Đồng Nai, Bình Dương: Nước cuốn trôi người và phương tiện khi mưa lớn

Tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước những ngày qua có mưa lớn, nhiều điểm ngập sâu, nước chảy thành dòng khá xiết. Một số vụ nước cuốn trôi người và phương tiện đã xảy ra. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm.

Mưa cuốn trôi ô tô ở TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương

Mưa cuốn trôi ô tô ở TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương

Mới đây, trong cơn mưa lớn chiều 14-9 ở Bình Dương, bé trai bán vé số bị cuốn trôi vào cống thoát nước bên đường. May mắn bé được lực lượng chức năng và người dân cứu sống. Tối cùng ngày, một chiếc ô tô bán tải do nữ tài xế điều khiển khi qua đoạn nước ngập, chảy xiết trên đường Suối Sệp (phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An) cũng bị nước cuốn trôi.

Trước đó, cơn mưa khá lớn vào cuối tháng 8-2024 đã làm ngập nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Trong đó, đường NB16, NA3 nước ngập khoảng 1m, nhiều phương tiện, trong đó có 1 ô tô bị nước cuốn trôi, 2 ô tô bị ngập tới kính xe, tràn vào cabin; không ít người đi xe máy chung cảnh ngộ khi phương tiện chết máy, phải dắt bộ lảo đảo trong dòng nước xiết. Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, các vị trí thường xảy ra ngập sâu khi mưa lớn như một số đoạn trên quốc lộ 1, quốc lộ 1K, ngã ba Lò Rèn, xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch). Người dân cũng khá chật vật di chuyển trên đường, đối mặt rủi ro nguy hiểm khi mưa ngập thường xảy ra vào giờ tan tầm.

Anh Trần Minh Thành (43 tuổi, ngụ TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), cho biết: “Tôi làm việc ở TPHCM, khoảng cách từ nhà đến công ty chỉ khoảng 8km, thông thường đi khoảng 30 phút, nhưng vào ngày mưa lớn phải mất đến 2 giờ do phải băng qua các điểm ngập, hoặc phải chờ nước rút mới tiếp tục di chuyển. Cũng có những ngày tôi liều mình di chuyển, khi có ô tô lớn đi qua tạo thành sóng nước mạnh, xô ngã cả người và xe, rất nguy hiểm”.

Nguyên nhân khiến tình trạng nước ngập sâu, chảy xiết khi có mưa lớn ở các địa phương này là do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, người dân xây dựng các công trình, nhà cửa nhiều, khu vực thoát nước tự nhiên bị thu hẹp. Cùng đó, các công trình tiêu thoát nước trên địa bàn đã cũ, chưa được đầu tư đồng bộ. Rác thải sinh hoạt (nhất là rác thải nhựa, chất thải xây dựng) chưa được thu gom triệt để làm bít các cửa thu nước, cửa mương, hố ga...

Theo ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, hàng năm, sở đều có văn bản nhắc nhở UBND các huyện, thành phố triển khai sớm công tác nạo vét kênh, rạch tại các điểm thu nước để khơi thông dòng chảy, xử lý điểm ngập sâu tạo sóng mạnh khi các phương tiện di chuyển, giảm thiểu nguy cơ cuốn trôi phương tiện. Về nguồn vốn thực hiện các công trình thoát nước, lãnh đạo tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, có kế hoạch ưu tiên đầu tư. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh thi công các công trình hiện hữu đã được bố trí vốn như: công trình ngã 3 cống đường Thích Quảng Đức (TP Thủ Dầu Một), công trình thoát nước Suối Cái, từng bước đầu tư các đoạn còn lại của hệ thống thoát nước Suối Cát (giáp ranh TP Thuận An và TP Thủ Dầu Một)...

XUÂN TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dong-nai-binh-duong-nuoc-cuon-troi-nguoi-va-phuong-tien-khi-mua-lon-post761097.html
Zalo