Huế sẽ ra sao nếu được nâng lên thành phố Huế trực thuộc trung ương?

Tên gọi thành phố Huế trực thuộc trung ương gắn với địa danh Huế, tạo được sự sự đồng tình, ủng hộ cao của Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế

Sáng 28-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và xem xét đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính các cấp thuộc địa phương này.

Một bước quan trọng

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa ủy quyền Thủ tướng trình bày lý do nêu các căn cứ lịch sử, chính trị, pháp lý, thực tiễn về đề án này.

Theo bà Trà, nhà Tây Sơn cho đến nhà Nguyễn đã chọn Huế làm kinh đô, UNESCO cũng công nhận 8 di sản riêng tại Thừa Thiên Huế như Cố đô Huế, nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam, mộc bản triều Nguyễn, châu bản triều Nguyễn, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế...

Bộ Chính trị cũng có nhiều Nghị quyết về xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế và nhắc đến nội dung nâng Huế lên thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Mới đây, Hội nghị Trung ương 10 cũng đã đồng ý chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình. Ảnh: QH

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình. Ảnh: QH

Về phía Chính phủ, nhiều Quyết định của Thủ tướng từ 2009, các Nghị quyết từ 2020 liên quan đến thành phố Huế cũng đã bám sát các chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị về việc nâng Huế lên thành phố trực thuộc trung ương.

Về mặt thực tiễn, Huế cho đến nay đã đạt được những thành tựu và kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Sau khi sơ lược về quá trình xây dựng đề án, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói: “Tên gọi thành phố Huế trực thuộc trung ương gắn với địa danh Huế đã có lịch sử hình thành lâu đời và đã khắc sâu trong ký ức của người dân Huế nói riêng, người Việt Nam và bạn bè quốc tế nói chung, tạo được sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ cao của Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng trình bày sơ qua hiện trạng, phương án và đánh giá kết quả sau khi thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, phương án sắp xếp thành lập đơn vị hành chính các cấp. Cùng với đó là phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách và giải quyết chế độ, chính sách đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp, thành lập.

Làm sao cho người dân Huế sung túc hơn

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra cho hay: cơ quan thẩm tra đã đồng tình với đề án của Chính phủ.

Theo ông Tùng, do nội dung đề án gồm cả nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên cần được xem xét, giải quyết một cách tổng thể, đồng bộ, thống nhất, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, nhất thiết phải nhấn mạnh việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương không chỉ là niềm tự hào riêng của Thừa Thiên Huế, mà là niềm tự hào chung của cả nước.

Theo ông Phương, khi báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám tới đây, cần nhấn mạnh các tiêu chí đặc thù theo nghị quyết của quốc hội, trong đó có thu nhập bình quân đầu người theo tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương đã vượt. Cạnh đó, Huế là địa phương có nhiều di sản văn hóa tầm quốc tế và quốc gia.

Cần có chính sách đột phá về phát triển kinh tế, xã hội dựa vào thế mạnh của Thừa Thiên Huế, ông Phương nhấn mạnh.

Tán thành ý kiến Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần quan tâm đến các tiêu chí làm nổi bật thế mạnh của Huế. Ông Mẫn gợi ý có những việc không tiền cũng làm được, như xây dựng thành phố sáng, xanh, sạch đẹp, xây dựng đội ngũ cán bộ mạnh, quyết đoán, quyết liệt quyết tâm, quyết làm.

Mục tiêu cuối cùng của việc lên thành phố trực thuộc Trung ương là lo cho người dân Huế có cuộc sống sung túc hơn, ông Mẫn nhấn mạnh.

Phát biểu sau đó, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay: Huế hiện đã hội đủ các tiêu chí đô thị loại 1. Nếu được nâng lên thành phố trực thuộc trung ương thì cùng với Đà Nẵng, Huế sẽ là động lực phát triển cho vùng duyên hải Trung bộ. Ông Lưu cũng khẳng định sẽ nghiên cứu xây dựng đề án chính quyền đô thị để Huế có thêm nhiều động lực, cơ chế đặc thù phát triển hơn nữa.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thì nói: “Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương đã chín muồi, là một nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội rất sâu sắc. Nếu Quốc hội quyết định việc này thì đây là sự kiện mang tính lịch sử trước kỷ nguyên “dân tộc vươn mình” mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói”.

Một số đặc điểm của Huế nếu là thành phố trực thuộc trung ương

+ Diện tích 4.947,11 km2, dân số 1.236.393 người

+ Thành phố sẽ có 2 quận là Phú Xuân, Thuận Hóa

+ Thành lập thị xã Phong Điền

+ Nhập huyện Nam Đông với huyện Phú Lộc để thành lập huyện Phú Lộc.

+ Thành lập 11 phường, 1 thị trấn và 1 xã trên cơ sở sắp xếp 21 đơn vị hành chính hiện hữu

Sau khi được nâng lên thành phố trực thuộc trung ương, Huế gồm: 2 quận, 3 thị xã, 4 huyện; 133 đơn vị hành chính cấp xã; tỷ lệ đô thị hóa 63,02%.

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/hue-se-ra-sao-neu-duoc-nang-len-thanh-pho-hue-truc-thuoc-trung-uong-post812325.html
Zalo