Hưởng lợi chính sách, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) chốt tăng vốn gấp đôi mảng tôn mạ kẽm

Với kỳ vọng hưởng lợi lớn từ chính sách chống bán phá giá mới của Bộ Công Thương, Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG) đã thông qua việc tăng vốn gấp đôi công ty con chuyên sản xuất tôn mạ kẽm.

 Nhà máy Hoa Sen Phú Mỹ hiện có công suất 85.000 tấn/năm, chuyên sản xuất sản phẩm tôn mạ kẽm thương hiệu Hoa Sen.

Nhà máy Hoa Sen Phú Mỹ hiện có công suất 85.000 tấn/năm, chuyên sản xuất sản phẩm tôn mạ kẽm thương hiệu Hoa Sen.

Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG - sàn HoSE) vừa thông qua chủ trương góp thêm 320 tỷ đồng vào Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ, nâng vốn điều lệ của công ty lên gần gấp đôi, đạt 700 tỷ đồng. Tập đoàn Hoa Sen hiện chi phối 100% vốn Hoa Sen Phú Mỹ.

Với nhà máy công suất 85.000 tấn/năm, Hoa Sen Phú Mỹ là đơn vị đảm nhận vai trò sản xuất, cung ứng dòng sản phẩm tôn kẽm nhúng nóng (tôn mạ kẽm) của Tập đoàn Hoa Sen.

Động thái tăng cường đầu tư vào hoạt động sản xuất tôn mạ của Tập đoàn Hoa Sen diễn ra trong bối cảnh Bộ Công Thương vừa quyết định gia hạn biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm tôn mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc (vụ việc AD19) với mức thuế từ 2,56% đến 34,27% thêm 5 năm (đến tháng 10/2029).

Theo đánh giá của nhiều hãng chứng khoán, với việc áp dụng mức thuế chống bán phá giá như trên, sản lượng tiêu thụ tôn mạ trong nước sẽ tăng thêm khoảng 15 - 20%. Như vậy, hoạt động tiêu thụ tôn mạ nội địa của Tập đoàn Hoa Sen cũng sẽ tăng trưởng tích cực và biên lợi nhuận gộp được cải thiện nhờ giảm cạnh tranh từ thép Trung Quốc giá rẻ.

Nhìn vào lịch sử quá khứ, trong đợt áp thuế tương tự hồi năm 2016 do Bộ Công Thương ban hành, Tập đoàn Hoa Sen đã ghi nhận sản lượng tiêu thụ nội địa hàng quý tăng tới 30% so với giai đoạn trước khi áp thuế.

Hiện nay, tập đoàn này là đơn vị tôn mạ chiếm thị phần lớn nhất về phân phối nội địa với hơn 400 đại lý phân phối truyền thống và 110 cửa hàng chuỗi vật liệu xây dựng Hoasen Home trên cả nước.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ tôn mạ nội địa của Tập đoàn Hoa Sen dự kiến còn được hỗ trợ từ việc thị trường bất động sản phục hồi. Tính riêng quý 3/2024, cả nước ghi nhận tới 22.412 sản phẩm bất động sản được chào bán mới, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh sự phục hồi rõ rệt của thị trường chung.

Xét về hoạt động kinh doanh, kết thúc niên độ tài chính 2023 - 2024 (từ ngày 1/10/2023 đến 30/9/2024), Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt gần 39.272 tỷ đồng, tăng 24% so với niên độ trước, và lãi ròng đạt hơn 510 tỷ đồng, cao gấp 16 lần niên độ trước.

Trong niên độ tài chính 2023 - 2024, tập đoàn này đặt kế hoạch kinh doanh với 2 kịch bản. Trong đó, với kịch bản thấp (sản lượng tiêu thụ 1,625 triệu tấn), doanh thu dự kiến 34.000 tỷ đồng, tăng 7,4% so với niên độ trước, và lãi ròng dự kiến 400 tỷ đồng, tăng 12 lần so với niên độ trước.

Với kịch bản cao (sản lượng tiêu thụ 1,73 triệu tấn), doanh thu dự kiến 36.000 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ, và lợi nhuận sau thuế dự kiến 500 tỷ đồng, tăng 15,6 lần so với thực hiện trong niên độ 2022 - 2023.

Như vậy, lãi ròng thực tế của Tập đoàn Hoa Sen đã vượt mục tiêu đề ra ở cả 2 kịch bản.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/huong-loi-chinh-sach--tap-doan-hoa-sen--hsg--chot-tang-von-gap-doi-mang-ton-ma-kem-130233.htm
Zalo