Hướng đến nền công vụ thực tài

Bộ Nội vụ đề nghị xây dựng 5 chính sách, trong đó nổi bật là đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm

Bộ Nội vụ vừa công bố hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức liên quan.

Phát sinh nhiều vấn đề trong thực tiễn

Bộ Nội vụ cho biết sau 5 năm được sửa đổi, bổ sung, một số quy định của Luật Cán bộ, công chức đã bộc lộ một số hạn chế nên cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng bộ với các quy định mới của Đảng.

Theo Bộ Nội vụ, thực tiễn phát sinh nhiều vấn đề mới chưa được pháp luật quy định, như: Các quy định cụ thể về đạo đức công vụ; chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý sau khi bị kỷ luật.

Bộ Nội vụ cho rằng cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề "rất trọng yếu", "quyết định mọi việc", "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Do vậy, yêu cầu và cơ chế quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức cần được nghiên cứu, quy định phù hợp với thực tiễn quản lý trong giai đoạn hiện nay.

Công chức UBND phường 8, quận 10, TP HCM tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến cho người dân. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Công chức UBND phường 8, quận 10, TP HCM tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến cho người dân. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bộ Nội vụ cũng đánh giá cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm còn có hạn chế nhất định. Việc xây dựng, phê duyệt vị trí việc làm tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm so với tiến độ đề ra. Mô tả vị trí việc làm, khung năng lực của từng vị trí việc làm còn định tính, khái quát trong mô tả và thống kê công việc. Việc xác định cơ cấu công chức chưa sát với yêu cầu nhiệm vụ của vị trí việc; chưa quy định rõ việc xác định số lượng biên chế theo vị trí việc làm, dẫn đến lúng túng, không thống nhất trong tổ chức thực hiện. Những hạn chế này dẫn đến những khó khăn tương ứng trong thực hiện tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.

Tại lần sửa đổi này, hướng đến nền công vụ thực tài, Bộ Nội vụ đề nghị xây dựng 5 chính sách, trong đó nổi bật là đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.

Đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức từ kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế sang cơ chế quản lý theo vị trí việc làm, lấy vị trí việc làm, làm cơ sở để thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức. Đồng thời, tạo cơ chế cạnh tranh theo vị trí việc làm dựa trên kết quả công việc, hướng tới nền công vụ thực tài.

Bộ Nội vụ cho biết sẽ nghiên cứu, sửa đổi quy định về vị trí việc làm gắn với yêu cầu của ngành, lĩnh vực; từng bước bỏ quy định về ngạch và cơ cấu ngạch công chức.

Yêu cầu cấp thiết

Yêu cầu hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm đã được nêu rõ tại Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương khóa XII. Đây được xác định là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương. Tuy nhiên hiện nay, việc xây dựng hệ thống vị trí việc làm ở các bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa đạt tiến độ.

Đối với việc quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) nhìn nhận việc xây dựng vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp là rất quan trọng để phục vụ công tác quản lý bộ máy, thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Song đến nay, việc xây dựng vị trí việc làm vẫn chưa hoàn thiện. Vì thế, cần có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc này.

Theo bà Kiều, với đề nghị sửa đổi luật lần này, Bộ Nội vụ một lần nữa đề cập nhóm chính sách về đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, từng bước bỏ quy định về ngạch và cơ cấu ngạch công chức.

TS Phạm Quang Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Hành chính Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang được đẩy mạnh thì việc xây dựng vị trí việc làm càng trở nên cấp thiết hơn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy.

"Có thể hiểu, việc xác định vị trí việc làm là xác định trong một cơ quan, đơn vị có bao nhiêu vị trí việc làm, tiêu chuẩn cho từng vị trí việc làm đó và cần bao nhiêu nhân sự ở vị trí đó. Xác định vị trí việc làm vừa giúp cho ra con số chính xác về con người, mặt khác làm giảm đi sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ, tăng cường tính hiệu quả của bộ máy cơ quan, tổ chức đó. Với cách quản lý theo vị trí việc làm sẽ tăng tính cạnh tranh, tạo động lực trong làm việc" - TS Phạm Quang Long nhấn mạnh.

Đối với việc đổi mới quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, đáng chú ý là Bộ Nội vụ đề xuất quy định tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá công chức được thực hiện hoàn toàn trên cơ sở vị trí việc làm; bỏ các quy định liên quan ngạch công chức; bổ sung quy định về công chức theo chế độ hợp đồng làm việc. Bộ Nội vụ khẳng định việc giao thống nhất nguyên tắc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá công chức được thực hiện trên cơ sở vị trí việc làm sẽ giải quyết được các khó khăn, bất cập như hiện nay.

"Chính phủ với tư cách cơ quan hành chính nhà nước cao nhất vẫn giữ vai trò chủ đạo trong việc xây dựng vị trí việc làm thông qua thẩm quyền quy định phương pháp, nguyên tắc xác định vị trí việc làm. Điều này cũng giúp giảm đầu mối, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở". Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào phương pháp, nguyên tắc đã được quy định để xác định cụ thể số lượng vị trí việc làm; giảm chi phí cho công tác xây dựng văn bản và trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện" - Bộ Nội vụ nêu rõ.

Nghiêm cấm hành vi né tránh, đùn đẩy nhiệm vụ

Tại hồ sơ đề nghị xây dựng luật sửa đổi, Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung các quy định cán bộ, công chức được khuyến khích, bảo vệ trong thực hiện nhiệm vụ. Nghiêm cấm hành vi né tránh, đùn đẩy, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao mà không có lý do chính đáng.

Bộ Nội vụ cũng đề xuất có cơ chế loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức khi thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo. Cùng với đó, có chính sách tạo sức hấp dẫn và sự lôi cuốn nhằm tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để "giữ chân" những người có năng lực, trình độ cao và phẩm chất đạo đức tốt an tâm công tác.

PGS-TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC, nguyên Viện Trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:

Giảm biên chế, giảm gánh nặng ngân sách

Cần gắn việc xây dựng vị trí trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và thực hiện tinh giản biên chế. Đồng thời, qua vị trí việc làm, cần giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, giảm gánh nặng cho ngân sách.

Sở dĩ cần xây dựng vị trí việc làm là vì thực tế hiện nay, tại nhiều cơ quan, một việc giao cho nhiều người làm nhưng lại không tìm được người chịu trách nhiệm chính, dẫn tới chồng chéo, kém hiệu quả. Khi một việc nhiều người làm thì bộ máy ngày càng phình to, tạo gánh nặng cho ngân sách, trong khi công việc thì không đạt hiệu quả cao.

Đại biểu Quốc hội NGUYỄN THỊ VIỆT NGA - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:

Cần triển khai đồng bộ

Việc trả lương theo vị trí việc làm sẽ khắc phục được các bất cập trong cách trả lương theo hệ số, thâm niên mà chưa xem xét đầy đủ các yếu tố về năng lực, khả năng hoàn thành công việc được giao ở từng vị trí công việc.

Xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cải cách chính sách tiền lương, tiến tới trả lương theo vị trí việc làm theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW là nhiệm vụ rất quan trọng, cần triển khai đồng bộ, thống nhất để bảo đảm hiệu quả.

C.Minh ghi

MINH CHIẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/huong-den-nen-cong-vu-thuc-tai-196241203220452473.htm
Zalo