Hưng Yên đề xuất phục dựng Phố Hiến cổ

UBND tỉnh Hưng Yên vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề án 'Xây dựng và phục dựng Phố Hiến cổ', với tổng mức đầu tư dự kiến 47.241 tỷ đồng, sẽ triển khai trong giai đoạn 2025 - 2035 trên quy mô hơn 1.700ha, thuộc địa bàn thành phố Hưng Yên.

Theo báo cáo số 21/BC-UBND ngày 4/3/2025 của UBND tỉnh Hưng Yên, đề án "Xây dựng và phục dựng Phố Hiến cổ” dự kiến triển khai trên địa bàn các phường Minh Khai, Hiến Nam, Lam Sơn, Hồng Châu và các xã Quảng Châu, Hoàng Hanh, Tân Hưng, thành phố Hưng Yên.

Từ lâu, câu ca dao "Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến" đã đi vào tiềm thức người Việt như một minh chứng cho sự sầm uất, thịnh vượng của thương cảng Phố Hiến trong thế kỷ 16-17. Là trung tâm giao thương quốc tế lớn thứ hai chỉ sau Kinh đô Thăng Long, Phố Hiến từng là biểu tượng của sự giao thoa văn hóa và kinh tế giữa Việt Nam và thế giới.

Ngày nay, những dấu ấn của thương cảng Phố Hiến vẫn còn hiện diện trên các công trình, kiến trúc, tín ngưỡng và trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Hưng Yên.

Một góc Phố Hiến xưa. Ảnh tư liệu.

Một góc Phố Hiến xưa. Ảnh tư liệu.

Về vai trò lịch sử, với vị trí chiến lược trên các con sông lớn như sông Hồng, sông Thái Bình và sông Đáy, Phố Hiến đã trở thành trung tâm giao thương nhộn nhịp, nơi tập trung thuyền buôn từ các nước gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Xiêm (Thái Lan), Lữ Tống (Philippines), Mã Lai (Malaysia), In-đô (Indonesia), Ấn Độ, Anh, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Cảnh "trên bến dưới thuyền" cùng các thương điếm (văn phòng đại diện) của các nước lớn như Nhật Bản, Anh, Hà Lan… đã biến Phố Hiến thành một đô thị kinh tế, chính trị và văn hóa sầm uất.

Sự đa dạng văn hóa được thể hiện qua các công trình kiến trúc độc đáo như chùa Chuông, đình An Vũ, hội quán Đông Đô Quảng Hội, đền Thiên Hậu, nhà thờ Thiên Chúa giáo… và các phố phường mang phong cách giao thoa giữa Việt Nam với Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây.

Ngày nay, những di tích và di sản này không chỉ là minh chứng lịch sử mà còn là tài sản vô giá của nền văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không được bảo tồn và phục dựng kịp thời, những giá trị này sẽ tiếp tục bị mai một, làm mất đi một phần quan trọng trong bản sắc văn hóa dân tộc.

Đông Đô Quảng Hội - một trong những công trình tiêu biểu được xây dựng tại trung tâm Phố Hiến xưa. Ảnh tư liệu.

Đông Đô Quảng Hội - một trong những công trình tiêu biểu được xây dựng tại trung tâm Phố Hiến xưa. Ảnh tư liệu.

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cho biết, việc phục dựng Phố Hiến cổ không chỉ là bảo tồn di sản mà còn là cơ hội lớn để phát triển kinh tế - du lịch, thương mại và dịch vụ bền vững cho tỉnh Hưng Yên.

Về tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, Phố Hiến đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, khẳng định vị thế của mình trong hệ thống di sản văn hóa Việt Nam. Sự đa dạng về kiến trúc, lễ hội và nghệ thuật truyền thống như ca trù, chèo, hát trống quân… là những "sản phẩm văn hóa" độc đáo có thể thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

Việc phục dựng Phố Hiến cổ sẽ tạo ra nguồn thu lớn từ các hoạt động du lịch như lưu trú, ẩm thực, và dịch vụ; phát triển của các sản phẩm đặc trưng của địa phương như nhãn lồng Hưng Yên, tương Bần… và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai và đi vào hoạt động, dự án không chỉ tạo ra hàng ngàn việc làm trực tiếp trong lĩnh vực du lịch mà còn thúc đẩy các ngành kinh tế phụ trợ, cải thiện đời sống của người dân địa phương.

Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh Hưng Yên, đến nay, nhiều công trình kiến trúc, phố phường và lễ hội truyền thống của Phố Hiến hiện nay đã biến mất hoặc xuống cấp nghiêm trọng. Nếu không có sự đầu tư kịp thời, nguy cơ mất mát toàn bộ các giá trị văn hóa và lịch sử là rất lớn.

Vì vậy, việc phục dựng Phố Hiến cổ không chỉ là nhiệm vụ bảo tồn mà còn là cơ hội để tỉnh Hưng Yên bứt phá trong lĩnh vực du lịch, đưa Phố Hiến trở thành điểm đến du lịch văn hóa tầm cỡ quốc gia và quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch toàn cầu.

“Việc triển khai dự án đòi hỏi sự chung tay của các cấp chính quyền, ngành văn hóa, các nhà đầu tư và cộng đồng, nhằm biến những tiềm năng thành hiện thực”, báo cáo cũng nêu rõ.

Chùa Chuông (Kim Chung tự) được xây từ thời nhà Lê (thế kỷ XV) còn giữ được nhiều kiến trúc nguyên sơ.

Chùa Chuông (Kim Chung tự) được xây từ thời nhà Lê (thế kỷ XV) còn giữ được nhiều kiến trúc nguyên sơ.

Liên quan đến báo cáo về đề án “Xây dựng và phục hồi Phố Hiến cổ” của UBND tỉnh Hưng Yên, ngày 4/4, Văn phòng Chính phủ đã ban hành công văn số 2844/VPCPKGVX, trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tư pháp nghiên cứu đề xuất của tỉnh Hưng Yên. Các bộ ngành sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả nghiên cứu và phương án thực hiện.

Ngày 13/4, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương ký công văn số 1542/BVHTTDL-DSVH, đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tư pháp phối hợp nghiên cứu, có ý kiến đối với các đề xuất, kiến nghị của UBND tỉnh Hưng Yên (tại Báo cáo số 21/BC-UBND ngày 4/3/2025) liên quan đến sự cần thiết về chủ trương triển khai thực hiện dự án, chống ngập lụt và bảo vệ môi trường, nguồn vốn đầu tư, ưu đãi đầu tư, tiến độ giải phóng mặt bằng theo chức năng quản lý Nhà nước của các Bộ để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bảo Thanh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/hung-yen-de-xuat-phuc-dung-pho-hien-co-40533.html
Zalo