Hướng tới khát vọng hòa hợp và phát triển bền vững

Kiều bào ta sống ở nước ngoài là một phần máu thịt không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, người Việt xa xứ, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ luôn mang trong mình hồn cốt Việt, làm phong phú thêm diện mạo văn hóa dân tộc trong dòng chảy toàn cầu hóa.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

50 năm sau ngày đất nước thống nhất và đổi mới, văn học, nghệ thuật của người Việt ở nước ngoài đã và đang tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc lan tỏa hình ảnh một Việt Nam hòa bình, hội nhập và vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.

Khát vọng kết nối

Dòng chảy văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài đã truyền tải, thể hiện được nguồn cảm xúc tích cực, tinh thần chủ động tìm về cội nguồn; tiến tới những khát khao hòa nhập, kết nối và sáng tạo vì một hình ảnh Việt Nam hiện đại, giàu truyền thống và nhân văn. Dù sống xa quê hương, dù thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba hay xa hơn, phần lớn văn nghệ sĩ kiều bào vẫn giữ sợi dây tâm hồn gắn bó mật thiết với cội nguồn.

Văn chương, âm nhạc, hội họa… của người Việt Nam ở nước ngoài vừa là phương tiện giãi bày tâm tư, vừa bắc nhịp cầu nối liền quá khứ-hiện tại-tương lai giữa quê hương và cộng đồng quốc tế.

Tại hội thảo khoa học quốc tế “Văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới, phát triển (1975-2025)” vừa diễn ra tại Hà Nội, các nhà nghiên cứu đánh giá, chủ đề quê hương, thân phận con người Việt trong thời hiện đại, ký ức chiến tranh, hành trình hòa giải, khát vọng hội nhập… xuất hiện phong phú trong sáng tác của kiều bào ta. Tình yêu đất nước, con người, ngôn ngữ, văn hóa là chất liệu, tinh thần chủ đạo trong nhiều tác phẩm. Yếu tố ấy đã giúp các tác giả trở thành sứ giả văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh dân tộc mình đến bạn bè năm châu. Nhiều tên tuổi lớn sau thời gian dài sinh sống, sáng tạo ở nước ngoài đã trở về với quê hương, tiếp tục cống hiến và lan tỏa những giá trị văn hóa từ chính nơi mình sinh ra, như Giáo sư Trần Văn Khê, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị…

Văn chương, âm nhạc, hội họa… của người Việt Nam ở nước ngoài vừa là phương tiện giãi bày tâm tư, vừa bắc nhịp cầu nối liền quá khứ-hiện tại-tương lai giữa quê hương và cộng đồng quốc tế.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Cần khẳng định, các văn nghệ sĩ, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đã có những đóng góp không nhỏ cho nền văn nghệ nước nhà thống nhất trong đa dạng. Sáng tác văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng phát triển đa dạng. Nhiều thành tựu văn học, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh… thể hiện đậm nét bản sắc dân tộc Việt Nam đã được công nhận trên thế giới và ở các nước sở tại.

Bên cạnh đội ngũ sáng tác, đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật người Việt Nam ở nước ngoài cũng tăng dần, có điều kiện tiếp nhận các tri thức lý luận hiện đại, tạo được diễn đàn học thuật khá sôi nổi. Trên nền tảng số và nhờ được trang bị bằng hướng tiếp cận mới, phương pháp mới, phương tiện mới nên các công trình của họ có những phát hiện mới về văn nghệ Việt Nam, góp phần hiện đại hóa lý luận, phê bình văn nghệ trong nước.

Theo các nhà nghiên cứu văn học, đã có nhiều thay đổi tích cực trong tư tưởng, tình cảm của kiều bào thể hiện qua các sáng tác văn học, nghệ thuật. Nhiều tác phẩm đã trở thành “liều thuốc tinh thần” chữa lành vết thương lịch sử. Các tác phẩm đã tiến dần đến tiếng nói chung về khát vọng sống hòa bình, tử tế và hướng về tương lai. Đó là hành trình văn hóa từ “khép lại quá khứ” đến “mở ra tương lai”.

Đẩy mạnh khơi nguồn và lan tỏa

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ nhận định: Bên cạnh những nỗ lực và kết quả rất đáng ghi nhận, quá trình hướng về, quay về với đất nước, với cội nguồn; những nỗ lực để hòa giải, hòa hợp, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai trong một bộ phận văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài với trong nước vẫn gặp một số rào cản, trở ngại; có khoảng cách về tâm lý, do mặc cảm. Nguyên nhân là do những khác biệt về quan điểm đã có từ rất lâu hoặc chịu chi phối một số luận điệu tuyên truyền có tính lừa dối, kích động.

Các nhà nghiên cứu văn học, nghệ thuật nêu rõ: Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn trân trọng khẳng định và đánh giá cao vị trí, đóng góp to lớn của kiều bào ta đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó được thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách quan trọng trong tiến trình Đổi mới, tiêu biểu là Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW trong tình hình mới và trong các văn kiện Đại hội Đảng qua nhiều nhiệm kỳ.

Nhằm thúc đẩy sự phát triển hòa hợp, bền vững cho văn học, nghệ thuật của kiều bào, Đảng và Nhà nước tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, cởi mở để khuyến khích sáng tác nghệ thuật gắn bó với cội nguồn; tổ chức các trại sáng tác, cuộc thi, triển lãm dành riêng cho văn nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài; ghi nhận và tôn vinh xứng đáng những đóng góp của kiều bào trong lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật...

Thực tế cho thấy, việc khơi dậy, lan tỏa tinh thần sáng tạo trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang dần được thể chế hóa thành các giải pháp cụ thể, thiết thực. Nhiều kiều bào trở về nước ra mắt tác phẩm, và ở chiều ngược lại, nhiều tác giả trong nước đã có hoạt động tích cực trong việc lan tỏa văn hóa, tinh thần tới kiều bào và thế hệ trẻ. Có thể kể tới bộ sách “Chào Tiếng Việt” đoạt giải A giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 6 năm 2023 đã được lan tỏa tới nhiều quốc gia có người Việt Nam sinh sống trên thế giới; khích lệ các em thiếu nhi gốc Việt yêu tiếng mẹ đẻ, sáng tác văn học, tham gia các đợt trại hè do văn nghệ sĩ Việt Nam tổ chức.

Đề cập từ góc nhìn về các bộ phim nổi bật của đạo diễn gốc Việt Nam ở nước ngoài, như: Trần Anh Hùng, Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Hồ Quang Minh, Phạm Thiên Ân…, Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho rằng, những tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc là cây cầu hiệu quả nối Việt Nam với thế giới và đưa thế giới đến Việt Nam. Điều quan trọng là phải khơi gợi được “hồn dân tộc”, trách nhiệm đối với đất nước của những người con sống xa quê hương, để chung sức tạo một làn sóng văn hóa.

Văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài cần được nhìn nhận như một trong những lực lượng quan trọng trong việc kết nối giữa các thế hệ trong lòng cộng đồng người Việt Nam, giữa ký ức và tương lai, giữa những miền đất xa xôi nhưng cùng chung gốc rễ. Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước là dịp để đội ngũ sáng tạo văn học, nghệ thuật chiêm nghiệm lại một hành trình dân tộc đầy gian lao mà vinh quang, là cơ hội để khơi nguồn cho một dòng chảy sáng tạo mới trong sự hòa hợp, phát triển bền vững.

MAI LỮ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/huong-toi-khat-vong-hoa-hop-va-phat-trien-ben-vung-post876428.html
Zalo