Hút vốn ngoại cho ngành bán dẫn
Thị trường bán dẫn thế giới đang bùng nổ bởi đây là huyết mạch của thời đại công nghệ số. Việt Nam với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù, có nhiều tiềm năng phát triển công nghệ bán dẫn, từ đó thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam chiếm 3,8% kim ngạch xuất khẩu thế giới
Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, công nghệ bán dẫn là nền tảng của nhiều giải pháp công nghệ hiện nay, nên trong những năm qua, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc. Nhận thấy lợi ích mà ngành công nghiệp này mang lại thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ nhiều tập đoàn lớn Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu... Chỉ tính riêng năm 2024, DN quốc tế đã đầu tư gần 20,2 tỷ USD vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong đó có bán dẫn, chiếm gần 64,4%.
Hiện đã có hơn 50 DN trong ngành công nghiệp bán dẫn đã hoạt động tại Việt Nam, cụ thể hiện nay, ngoài Tập đoàn Intel, còn có Samsung, Qualcomm, Texas Instruments, SK Hynix, Hayward Quartz Technology, Synopsys và NXP Semiconductors. Đáng chú ý, kế hoạch xây dựng nhà máy tại Việt Nam của Tập đoàn Nvidia (Mỹ) là minh chứng cho thấy, Việt Nam đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, Việt Nam đã hình thành hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn với sự tham gia của nhiều đối tác và DN công nghệ cao. Chính phủ Mỹ đã lựa chọn Việt Nam là một trong 6 quốc gia trên thế giới để tham gia Quỹ Đổi mới sáng tạo và an ninh công nghệ (ITSI). Việt Nam cũng đang là một “khách hàng, đối tác” lớn của các tập đoàn công nghệ trên thế giới, như Google, Meta, Amazone với thị phần không ngừng mở rộng.
Việc DN nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào ngành công nghiệp này đã kéo theo tốc độ tăng trưởng ngành bán dẫn Việt Nam đạt mốc 6,69%/năm. Riêng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu lượng thiết bị bán dẫn đạt 6,5 tỷ USD, chiếm 3,8% kim ngạch xuất khẩu thế giới. Đồng thời, đứng Top 3 châu Á về xuất khẩu chất bán dẫn sang Mỹ trở thành một trong nhiều quốc gia trụ cột của thế giới trong lĩnh vực này.
Chủ tịch Ban cố vấn Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) KC Ang nhận định, việc đứng Top 3 châu Á về xuất khẩu chất bán dẫn sang Mỹ cho thấy Việt Nam đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn và trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
“Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay Việt Nam đang khẳng định vị thế, tiềm năng đóng góp vào chuỗi cung ứng bán dẫn, trở thành trung tâm năng động cho đổi mới sáng tạo và giải quyết thách thức cho ngành bán dẫn toàn cầu” - ông KC Ang nói.
Việc Chính phủ đã thông qua Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 cho thấy việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn sẽ là chất “xúc tác” để Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đưa nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông
Đẩy mạnh thu hút đầu tư ngành bán dẫn
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu bùng nổ, nên có sự tham gia của nhiều DN trên toàn thế giới trong nhiều phân khúc. Để phát triển sản xuất thì yếu tố then chốt giúp các DN Việt Nam phát triển bền vững khi tham gia vào chuỗi cung ứng là thúc đẩy hợp tác giữa DN trong nước và nước ngoài.
Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Công nghệ thông tin (VINASA) Nguyễn Văn Khoa cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng một chiến lược dài hạn cho hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn và chip. Ngoài ra, nên ưu tiên dành nguồn lực, tài lực, tiềm lực để hỗ trợ DN công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng nên hệ sinh thái rộng lớn. “Việt Nam cần xây dựng danh mục dự án khuyến khích đầu tư vào công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Blockchain…” - ông Nguyễn Văn Khoa kiến nghị.
Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) Chử Đức Trình đề xuất, Việt Nam nên phát triển nguồn nhân lực trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, từ đó tạo được nguồn cung cấp nhân lực ổn định, lâu dài đáp ứng nhu cầu lao động của ngành bán dẫn nói chung, DN FDI nói riêng. Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam Hong Sun cũng đưa ra 3 khuyến nghị.
Về khung pháp lý, những quy định pháp luật phải tạo nền tảng, điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm “rót” vốn đầu tư và có những chế độ ưu đãi đặc biệt. Sản xuất chất bán dẫn yêu cầu về nguồn điện rất lớn, nên Việt Nam cần đặc biệt quan tâm tới nguồn cung cấp điện. Cuối cùng, Việt Nam phải đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thông tin về việc thu hút vốn đầu tư vào công nghiệp bán dẫn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, TP Hà Nội đang triển khai các ưu đãi đầu tư đối với các nhà đầu tư tham gia phát triển công nghiệp bán dẫn tại Thủ đô. Cụ thể, được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại. Được áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập DN, trong đó, được miễn thuế thu nhập DN trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Đối với các DN, được miễn thuế thu nhập DN, cá nhân trong thời hạn 5 năm…
“TP Hà Nội sẽ đồng hành cùng các đơn vị, DN, trên cơ sở những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đòi hỏi của thực tiễn. Theo đó, TP Hà Nội sẽ tạo điều kiện tối đa để ngành công nghiệp bán dẫn phát triển trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cam kết.
Thực tế cho thấy, với khát vọng trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, Việt Nam đang có những chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông thông tin, lĩnh vực sản xuất điện tử, chip bán dẫn là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư và đang được Chính phủ, các bộ, ngành rất quan tâm. Để “đón sóng” đầu tư vào lĩnh vực này, bên cạnh nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban chỉ đạo.
Với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành Trung tâm nhân lực bán dẫn toàn cầu vào năm 2030 và Trung tâm về công nghiệp bán dẫn và điện tử toàn cầu đến năm 2040, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 tại Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024; Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn với mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên, 1.300 giảng viên được đào tạo chuyên sâu về bán dẫn, xây dựng các phòng thí nghiệm cấp quốc gia và cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Tại địa phương, các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư cũng đã được bảo đảm sẵn sàng. Theo đó, các địa phương đã đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, hình thành các mặt bằng sạch để có thể cung cấp cho các DN điện tử, bán dẫn. Hạ tầng giao thông chiến lược kết nối trung tâm kinh tế, cảng biển, sân bay cũng đang được tăng cường. Các địa phương cũng chuẩn bị sẵn sàng các vấn đề về công nghệ thông tin, điện, nước, hạ tầng xã hội cho công nhân trong ngành bán dẫn…