Huy động trái phiếu Chính phủ không đạt kế hoạch
Số lượng huy động trái phiếu Chính phủ (TPCP) năm 2024 chỉ đạt 82,6% kế hoạch. Dự báo lợi suất phát hành TPCP sẽ tăng trong năm 2025.
Trong quý 4/2024, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã thực hiện 56 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ (TPCP) với tổng giá trị gọi thầu là 133.500 tỷ đồng, chỉ đạt 45,86% kế hoạch huy động. Tổng giá trị trúng thầu đạt 58.704,5 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu đạt 44%. Cụ thể, KBNN đã huy động 10.120 tỷ đồng, 42.559 tỷ đồng, 750 tỷ đồng và 5.275,5 tỷ đồng trái phiếu tại các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm và 30 năm. Lũy kế cả năm 2024, KBNN đã huy động được 330.375,5 tỷ đồng, hoàn thành 82,6% kế hoạch huy động trong năm 2024.
Theo thống kê của Khối Phân tích - Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, lợi suất trúng thầu duy trì đà giảm trong nửa đầu quý 4 năm 2024 tuy nhiên đã có sự quay đầu tăng trở lại trong nửa cuối quý 4/2024. Hiện lợi suất trái phiếu trúng thầu kỳ hạn 5 năm ở mức 2,06%; tăng 11 điểm cơ bản so với cuối quý 3/2024 và tăng 48 điểm cơ bản so với cuối năm 2023. Lợi suất trái phiếu trúng thầu kỳ hạn 10 năm ở mức 2,77%; tăng 9 điểm cơ bản so với cuối quý 3/2024 và tăng 57 điểm cơ bản so với cuối năm 2023.
![Quý 4/2024, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã thực hiện 56 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ với tổng giá trị gọi thầu là 133.500 tỷ đồng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_35_51476254/dd2f438f71c1989fc1d0.jpg)
Quý 4/2024, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã thực hiện 56 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ với tổng giá trị gọi thầu là 133.500 tỷ đồng
Lợi suất TPCP Việt Nam có xu hướng đảo chiều và tăng trở lại trong nửa cuối quý 4/2024 trong bối cảnh chỉ số đồng Dollar Mỹ (DXY) và lợi suất TPCP Mỹ cùng bật tăng sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Do thị trường lo ngại kế hoạch tăng thuế hàng hóa nhập khẩu của tân Tổng thống Donald Trump có thể khiến lạm phát của Mỹ tăng trở lại trong năm 2025, làm thu hẹp dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ và khiến lộ trình hạ lãi suất của Fed chậm lại.
Chuyên gia phân tích VNDIRECT cho rằng, lợi suất phát hành TPCP của Việt Nam trong năm 2025 sẽ chịu nhiều áp lực tăng. Đầu tiên là áp lực tăng do ảnh hưởng của việc lợi suất TPCP Mỹ tăng và vẫn leo ở mức cao vẫn đang hiện hữu. Áp lực thứ 2 là việc lạm phát năm 2025 có thể gia tăng khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 cao kéo theo việc tăng cường đầu tư công và mở rộng tín dụng. Và áp lực thứ ba đó là nhu cầu huy động vốn cao hơn của KBNN trong năm 2025, khi KBNN đã lên kế hoạch phát hành 500.000 tỷ đồng, cao hơn 25% so với kế hoạch phát hành năm 2024 và cao hơn 51,3% so với tổng giá trị phát hành thực tế năm 2024. “Theo đó, chúng tôi dự báo lợi suất phát hành TPCP Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong năm 2025, tuy nhiên mức tăng có thể chỉ là nhẹ do Việt Nam vẫn còn dư địa để duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ”, ông Nguyễn Bá Khương, Khối Phân tích - Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT nhận định.
Từ diễn biến của thị trường TPCP năm 2024, các chuyên gia kinh tế nhận định, đối với thị trường thứ cấp đã cho thấy thanh khoản gia tăng và lợi suất cũng tăng trở lại. Cụ thể, tổng giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp trong quý 4/2024 đạt hơn 896.913 tỷ đồng, tương ứng giá trị giao dịch trung bình/phiên đạt hơn 13.589 tỷ đồng, tăng 13,8% so với giá trị giao dịch trung bình của quý liền trước và tăng 67,6% so với giá trị trung bình/phiên của cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài duy trì mua ròng trong quý 4/2024 với giá trị mua ròng là hơn 40 tỷ đồng, lũy kế cả năm 2024 là hơn 1.139 tỷ đồng.