Huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông thành phố

Đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, để xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại, có tầm vóc quốc tế, trước hết, TP phải xây dựng một hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại và thông minh, kết nối thuận lợi, hiệu quả và an toàn, đồng thời phát triển hợp lý những phương thức vận tải hiện đại.

Luật Thủ đô 2024

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô giúp tái cấu trúc đô thị của các địa phương trong vùng, khai thác hiệu quả các đô thị vệ tinh góp phần giãn mật độ dân cư khu vực nội đô. Ảnh quy hoạch vành đai 4

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô giúp tái cấu trúc đô thị của các địa phương trong vùng, khai thác hiệu quả các đô thị vệ tinh góp phần giãn mật độ dân cư khu vực nội đô. Ảnh quy hoạch vành đai 4

Phát triển kết cấu hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại

Chia sẻ về huy động nguồn lực, đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại trên địa bàn Thủ đô, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, đồng thời là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ. Do vậy, việc hoạch định, xây dựng chính sách đầu tư, huy động nguồn lực, đầu tư xây dựng, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông là cần thiết và hết sức quan trọng. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thủ đô 2024, với vai trò là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý về lĩnh vực GTVT, Sở GTVT Hà Nội đề xuất một số giải pháp nhằm huy động nguồn lực, đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tiên tiến, hiện đại trên địa bàn Thủ đô.

Theo đó, phát triển kết cấu hệ thống giao thông (HTGT) đồng bộ, hiện đại là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng được xác định trong Nghị quyết đại hội XIII của Đảng, cũng như Nghị quyết Đảng bộ TP Hà Nội. Trong thời gian qua, việc phân bổ nguồn lực, ngân sách TP luôn dành sự quan tâm, ưu tiên cho việc phát triển kết cấu HTGT.

TP đã hoàn thành, đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông quan trọng như: đoạn tuyến trên cao tuyến đường sắt đô thị số 3; đoạn vành đai 2 trên cao, dưới thấp Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; hầm chui Lê Văn Lương; đường đê An Dương - Âu Cơ - Nghi Tàm; nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường vành đai 3; cầu vượt chữ C Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Cũng trong giai đoạn này, TP đã khởi công nhiều công trình trọng điểm như: tuyến đường vành đai 4 Vùng Thủ đô; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai; nút giao khác mức đường vành đai 3,5 với đường Đại lộ Thăng Long; tuyến đường nối cao tốc Đại lộ Thăng Long đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình...

6 nhóm giải pháp chính

Để huy động nguồn lực đầu tư phát triển đồng hộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, cũng như góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô trong giai đoạn hiện nay và lâu dài, TP Hà Nội đã và đang tập trung triển khai nhiều nhóm giải pháp đồng bộ, trong đó đáng chú ý là 6 nhóm giải pháp chính, cơ bản đang được nỗ lực thực hiện.

Cụ thể, hoàn thiện hệ thống các quy hoạch, kịp thời tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc liên quan đến quy hoạch. Đây là công cụ, định hướng để quản lý ngành, đáp ứng nhu cầu trước mắt, lâu dài, đặc biệt là việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô và điều chỉnh quy hoạch GTVT Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg, ngày 31/3/2016, đồng thời là cơ sở định hướng phát triển kết cấu HTGT Thủ đô. Cùng với đó, cần huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển kết cấu HTGT theo quy hoạch, kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Hoàn thiện các quy định, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, loại bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp, đơn giản hóa thủ tục và quy trình giải quyết thủ tục hành chính nhằm bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Luật Thủ đô 2024, Luật Đất đai, Luật Đường sắt,... Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư các dự án, công trình HTGT khung. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư và xây dựng hạ tầng khu tái định cư. Thực hiện giám sát, đánh giá các dự án đầu tư.

Giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Đại diện Sở GTVT Hà Nội đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong việc triển khai, thức hiện những dự án phát triển kết cấu HTGT Thủ đô, từ đó nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Hà Nội.

Theo đó, cần sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, đồng thời phát triển hợp lý các phương thức vận tải, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của TP. Phân công trách nhiệm đầu tư và phối hợp đồng bộ tiến độ đầu tư phát triển kết cấu HTGT giữa TP Hà Nội với các cơ quan Trung ương, cũng như các tỉnh lân cận theo hướng: Bộ đầu tư và quản lý, đầu tư các tuyến đường có tính chất giao thông liên vùng như: vành đai 4, vành đai 5, các tuyến cao tốc, đường sắt quốc gia, đường sắt liên kết vùng...; Hà Nội và các tỉnh lân cận đầu tư các công trình thuộc địa bàn quản lý, trong đó TP Hà Nội cần ưu tiên đầu tư, phát triển các tuyến đường kết nối giao thông giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh lân cận.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định của UBND TP Hà Nội về phân công, phân cấp quản lý, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn, cũng như cơ chế, chính sách trong quản lý sử dụng nguồn vốn trong đầu tư kết cấu HTGT. Trong đó, tăng cường phân cấp cho các quận, huyện có nguồn thu lớn, có năng lực về tổ chức quản lý đầu tư tốt để chủ động đầu tư nhằm hỗ trợ giảm tải áp lực ngân sách TP, TP tập trung đầu tư các tuyến đường kết nối (liên huyện) và các tuyến đường sắt đô thị. Ưu tiên bố trí vốn ngân sách TP, tập trung đầu tư các tuyến đường hỗ trợ cho các địa phương còn khó khăn; bố trí đủ vốn cho các dự án quy hoạch làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư. Rà soát các quỹ nhà, đất sau khi sắp xếp lại trụ sở các cơ quan, đơn vị và các quỹ đất trước đây dự kiến bố trí làm đất đối ứng cho các dự án đầu tư theo hình thức BT để chủ động triển khai lập quy hoạch, tổ chức đấu giá, tạo nguồn thu cho TP theo đúng quy định; phát huy, tận dụng tối đa nội lực của các địa phương quận, huyện, thị xã thông qua việc giao cho các địa phương chủ động xây dựng phương án và tổ chức đấu giá đất hai bên các tuyến đường mới mở để tái đầu tư cho địa phương, xây dựng, ban hành cơ chế đầu tư và hình thức đầu tư TOD để khai thác quỹ đất tại các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị, tạo nguồn vốn đầu tư và quản lý khai thác, vận hành các tuyến đường sắt đô thị.

"Để xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại, có tầm vóc quốc tế, trước hết, TP phải xây dựng một hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại và thông minh, kết nối thuận lợi, hiệu quả và an toàn, đồng thời phải phát triển hợp lý những phương thức vận tải hiện đại. Việc hoạch định, xây dựng chính sách đầu tư và huy động nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu HTGT nhằm từng bước thực hiện có hiệu quả Luật Thủ đô 2024, phát huy những kết quả, thành tựu tốt đẹp đạt được, giá trị văn hóa, lịch sử vốn có của Thủ đô là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng cho những giai đoạn phát triển tiếp theo của Thủ đô Hà Nội"- đại diện Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/huy-dong-nguon-luc-de-phat-trien-ha-tang-giao-thong-thanh-pho-409975.html
Zalo