Hướng đến nông nghiệp xanh

Để sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân đã tích cực học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, không ngừng sáng tạo để hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững. Tùy điều kiện, mỗi nông dân sẽ có cách làm phù hợp, qua đó không ngừng vươn lên làm giàu.

Từ ủ thức ăn lên men cho dê…

Gia đình ông Triệu Văn Hiệp ở ấp 3, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú nuôi dê gần 10 năm. Bình quân trong chuồng luôn có khoảng 70 con, cao điểm có khi 100 con. Trước tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, gia đình ông bán 30 con dê thịt, tổng trọng lượng hơn 1.000kg, thu về hơn 110 triệu đồng. Đàn dê của ông luôn được thương lái đánh giá ít bệnh, thịt ngon, tỷ lệ thịt cao, qua đó thường xuyên đặt hàng. Ông Hiệp cho biết, để có kết quả này, gia đình luôn chú trọng chăm sóc, học hỏi kinh nghiệm để phát triển kinh tế từ nuôi dê.

Ông Hiệp làm chuồng dê giữa vườn, nơi có không gian thoáng mát. Chuồng làm cao, giúp việc thu hoạch phân dê tiện lợi. Dê được ngăn chuồng, tách đàn theo từng loại như dê sữa, dê sinh sản, dê hậu bị và dê thịt. Theo ông Hiệp, qua phân loại sẽ dễ dàng hơn trong việc chăm sóc thú y, cung cấp thức ăn, hạn chế dê đánh nhau, tranh giành thức ăn gây thương tích...

Để đáp ứng nguồn thức ăn cho đàn dê, ông Hiệp trồng mít và các loại cỏ trong vườn. Ngoài ra, ông Hiệp đã học hỏi và áp dụng phương pháp ủ thức ăn lên men, dự trữ cho mùa khô. Nhiều năm qua, những chiếc thùng phuy bằng nhựa (thể tích 200 lít/thùng) ông mua về để ở góc vườn liên tục có thức ăn lên men. Do vậy, đàn dê của gia đình chưa khi nào bị đói. Ông Hiệp cho biết: “Dê không kén thức ăn, có thể tận dụng các loại cỏ, lá cây, phế phẩm nông nghiệp để ủ. Thức ăn lên men giúp dê dễ tiêu hóa, hạn chế các bệnh về đường ruột, mau tăng ký. Do vậy, mùa khô đàn dê của gia đình vẫn tăng trưởng mạnh”.

Những năm gần đây, phong trào nuôi dê trên địa bàn xã phát triển. Giá dê tăng tạo động lực để các hộ tiếp tục đầu tư tăng đàn. Bên cạnh thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kinh nghiệm cho bà con, chúng tôi đã tham mưu UBND xã thành lập tổ hợp tác nuôi dê. Bà con đã xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ dê thương phẩm, ký kết cung cấp dê chất lượng với các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TP. Đồng Xoài và vùng lân cận, để mô hình này phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Tâm NGUYỄN THỊ ĐOAN TRANG

Cũng phát triển kinh tế từ nuôi dê, gia đình ông Lê Văn Sơn ở ấp 6, xã Đồng Tâm thường xuyên nuôi số lượng 50 con. Hằng ngày, ngoài đảm bảo thức ăn đầy đủ, ông Sơn còn thả dê ra khỏi chuồng vào sáng, chiều cho chúng chạy nhảy, đùa giỡn, tìm kiếm thức ăn bên ngoài. Dê thường xuyên được vận động sẽ giảm bớt tù túng, tăng sức đề kháng, hạn chế mắc bệnh, thịt săn chắc. Đồng thời, ông đều đặn tiêm phòng định kỳ giúp dê khỏe mạnh. Ông Sơn cho biết: “Để đàn dê phát triển tốt, những hộ dân trong tổ hợp tác nuôi dê thường xuyên trao đổi giống, tránh trùng huyết thống, dê sẽ còi cọc, thoái hóa, kém chất lượng”.

…đến cho bí đao “uống” sữa tươi

Gia đình anh Nguyễn Gia Tin ở khu phố 4, phường Thành Tâm, thị xã Chơn Thành phát triển kinh tế từ mô hình trồng bí đao và các loại cây ngắn ngày. Nhờ chịu khó học hỏi nên anh đã “bỏ túi” bí quyết xua đuổi côn trùng, làm tăng độ ngọt và kéo dài thời gian thu hoạch của bí đao. Thông thường nông dân trồng bí đao theo từng luống, cắm cây que, dựng giàn hình chữ A theo luống. Tuy nhiên, 3 năm nay, anh Tin đã có cách làm riêng, mang lại hiệu quả vượt trội. Bí cũng trồng theo luống, nhưng độ cao luống chỉ 30cm, rộng 1,5m. Toàn bộ gốc cây được phủ kín bằng rơm, hạn chế bốc hơi nước. Giàn cây được dựng cao khoảng 2m, theo hình chữ U, để ngọn bí phát triển.

Vợ chồng anh Tin pha sữa tươi và nước mía để tưới cho bí đao nhằm tăng độ ngọt, kéo dài thời gian thu hoạch

Vợ chồng anh Tin pha sữa tươi và nước mía để tưới cho bí đao nhằm tăng độ ngọt, kéo dài thời gian thu hoạch

Hằng ngày, anh Tin tưới nước mía và sữa tươi giúp bí tăng độ ngọt và kéo dài thời gian thu hoạch

Hằng ngày, anh Tin tưới nước mía và sữa tươi giúp bí tăng độ ngọt và kéo dài thời gian thu hoạch

Sau nhiều năm canh tác, đất bạc màu, thiếu dưỡng chất. Vì vậy, qua tìm hiểu, anh Tin pha nước mía và sữa tươi, sau đó tưới đều vào đất. Anh Tin cho biết: “Nhiều tài liệu khẳng định trong sữa chứa nhiều canxi. Các thành phần của sữa còn kích thích phát triển vi sinh vật có lợi cho đất và cây trồng, giúp cây khỏe, tăng sức đề kháng, hạn chế nhiễm bệnh. Trong khi đó, nước mía có nhiều đường, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, giúp cây tích lũy chất dinh dưỡng để phát triển, kéo dài tuổi thọ, ra nhiều trái, trái xanh thẫm, độ ngọt tăng”.

Bí đao và các loại cùng họ thường bị ruồi vàng, ong, rệp, bọ xít, bọ dưa chích hút gây hại. Nhiều nhà nông thường dùng phương pháp đặt bẫy. Tuy nhiên, anh Tin có cách làm khác hiệu quả hơn. “Tôi dùng tỏi giã nát, ủ khoảng 4 ngày, sau đó pha với nước xịt đều lên cây. Dung dịch tỏi sẽ bám dính vào thân, lá cây. Mùi vị đặc trưng của tỏi có tác dụng kháng khuẩn và xua đuổi côn trùng gây hại rất hiệu quả” - anh Tin cho hay.

Anh Nguyễn Gia Tin (bìa phải) giới thiệu mô hình trồng bí với đoàn công tác của Hội Nông dân thị xã Chơn Thành

Anh Nguyễn Gia Tin (bìa phải) giới thiệu mô hình trồng bí với đoàn công tác của Hội Nông dân thị xã Chơn Thành

Với những bí quyết riêng, vườn bí đao của gia đình anh Tin luôn xanh tốt, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 4 tháng, gấp đôi thời gian thu hoạch thông thường, đặc biệt cho năng suất cao. Bình quân mỗi ngày, gia đình anh thu khoảng 100-150kg/sào, cao điểm thu 400kg/sào. Giá bán lẻ 10.000 đồng/kg, nên gia đình anh có nguồn thu mỗi ngày.

Thăm mô hình trồng bí đao của hộ anh Tin, bà Nguyễn Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Chơn Thành đánh giá cao tính hiệu quả của mô hình, đồng thời khẳng định: “Từ thực tiễn lao động, sáng tạo, anh Tin đã nâng cao giá trị sản xuất trên cùng diện tích đất so với những nông dân trồng bí khác. Chúng tôi sẽ phối hợp với anh Tin phổ biến, nhân rộng kinh nghiệm này, để bà con có nhu cầu học hỏi, áp dụng và cùng nhau làm giàu”.

Quang Minh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/169001/huong-den-nong-nghiep-xanh
Zalo