Hướng tới nông thôn mới thông minh
Phát triển chính quyền số, các chủ thể kinh tế số và xã hội số ở nông thôn là 3 trụ cột của chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), từng bước hình thành NTM thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, đưa chương trình xây dựng NTM đi vào chiều sâu và bền vững.
Từ chính quyền số, kinh tế số
Cùng với Quảng Thọ (Quảng Điền), xã Vinh Hưng (Phú Lộc) được chọn xây dựng mô hình xã thông minh đạt hiệu quả.Để thực hiện chính quyền điện tử, UBND xã Vinh Hưng đã xây dựng phòng giám sát điều hành xã thông minh tích hợp dữ liệu của các hệ thống chính quyền điện tử; các hệ thống giám sát và chia sẻ dữ liệu quan trắc, giám sát của các đơn vị cấp tỉnh để phục vụ cho việc điều hành chính quyền cấp xã. Trong đó, bao gồm giám sát các dữ liệu phục vụ cho sản xuất tại địa phương, giám sát an ninh trật tự thông qua các mô hình camera an ninh của xã, các thôn tích hợp vào hệ thống 29 camera an ninh trên địa bàn.
Chủ tịch UBND xã Vinh Hưng, ông Nguyễn Quang Huy, cho biết: Ngoài việc nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền internet, hệ thống wifi đã phủ khắp cơ quan, các điểm công cộng, các thôn. Toàn xã hiện nay có 29 camera được kết nối vào hệ thống tại phòng điều hành phục vụ quan sát, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Huy, địa phương triển khai ứng dụng hiệu quả hệ thống quản lý văn bản và điều hành trong toàn thể cán bộ, công chức. Mọi hoạt động ban hành văn bản đi và xử lý văn bản đến đều được thực hiện trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành, 100% văn bản đi được ký số theo quy định. Hoạt động giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống dịch vụ công tập trung với phương châm “Thân thiện - đơn giản - đúng hẹn” được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
UBND xã Vinh Hưng đã sử dụng hệ thống hội nghị trực tuyến và báo cáo số từ xã đến huyện và tỉnh; kênh tương tác giữa chính quyền và người dân được thực hiện có hiệu quả qua các trang mạng xã hội. Anh Trần Sơn Phụng, ở thôn Phụng Chánh 1 cho rằng, việc phủ sóng wifi và hệ thống internet để tiếp nhận và xử lý công việc cho người dân trên hệ thống điện tử đã tạo thuận tiện cho người dân hơn trước rất nhiều. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ áp dụng các giải pháp mạng xã hội trong trao đổi, thông tin, hướng dẫn số hóa hồ sơ, giúp cho bà con dễ dàng, thuận lợi hơn khi thực hiện các thủ tục hành chính...
Cùng với chính quyền số, Vinh Hưng đã xây dựng thành công mô hình hợp tác xã (HTX) số, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ số và từng bước triển khai một số dịch vụ cho kinh tế số. Theo đó, địa phương đã xây dựng mô hình HTX số kết hợp đẩy mạnh giải pháp thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt đối với HTX tiêu thụ điện Vinh Hưng tại địa chỉ http://htxdienvinhhung.com.vn. Đối với hoạt động quảng bá du lịch của xã, địa phương tiến hành bằng công nghệ mô hình hóa 3D và AR (thực tại ảo tăng cường) gắn với quảng bá thương mại sản phẩm đặc hữu địa phương tại địa chỉ https://vinhhung.nns.vn.
Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Vinh Hưng, chia sẻ: Xã hỗ trợ cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao áp dụng, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, liên kết chuỗi giá trị với HTX, nông dân. Điển hình như mô hình dưa lưới Vinh Hưng do ông Hoàng Minh Sang làm chủ đầu tư đã áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; đồng thời, giới thiệu trưng bày các sản phẩm OCOP chủ lực của địa phương tại địa chỉ http://cms.nongnghiep.xathongminh.vn
Đến xã hội số
Để xây dựng trụ cột thứ 3 - xã hội số, xã Vinh Hưng phát huy hiệu quả Tổ công nghệ số cộng đồng như cài đặt Hue-S cho người dân, định hướng cho người dân tiếp cận công cụ chính thống, kỹ năng khai thác các chức năng và lan tỏa để bà con tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trên nền tảng Hue-S.
Ông Nguyễn Quang Huy cho biết thêm, tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng năm 2023 của xã đạt trên 63%. Số hộ kinh doanh trên địa bàn bao gồm hộ kinh doanh tại chợ; hộ sản xuất, kinh doanh có đăng ký kinh doanh; hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP... đều triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt từ 55% trở lên. 100% cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học cơ sở trên địa bàn chấp nhận thanh toán các khoản thu bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, công tác tư vấn sức khỏe từ xa và áp dụng các giải pháp mạng xã hội trong trao đổi, phổ biến các thông tin y tế đạt tỷ lệ trên 65%, trong đó các giải pháp áp dụng chủ yếu là bằng điện thoại và các nền tảng mạng xã hội zalo, facebook...
UBND xã Vinh Hưng cũng chủ động phối hợp với các tổ chức tài chính, các đơn vị thanh toán trung gian tổ chức nhiều đợt về địa bàn các thôn, nhà văn hóa xã để tạo tài khoản thanh toán trực tuyến, nhằm giúp khách hàng sử dụng các tiện ích thanh toán, chuyển tiền, đầu tư, mua bảo hiểm... Hiện, trên địa bàn xã đã có 1.632/2.115 hộ gia đình có tài khoản ngân hàng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt hóa đơn điện, nước, truyền hình, internet, học phí, dịch vụ công... Đồng thời, 100% cán bộ, công chức xã có tài khoản các ngân hàng và đã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Xã cũng đã thực hiện chi trả lương 100% qua thẻ ATM cho CB-CCVC và Viettel Pay cho các đối tượng trợ cấp xã hội.
Ông Nguyễn Khánh Phương, Trưởng thôn Lương Viên, xã Vinh Hưng cho rằng, với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, thông qua việc ứng dụng công nghệ số đã mang lại nhiều tiện ích trong phát triển kinh tế số và xã hội số, để người dân nông thôn đổi mới cách giao dịch, làm ăn, tiến đến giàu có hơn, hạnh phúc hơn...
Thống nhất, đồng bộ
Việc thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh được triển khai theo phương châm “hạ tầng dùng chung, cơ sở dữ liệu tập trung” và thống nhất, đồng bộ từ tỉnh/huyện/xã. Thông qua việc triển khai chương trình đã từng bước hình thành mô hình NTM thông minh, góp phần nâng cao vai trò, hoạt động của cộng đồng thông qua áp dụng chuyển đổi số, giúp chương trình xây dựng NTM đi vào chiều sâu và bền vững hơn.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM đã góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025.
Theo ông Lê Thành Nam, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM của tỉnh, mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025 toàn tỉnh phấn đấu có trên 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế - xã hội và đạt chuẩn chỉ tiêu số 15.2 có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên theo bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao. Đồng thời, có ít nhất 70% xã có các HTX thực hiện mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực; 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số; có ít nhất 40% đơn vị cấp xã, huyện cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu và mỗi quận, huyện, thị có ít nhất một mô hình thí điểm xã NTM thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất...