Hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc phát triển đô thị thông minh
Nhiều kinh nghiệm và giải pháp phát triển đô thị thông minh đã được doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Hàn Quốc chia sẻ tại Hội nghị CICON 2025 diễn ra ngày 17/4.
Hội nghị hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc (CICON VIETNAM 2025) quy tụ hơn 300 lãnh đạo, doanh nhân, startup và chuyên gia đến từ Hàn Quốc và Việt Nam để cùng chia sẻ, kết nối trong các lĩnh vực như AI, blockchain, năng lượng tái tạo, đô thị bền vững, công nghiệp văn hóa… trở thành cầu nối hợp tác giữa hai nền kinh tế năng động của châu Á.

Toàn cành hội nghị
Kinh nghiệm phát triển đô thị bền vững của Hàn Quốc
Ông Park Bong Kyu - Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh CEO Hàn Quốc, người sáng lập CICON - khẳng định, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài số 1 tại Việt Nam. Hiện thương mại song phương đã tăng từ 500 triệu USD (năm 1992) lên hơn 86 tỷ USD (năm 2024), và dự kiến sẽ sớm vượt mốc 100 tỷ USD trong vòng hai đến ba năm tới.

Các đại biểu chia sẻ và thảo luận kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh, bền vững tại hội nghị
Chia sẻ tại hội nghị, Thị trưởng Thành phố tự quản đặc biệt Sejong, Hàn Quốc - ông Choi Min-ho cho biết, một trong những mô hình nổi bật nhất tại Hàn Quốc chính là thành phố tự quản đặc biệt Sejong - trung tâm hành chính mới của quốc gia này. Được hình thành từ năm 2012 để giải quyết tình trạng quá tải ở Seoul, Sejong giờ đây đã phát triển thần tốc từ dân số 100.000 lên 400.000 người và đang là tâm điểm thử nghiệm các công nghệ đô thị thông minh.
Điều đặc biệt ở Sejong là sự kết hợp giữa công nghệ cao và không gian xanh. Hơn 52% diện tích thành phố là mảng xanh, với 205 km đường mòn trong rừng, khu vườn trên mái lớn nhất thế giới và hệ thống hạ tầng sinh thái ba lớp. Khu thí điểm quốc gia về thành phố thông minh tại Sejong cũng đang được triển khai mạnh mẽ. Đây là nơi mô phỏng các kịch bản đô thị bằng công nghệ bản sao số để thử nghiệm chính sách. Đồng thời, Sejong đang hình thành chuỗi công nghiệp xoay quanh AI, dữ liệu lớn, và an ninh mạng.
Khác với Sejong - một thành phố mới, Hanam là hình mẫu về chuyển đổi và thích ứng. Với tốc độ tăng trưởng dân số từ 150.000 (năm 2014) lên 330.000 người (năm 2025), Hanam cũng đối mặt với nhiều thách thức thiếu kết nối với người dân, đời sống còn nhiều điểm chưa đồng bộ.
Tuy nhiên, chính quyền Hanam đã tạo đột phá bằng việc mở rộng giao tiếp với cư dân Văn phòng Thị trưởng mở và Văn phòng Thị trưởng di động hai tuần một lần để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao tiếp tại hiện trường. Ngoài ra, Hanam đã thiết lập một hệ thống giao tiếp cho phép chúng tôi lắng nghe tiếng nói của công dân bất cứ lúc nào thông qua dịch vụ dân sự một cửa và cuộc họp tham gia của công dân jàng tuần có sẵn 365 ngày một năm.
Song song đó là nỗ lực phát triển hạ tầng sống. Theo Thị trưởng Thành phố Hanam Lee Hyun-jae, Hanam tập trung phát triển các tuyến đường đi bộ chân trần. Đồng thời, Hanam tự hào có sự thuận tiện giao thông tuyệt vời với năm tuyến đường sắt và sáu tuyến đường cao tốc. Đây là nền tảng để thúc đẩy các dự án phát triển quy mô lớn.
Cơ hội hợp tác, học tập kinh nghiệm cho kỹ sư Việt Nam
Cũng chia sẻ tại hội nghị, ông Lee Hyeon-jae - Thị trưởng thành phố Hanam gợi ý Hà Nội có thể áp dụng AI để điều phối giao thông - một trong những vấn đề nan giải của đô thị lớn.
Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng rào cản lớn nhất chính là thể chế và pháp lý. “Hàn Quốc đã có những cải cách sâu rộng về pháp lý để mở đường cho công nghệ mới. Việt Nam cũng có thể học hỏi điều đó, đồng thời chủ động thu hút các dự án đầu tư nước ngoài để thúc đẩy chuyển giao công nghệ,” ông Lee chia sẻ.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng nhận định, qua những mô hình như Sejong hay Hanam, bài học rõ ràng nhất là phát triển đô thị thông minh không thể chỉ dừng ở hạ tầng hay công nghệ. Đó là quá trình đặt con người làm trung tâm, gắn công nghệ với văn hóa, sinh thái và sự tham gia của cộng đồng.
Đối với Việt Nam, theo các chuyên gia, trong quá trình quy hoạch đô thị, việc tận dụng hợp tác quốc tế, đặc biệt là từ các đối tác như Hàn Quốc, đồng thời đầu tư nâng cao năng lực kỹ sư, kỹ trị đô thị và công nghệ nền tảng hết sức quan trọng.

Ông Trần Đình Tùng - Chủ tịch Hội kỹ sư xây dựng Việt Nam (VSCE) chia sẻ tại hội nghị
Ông Trần Đinh Tùng - Chủ tịch Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam (VSCE) cho biết, dù nhiều kỹ sư trẻ vẫn chưa tiếp cận đầy đủ tiêu chuẩn quốc tế và công nghệ tiên tiến, khoảng cách về kỹ năng quản lý dự án, giao tiếp và hợp tác quốc tế vẫn còn hạn chế. Ông Tùng cũng nhận định, đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước học tập kinh nghiệm để đổi mới. Với sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, trường đại học và đối tác quốc tế, VSCE tin rằng kỹ sư Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên dẫn đầu khu vực và thế giới.
Nhấn mạnh hạ tầng là xương sống của mọi quốc gia, và kỹ sư là những người đặt nền móng cho sự thịnh vượng ấy. Với khung năng lực chuẩn hóa, hợp tác quốc tế sâu rộng và các sự kiện kết nối doanh nghiệp, theo ông Trần Đinh Tùng, VSCE cam kết nâng tầm kỹ sư Việt Nam, đưa ngành xây dựng vươn xa thông qua việc hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng thực tiễn cho kỹ sư và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, xây dựng hệ thống dữ liệu kỹ sư Việt Nam, giúp kết nối với các doanh nghiệp quốc tế, tăng cơ hội nghề nghiệp.