Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp, mức nào?

Để tạo điều kiện hơn nữa cho sự phát triển của các doanh nghiệp, đại biểu đề nghị cân nhắc giảm thêm mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông xuống khoảng 19%.

Ngày 28-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (sửa đổi). Một trong những nội dung các đại biểu (ĐB) tập trung là những quy định ưu đãi thuế cho các DN nhỏ, siêu nhỏ và một số vấn đề khác liên quan.

 Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nêu ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nêu ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG

Giảm gánh nặng thuế cho DN

Dự luật này vẫn giữ mức thuế phổ thông là 20% và bổ sung mức thuế suất ưu đãi 15% và 17% cho DN nhỏ, siêu nhỏ theo tổng doanh thu lần lượt 3 tỉ đồng và trên 3 tỉ đến dưới 50 tỉ đồng.

ĐB Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho rằng dù luật giữ nguyên mức thuế suất DN phổ thông 20% thì với DN quy mô nhỏ con số này vẫn cao và so sánh với các nước trong khu vực ASEAN cũng vẫn cao.

“Để khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của DN nói chung nên cân nhắc giảm thêm mức thuế TNDN phổ thông xuống khoảng 19%, giúp các DN phục hồi” - ĐB Lệ đề xuất.

ĐB Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đánh giá chính sách ưu đãi thuế suất 15% và 17% theo doanh thu là “một bước đi tích cực nhằm hỗ trợ nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ, tuy nhiên vẫn còn một số bất cập, cần xem xét khả năng hiệu quả và tính khả thi”.

Phân tích tỉ lệ ưu đãi trên doanh thu, ĐB Bình cho rằng mức ưu đãi như vậy vẫn còn thấp và còn chênh lệch lớn về quy mô, tạo cảm giác bất bình đẳng. Ông đề nghị tăng ngưỡng ưu đãi thuế TNDN mức 15% cho tổng doanh thu từ 3 tỉ lên 5 tỉ đồng, mức 17% cho tổng doanh thu từ 50 tỉ lên 70 tỉ đồng. Đồng thời, căn cứ vào nhiều tiêu chí khác như loại hình DN, kinh doanh… để ưu đãi thuế.

ĐB Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng đề nghị nên ưu đãi thuế 15% cho ngưỡng doanh thu lên 5 tỉ để phù hợp với thực tế chi phí sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng. Thuế suất ưu đãi 17% thì áp dụng cho doanh nghiệp mới thành lập trong vòng ba năm đầu, nhằm hỗ trợ khởi nghiệp và giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp.

Ở góc độ khác, ĐB Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng áp dụng thuế suất 15% cho DN có doanh thu 3 tỉ đồng thì thực tế không giải quyết được gì. Do vậy, ông đề nghị “áp đặt thuế” theo tháng, theo năm thay vì ưu đãi mức 15% cho DN có doanh thu 3 tỉ đồng để DN khỏi phải quyết toán và tính toán vào chi phí DN.

“Tôi nghĩ đưa vào thuế áp đặt cho mỗi tháng là bao nhiêu và như vậy DN sẽ rất phấn khởi. Việc này sẽ giải quyết được cả các vấn đề cho hộ kinh doanh và họ sẽ hào hứng, phấn khởi tham gia vào DN” - ĐB Thân nói.

 ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình). Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đề xuất miễn thuế cho y tế, giáo dục

ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) ghi nhận dự luật bổ sung nhiều thu nhập miễn thuế, trong đó có thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. ĐB Dung đề nghị miễn thuế TNDN cho các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ cả chi đầu tư và chi thường xuyên.

ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng đồng tình và nêu thêm những đề xuất cụ thể. Ông Cường cho rằng các đơn vị sự nghiệp công hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục thì phải coi là đơn vị phi lợi nhuận và phải được miễn thuế TNDN.

Quy định hiện hành chỉ miễn đối với những dịch vụ cơ bản, thiết yếu sử dụng ngân sách nhà nước hoặc những đơn vị sự nghiệp được Nhà nước hỗ trợ đảm bảo kinh phí hoạt động. Trong khi đó, những đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay đang thực hiện cơ chế tự chủ, tức là tự phải xác định mức thu, tự phải đảm bảo thu bù chi trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ, không sử dụng ngân sách nhà nước lại thuộc đối tượng phải nộp thuế TNDN. “Rõ ràng đây là một điều không phù hợp” - ĐB Cường nói.

 ĐB Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM). Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐB Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM). Ảnh: PHẠM THẮNG

Mở rộng hơn, ĐB Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM) đề nghị với các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế thì miễn thuế tối đa 10 năm và giảm trong 10 năm tiếp theo để khuyến khích đầu tư ở lĩnh vực này, tùy địa bàn cụ thể để có mức miễn hoặc giảm cụ thể.

“Khi y tế, giáo dục, dạy nghề tư nhân được phát triển thì Nhà nước sẽ giảm đầu tư, chi phí thường xuyên cho lĩnh vực này tại các TP lớn và các tỉnh để dành nguồn lực cho các tỉnh có điều kiện khó khăn hơn.

Mặt khác, khả năng thu hồi vốn trong thời gian 10 năm đối với y tế, giáo dục, dạy nghề là rất khó, nhất là ở các địa bàn có điều kiện về kinh tế - xã hội còn khó khăn. Đó là chưa kể sau khi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất xong thì tiếp tục thực hiện các thủ tục tiếp theo để đi vào hoạt động, ít nhất cũng phải mất 1-2 năm đầu” - ĐB Yến nêu.

Nên giao Chính phủ để quy định linh hoạt

Giải trình, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho hay thuế suất phổ thông 20% không thể so sánh với Singapore, một nước có thu nhập bình quân cao và “xuất khẩu tư bản”. Còn các nước xung quanh thì thuế suất lại cao hơn như Philippines 30%, Malaysia 24% và các quốc gia khác cũng tính 25%.

Với mức thuế ưu đãi 15% và 17% cho DN nhỏ, siêu nhỏ, Phó Thủ tướng mong Quốc hội giao cho Chính phủ điều chỉnh khi có sự biến động.

“Bởi tuổi thọ của luật cũng phải được nhiều năm nên khi có sự biến động về giá thì Chính phủ sẽ quyết định vấn đề này để phát sinh doanh thu thế nào thì thu thuế như vậy” - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc. Ảnh: PHẠM THẮNG

Với các ý kiến về thuế TNDN với đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng cho rằng với loại hình đơn vị sự nghiệp nhà nước cấp toàn bộ, tự chủ thường xuyên thì khi đã có doanh thu thì phải nộp thuế. Nếu dịch vụ công cung cấp chưa tính đúng, tính đủ thì không phải nộp. Các dịch vụ công trên địa bàn đặc biệt khó khăn thì được giảm 5%, các dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước không phải đóng thuế.

“Còn đối với cơ quan báo chí, chúng tôi cũng mong và nếu Quốc hội đồng ý thì đề xuất thuế TNDN là 10%. Chúng tôi đã trao đổi với Ủy ban Tài chính - Ngân sách, thống nhất những nội dung này để giúp cho các cơ quan báo chí” - Phó Thủ tướng nói.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/uu-dai-thue-cho-doanh-nghiep-va-don-vi-su-nghiep-muc-nao-post822205.html
Zalo