Hướng dẫn xử lý tài sản công sau tinh gọn bộ máy
Việc sắp xếp, xử lý tài sản công trong bối cảnh tinh gọn tổ chức bộ máy đang đặt ra yêu cầu cấp thiết. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương. Đồng thời, các chính sách, định mức về sử dụng tài sản công cũng đang được sửa đổi để phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp và yêu cầu phát triển mới.

Bộ Tài chính: Sắp xếp, xử lý tài sản công hiệu quả cần có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống - Ảnh: VGP/HT
Đây là ý kiến của ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) tại khi trao đổi với báo chí ngày 24/4 xung quanh vấn đề quản lý sản công trong quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Tài sản công-cần sắp xếp đồng bộ, không để lãng phí
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) nhấn mạnh: Việc sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ của riêng ngành, lĩnh vực hay địa phương nào. Thêm vào đó, việc này cần được thực hiện theo nguyên tắc pháp luật hiện hành, đồng thời có sự chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương.
Lãnh đạo Cục Quản lý công sản cho biết: Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký văn bản số 195 ngày 23/4 gửi các Bí thư tỉnh ủy, thành ủy về rà soát, sắp xếp, bổ trí, xử lý trụ sở, tài sản công và rà soát các dự án, công trình, trụ sở đang xây dụng hoặc đã phê duyệt chủ trương đầu tư chịu sự tác động bởi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã đề nghị lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo hoàn thành dứt điểm công tác Tổng kiểm kê tài sản công theo Đề án được Thủ tướng Chính phú phê duyệt tại Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 1/3/2024; thực hiện rà soát, chuẩn hóa dữ liệu tài sản kiểm kê để bảo đảm tính đầy đủ, chính xác, logic của số liệu theo hướng dẫn của Bộ Tài chính phục vụ việc xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý trụ sở, tài sản công khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính; gửi báo cáo kết quả Tổng kiểm kê tài sản công về Bộ Tài chính trước ngày 10/5/2025 để tổng hợp, báo cáo.
Đáng chú ý, lãnh đạo Bộ Tài chính đã đề nghị các đơn vị quan tâm chỉ đạo trong quá trình sắp xếp trụ sở, tài sản công gắn với tinh gọn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương hai cấp. Hơn nữa, các văn bản hướng dẫn mới cũng nhấn mạnh yêu cầu sử dụng hiệu quả tài sản, đặc biệt là trụ sở cơ quan, nhằm tránh tình trạng bỏ trống, xuống cấp và gây lãng phí.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đã trình dự thảo sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để cập nhật các chính sách mới như chuyển đổi số, tổ chức lại bộ máy, đặc biệt là mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Trước đây, tài sản công được quản lý theo 4 cấp ngân sách; tuy nhiên, với mô hình mới, chỉ còn 3 cấp, vì vậy cần sửa đổi 48 văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) - Ảnh: VGP/HT
Vấn đề tài sản dôi dư, người đứng đầu có trách nhiệm quản lý hiệu quả
Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, trong các hướng dẫn mới, Bộ Tài chính đưa ra một số điểm nhấn đáng chú ý.
Thứ nhất, cần xác định rõ trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong phạm vi quản lý của mình về việc sắp xếp trụ sở, tài sản công theo đúng quy định của Luật Quản lý tài sản công và các hướng dẫn liên quan.
Thứ hai, Bộ Tài chính hướng dẫn theo hướng nhấn mạnh tính kế thừa và hiệu quả trong bố trí tài sản, không làm gián đoạn hoạt động của đơn vị, có thể bố trí dùng chung trụ sở. Đồng thời chuyển giao tài sản theo nhiệm vụ, đơn vị nào tiếp nhận nhiệm vụ thì tiếp nhận luôn tài sản.
Thứ ba, yêu cầu các địa phương bố trí kinh phí cho việc quản lý, bảo vệ, duy trì tài sản công, đồng thời kiện toàn tổ chức có chức năng quản lý tài sản để bảo đảm năng lực thực hiện.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về ưu tiên điều hòa, khai thác hiệu quả tài sản công. Trụ sở không còn sử dụng đúng mục đích cần được chuyển đổi cho lĩnh vực y tế, giáo dục, hoặc sinh hoạt cộng đồng.
"Việc sắp xếp bố trí, xử lý trụ sở tài sản theo nguyên tắc bộ, địa phương chịu trách nhiệm trong phạm vi của mình theo đúng thẩm quyền quy định luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định hướng dẫn của Chính phủ", ông Nguyễn Tân Thịnh nói.
Theo thống kê của Bộ Tài chính hiện có hơn 11.000 cơ sở nhà, đất công chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả. Tuy nhiên, việc xử lý không thể diễn ra một sớm một chiều, do liên quan đến nhiều yếu tố như quy hoạch, đầu tư công, chức năng nhiệm vụ thay đổi sau khi sáp nhập địa bàn hành chính.
Đặc biệt, phần lớn cơ sở dôi dư là điểm trường, trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa, nơi gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi mục đích sử dụng.
Qua báo cáo, các bộ ngành địa phương đang tích cực giải quyết các trường hợp nhà đất dôi dư, vì nguy cơ càng để lâu giá trị càng suy giảm.
Theo ông Nguyễn Tân Thịnh, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ ngành, địa phương khẩn trương rà soát, xác định rõ danh mục tài sản dôi dư để có phương án xử lý cụ thể, ưu tiên cho giáo dục, y tế và phúc lợi công cộng.
Thực tế việc xử lý tài sản có phần phụ thuộc vào nhu cầu của xã hội đối với nhà đất. Ví dụ như cầu cho thuê làm nhà ở, nhu cầu cho việc sử dụng vào thương mại, dịch vụ hoặc là các nhu cầu khác. Nhu cầu này có sự biến động trong quá trình thực hiện việc xây dựng chính quyền địa phương hai cấp.
"Có những nơi nhu cầu rất cao, đặc biệt ở những nơi được chọn làm trung tâm chính trị - hành chính nhưng lại có nơi nhu cầu sẽ giảm đi. Do đó, trong các văn bản Bộ Tài chính gửi lãnh đạo các đơn vị, đề cao trách nhiệm cá nhân, đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền của của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện sắp xếp, bố trí và xử lý đối với tài sản, không để xảy ra lãng phí", ông Nguyễn Tân Thịnh nói.
Về tiêu chuẩn ô tô công, ông Nguyễn Tân Thịnh nhấn mạnh cần có giải pháp linh hoạt, đồng thời, ông Thịnh cho hay: Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72 về tiêu chuẩn định mức sử dụng xe ô tô. Theo đó, đề xuất xã có thể được trang bị tối đa hai xe công vụ, dự kiến tổng số khoảng 6.000 xe (cơ bản là những xe hiện có).
Tuy nhiên, để đảm bảo phù hợp với thực tế hoạt động tinh gọn sát nhập, ví dụ như các trường hợp phải di chuyển đi làm, hay đi công tác xa và nhiều xã hơn trước, dự thảo tính toán khả năng chuyển đổi xe cấp huyện cho cấp xã; sẽ bố trí xe phục vụ nhu cầu công tác các đơn vị. Căn cứ vào số xe đó, các đơn vị có thể bố trí phương tiện theo quy định cho các cán bộ cơ quan di chuyển công tác, bao gồm cả các trường hợp hỗ trợ xe cho cán bộ nhân viên phải đi làm xa nhà. Điều này phù hợp với điều kiện hiện tại khi một số chi cục hoặc sở ngành có quy mô nhân sự nhỏ, địa bàn công tác xa.
Trong bối cảnh phát sinh tài sản dôi dư trong khi sắp xếp bộ máy, đại diện Bộ Tài chính cũng đề cập đến việc xã hội hóa tài sản công. Theo đó, tài sản công có thể được cho thuê, liên doanh liên kết hoặc sử dụng cho mục đích kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, triển khai theo đúng quy định. Điều này không chỉ góp phần giảm áp lực ngân sách nhà nước mà còn giúp khai thác hiệu quả tài sản, tránh tình trạng để trống, lãng phí kéo dài.
"Việc xác định phương án sử dụng phù hợp, chuyển đổi cho y tế, giáo dục hay cho thuê, cần được thực hiện trên cơ sở quy hoạch địa phương, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả kinh tế – xã hội", đại diện Cục Công sản (Bộ Tài chính) lưu ý.