểm soát tốt đường huyết và các yếu tố nguy cơ.

Kiểm soát tốt đường huyết: Kiểm soát đường huyết ở vùng an toàn là yếu tố hàng đầu trong dự phòng các biến chứng của bệnh đái tháo đường. Kiểm soát đường huyết cần kết hợp các biện pháp: Chế độ ăn, tập luyện và dùng thuốc. Trong các nghiên cứu theo dõi lâu dài cho thấy hiệu quả của điều trị kiểm soát tốt đường huyết hạn chế biến chứng thận có thể kéo dài nhiều năm sau khi mắc đái tháo đường.

Mục tiêu HbA1c dưới 7%.

Kiểm soát huyết áp: Kiểm soát tốt huyết áp cũng có giá trị rất lớn vì tăng huyết áp ảnh hưởng xấu đến chức năng thận. Mục tiêu huyết áp ở người bệnh đái tháo đường dưới 140/90 mmHg.

Để điều trị tốt huyết áp, trước tiên cần thực hiện đồng thời giảm cân (nếu thừa cân), ăn nhạt, không uống rượu và hút thuốc lá, tập thể dục thường xuyên phù hợp với tình trạng sức khỏe. Nếu các biện pháp này không có hiệu quả thì cần dùng các thuốc hạ huyết áp sớm.

Có nhiều thuốc hạ huyết áp nhưng không phải loại nào bệnh nhân đái tháo đường cũng có thể dùng được. Một số nhóm thuốc ngoài khả năng làm hạ huyết áp còn có tác dụng lên hệ thống mạch thận, có tác dụng bảo vệ thận và làm chậm tiến triển biến chứng thận do đái tháo đường như nhóm ức chế men chuyển hoặc nhóm đối kháng thụ thể angiotensin II. Các thuốc này được khuyến cáo là thuốc điều trị đầu tay cho các bệnh nhân đái tháo đường có tăng huyết áp hoặc có biến chứng thận. Thông thường bệnh nhân phải cần từ 2 đến 4 loại thuốc mới có thể kiểm soát được huyết áp đạt mục tiêu.

Các phương pháp điều trị can thiệp nhằm kiểm soát tốt đường huyết và huyết áp thực hiện càng sớm thì hiệu quả dự phòng biến chứng càng cao. Tốt nhất là các biện pháp này nên được lưu ý áp dụng ngay khi bệnh nhân được phát hiện mắc đái tháo đường.

Ngoài ra, còn cần điều chỉnh rối loạn mỡ máu (cholesterol và triglyceride) và kiểm soát cân nặng, nồng độ canxi cùng phospho trong máu để đảm bảo sức khỏe xương.

Điều trị biến chứng thận do đái tháo đường

Các bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng suy thận hoặc hội chứng thận hư cần được nhập viện để đánh giá và có kế hoạch điều trị. Điều trị giai đoạn này bao gồm điều trị tích cực, chế độ ăn, chế độ sinh hoạt. Trường hợp giai đoạn cuối, bệnh nhân có thể cần chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.

Chế độ ăn: Với bệnh nhân đã có protein niệu đại thể nên thực hiện chế độ ăn giảm chất đạm vừa phải (0,6 - 0,8g protein/kg thể trọng/ngày) để thận ít phải làm việc hơn và ít mất protein qua thận hơn. Tùy tình trạng của mỗi bệnh nhân, cần thực hiện chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sĩ dinh dưỡng đái tháo đường.

Kiểm soát tốt đường huyết để ngăn ngừa các biến chứng do đái tháo đường.

Kiểm soát tốt đường huyết để ngăn ngừa các biến chứng do đái tháo đường.

Điều trị bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối:

Lọc thận: Khi suy thận giai đoạn cuối, thận mất gần như hoàn toàn chức năng cần điều trị thay thế thận suy bằng phương pháp lọc máu chu kỳ. Đây là cách để loại bỏ chất thải và dịch thừa ra khỏi cơ thể thay cho thận. Có hai hình thức:

+ Lọc máu chu kỳ: Thường thực hiện 3 lần/tuần, cần có hỗ trợ của máy móc và phải thực hiện tại các cơ sở y tế.

+ Lọc màng bụng: Hay còn gọi là thẩm phân phúc mạc. Đây là phương pháp sử dụng chính màng bụng của người bệnh làm màng lọc thay thế cho thận đã suy yếu. Lọc màng bụng giúp lọc các chất chuyển hóa, nước điện giải ra khỏi cơ thể người bệnh, giúp cân bằng nội môi.

Lọc màng bụng có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, có thể áp dụng tại nhà, không cần có máy chạy thận nhân tạo và bệnh nhân không bị lệ thuộc vào máy móc. Phương pháp này cũng hợp với nhiều bệnh nhân, hiệu quả lọc máu tốt, giúp bảo tồn tốt thận và ít bị mất máu và thiếu sắt.

Chế độ dinh dưỡng của phương pháp này cũng ít bị hạn chế hơn khi sử dụng phương pháp chạy thận nhân tạo. Phương pháp này cũng không không phải sử dụng thường xuyên các thuốc chống đông, do đó hạn chế nguy cơ đột quỵ, xuất huyết tiêu hóa cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp lọc màng bụng có thể gây ra các biến chứng:

Tăng đường huyết do dịch lọc màng bụng có nồng độ glucose 1,5g%, 2g% hoặc 2,5g%.
Nếu bệnh nhân không tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn lọc màng bụng tại nhà, có thể bị viêm phúc mạc, nhiễm trùng chỗ ra của ống thông.
Có thể bị hạ huyết áp do siêu lọc rút ra nhiều dịch.
Mất nhiều protein qua lọc.
Rối loạn nhịp tim, hạ thân nhiệt...

Ghép thận: Ghép thận là một phương pháp điều trị thay thế khác rất hiệu quả. Hiện nay kỹ thuật ghép thận đã rất tốt, tỉ lệ thành công cao. Tuy nhiên phương pháp này cũng chưa phổ biến do nguồn hiến tạng hiếm, chi phí quá cao, kỹ thuật ghép phức tạp không phải bệnh viện nào cũng có thể thực hiện được.

Chuyên gia cảnh báo về nguy cơ biến chứng đái tháo đường.

PGS.TS.Đỗ Trung Quân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ngan-ngua-bien-chung-than-do-mac-dai-thao-duong-169240629095803919.htm
Zalo