Hướng tới giao lưu nhân văn Việt – Trung sôi động hơn
75 năm trước, vào ngày 18/1/1950, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Năm 2025 được xác định là Năm giao lưu nhân văn Việt Nam – Trung Quốc. Các nhân sĩ Trung Quốc và du học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh đều kỳ vọng trong năm nay và những năm tiếp theo giao lưu nhân dân và văn hóa giữa hai nước sẽ được tăng cường và ngày càng trở nên sôi động.
Năm 2024 được đánh giá là một năm giao lưu cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra với tần suất cao, không khí hữu nghị, hợp tác đã lan tỏa sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân hai bên. Trên cơ sở đó, Năm giao lưu nhân văn 2025 nhận được sự ủng hộ và đón nhận của các nhân sĩ và bạn trẻ hai nước.
Với hơn 18 năm học tập và làm việc tại Việt Nam, ông Lăng Đức Quyền, nhà báo lão thành của Tân Hoa xã, đánh giá quyết định chọn năm 2025 là Năm giao lưu nhân văn Việt Nam – Trung Quốc rất có ý nghĩa, bởi đây là nền tảng của quan hệ hai bên. “Việc dùng Năm giao lưu nhân văn Trung Quốc-Việt Nam để kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước có ý nghĩa lịch sử to lớn. Đặc biệt trong bối cảnh hai nước đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo và đều tiến hành cải cách mở cửa, giao lưu nhân văn càng trở nên có ý nghĩa. Việc làm này có thể thúc đẩy và phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng đất nước của mỗi nước và giúp chúng ta đạt được mục tiêu chung. Là một người làm báo lâu năm, tôi hy vọng truyền thông có thể đóng vai trò tốt hơn trong việc thúc đẩy giao lưu nhân văn giữa hai nước.” - ông Lăng Đức Quyền chia sẻ.
Cùng chung quan điểm, Giáo sư Thành Hán Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam của Đại học Công nghiệp Chiết Giang, cho rằng việc tổ chức Năm giao lưu nhân văn giúp hai bên có thể khai thác tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước. “Đối với Trung Quốc và Việt Nam, tôi cho rằng chúng ta có tiềm năng và không gian rất lớn trong giao lưu nhân dân. Chúng ta nên nhân cơ hội này thúc đẩy hợp tác trên mọi phương diện, cả du lịch, văn hóa, du học và đầu tư. Trung tâm chúng tôi mong muốn trở thành cầu nối mới trong hợp tác giữa hai bên.” - ông Thành Hán Bình khẳng định.
Việc lấy 2025 là Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc được lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước quyết định trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc hồi tháng 8/2024 của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Ngày 15/1 vừa qua, trong cuộc điện đàm song phương, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chính thức tuyên bố khởi động Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025.
Phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm giao lưu nhân văn; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước về quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp Việt – Trung, là nhất trí chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Nguyễn Huy Sơn, Ngô Thị Huyền Trang và Lê Trung Thành là những du học sinh Việt Nam đang theo học Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Bắc Kinh. Các bạn vô cùng hào hứng đón nhận Năm giao lưu nhân văn giữa hai nước và mong muốn có thể góp sức mình vào thành công của các hoạt động này.
Huy Sơn cho biết: “Em mong muốn có các hoạt động giao lưu, trao đổi học thuật giữa lưu học sinh Việt Nam và sinh viên Trung Quốc, để tăng cường sự hiểu biết và lòng tin trong những người trẻ, từ đó thu hẹp khác biệt, tìm những điểm tương đồng, để thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao mới đúng như nhận thức chung của lãnh đạo hai bên.”
“Em hy vọng hai nước sẽ tổ chức các buổi hội thảo hoặc tập huấn, giúp nâng cao năng lực số của giáo viên Việt Nam, cũng như chia sẻ cách ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy để nâng cao hiệu quả và hiệu suất giảng dạy của Việt Nam.” - Huyền Trang chia sẻ với tư cách là một cô giáo rất quan tâm tới giáo dục nước nhà.
Lê Trung Thành bày tỏ mong muốn: “Dưới góc độ của một lưu học sinh, tôi rất mong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc ngày càng bền chặt. Lãnh đạo hai nước tạo thêm nhiều cơ hội học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho thanh niên hai nước. Nếu được tham gia, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình để góp một phần nhỏ vào sự thành công của các hoạt động này.”
Là những đại diện được vinh dự tham gia hoạt động gặp mặt cựu chiến binh, chuyên gia Trung Quốc giúp cách mạng Việt Nam của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng Việt Nam, ông Hoành Bách Thu – cựu chiến binh Trung Quốc thông thạo tiếng Việt, hiện vẫn đang tham gia vào nhiều dự án hợp tác giữa hai nước – tin tưởng: “Chúng tôi tin rằng, quan hệ Trung - Việt sẽ ngày càng tốt đẹp và bền chặt hơn. Việt Nam phát triển kinh tế và đất nước giàu mạnh là sự hỗ trợ mạnh mẽ cho Trung Quốc.”
Trong khi đó, ông Vi Tiêu Nghị, con trai của tướng Vi Quốc Thanh – trưởng đoàn cố vấn quân sự của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc giúp Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mong muốn hai bên sẽ phát huy truyền thống hữu nghị giữa nhân dân hai nước.“Quan hệ Trung Quốc-Việt Nam cần phát huy truyền thống vẻ vang của quá khứ. Hai nước cần giúp đỡ lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau và cùng nhau tiến bộ.”
Trong một bài viết đăng trên Báo Nhân Dân trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam cuối năm 2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhấn mạnh: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, gốc rễ, huyết mạch, sức mạnh của quan hệ Trung-Việt đều bắt nguồn từ nhân dân.
Nhân Dân nhật báo của Trung Quốc cũng có bài viết khẳng định, gốc rễ của quan hệ Trung-Việt là ở nhân dân, giao lưu mật thiết giữa nhân dân hai nước là dòng chảy lớn trong tình hữu nghị Trung-Việt, góp phần xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược.
Năm giao lưu nhân văn Việt Nam – Trung Quốc 2025 sẽ là dịp để hai bên tăng cường tuyên truyền, giáo dục về tình hữu nghị truyền thống Việt Nam – Trung Quốc, củng cố nền tảng xã hội vững chắc hơn.