Hợp tác công - tư trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản

PGS.TS Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, hợp tác công - tư trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản được hiểu một cách căn bản là sự bắt tay đồng thuận của Nhà nước và doanh nghiệp để cùng nhau bảo vệ, đánh thức tiềm năng, thế mạnh của di sản.

Hội thi diều làng Bá Dương Nội (huyện Đan Phượng, Hà Nội) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Khánh Huy

Hội thi diều làng Bá Dương Nội (huyện Đan Phượng, Hà Nội) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Khánh Huy

Điều 4 - Nguyên tắc thành lập, tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa trong Dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa (thực hiện khoản 7 Điều 21 Luật Thủ đô) có nội dung: kết hợp nguồn lực Nhà nước và tư nhân để đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và sản phẩm văn hóa; kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; đầu tư cho phát triển công nghiệp văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững; hiệu quả đầu tư được tính toán hài hòa, dài hạn trên tổng thể lợi ích của nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và lợi ích của toàn xã hội.

PGS.TS Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, công nghiệp văn hóa là sự sáng tạo, quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa, dịch vụ thuộc về văn hóa. Có nghĩa là từ những giá trị văn hóa vốn có tạo ra các sản phẩm văn hóa. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một giải pháp phù hợp, đúng đắn nhất để vừa có thể bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nguồn lực (cả nhân lực và tài lực), vừa sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa mới để làm phong phú hơn nền văn hóa vốn có. Trong hoạt động này, vốn văn hóa - nguyên liệu chính để xây dựng, sáng tạo nên những sản phẩm của ngành công nghiệp sẽ không dần cạn kiệt như các loại nguyên liệu khác mà ngược lại, nó sẽ ngày càng đa dạng và phong phú hơn.

Theo PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, nếu chỉ sử dụng ngân sách Nhà nước, các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa sẽ kéo dài thời gian và khó có thể có nhiều dự án lớn, trong khi nhu cầu xã hội ngày một cao (cả về lượng và chất). Cho dù công trình đã hoàn thành nhưng việc quản lý, vận hành, duy trì vẫn đòi hỏi một nguồn lực không nhỏ về cả nhân lực và tài lực. Trong khi đó, nếu có sự đầu tư của nhà đầu tư tư nhân, của xã hội vào các dự án, công trình công trong lĩnh vực văn hóa, thể thao thì việc đầu tư sẽ nhanh chóng hơn, triệt để hơn và có thể thực hiện được nhiều dự án hơn do có thêm nguồn kinh phí, việc vận hành, duy trì cũng sẽ đạt được kết quả tốt hơn. Và kết quả là cả Nhà nước, tư nhân và người dân đều có lợi.

Trong lĩnh vực văn hóa, hợp tác công - tư trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể là khó khăn, phức tạp nhất bởi phải đảm bảo tính nguyên gốc, toàn vẹn, an toàn của bản thân di sản và không gian cảnh quan xung quanh trong khi phải có các hình thức phát huy giá trị di sản hiệu quả mới có thể thu hút được tư nhân đầu tư. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mô hình hợp tác công - tư đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, triển khai và đem lại hiệu quả.

“Hợp tác công - tư trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản được hiểu một cách căn bản là sự bắt tay đồng thuận của Nhà nước và doanh nghiệp để cùng nhau bảo vệ, đánh thức tiềm năng, thế mạnh của di sản, chứ không chỉ đơn thuần là huy động nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực, nguồn lực văn hóa, xã hội, tài nguyên tự nhiên, kinh nghiệm quản trị mà cao hơn là cùng nhau xây dựng chiến lược phát huy di sản gắn với bảo tồn một cách bền vững. Hoạt động này đặt bảo tồn di sản là trung tâm, người dân trong khu du sản là chủ thể, các doanh nghiệp là động lực để biến các giá trị thành giá cả, để di sản trở thành tài sản, hướng tới cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, có khả năng thích ứng. Người dân, doanh nghiệp vừa có trách nhiệm, vừa có quyền lợi rõ ràng, được hưởng lợi từ di sản, từ đó cộng đồng sẽ ý thức hơn về những gì mà tổ tiên, cha ông trao truyền lại cho các thế hệ mai sau”, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Cũng theo PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, bằng mô hình hợp tác công - tư, Hà Nội có khả năng thu hút các nguồn lực, năng lực sáng tạo, chủ động của khu vực tư nhân, sự tham gia của các cộng đồng dân cư trong tạo lập, cải thiện kinh tế gắn với bảo tồn các giá trị di sản. Lợi thế của mô hình này là thúc đẩy sự sáng tạo, nâng cao ý thức tránh nhiệm và lợi ích gắn bó của các bên, cải thiện trách nhiệm giải trình, sự minh bạch giải quyết vấn đề quản lý, khai thác kém hiệu quả, giúp phát triển du lịch di sản theo hướng bền vững. “Với di sản văn hóa, hợp tác công - tư tưởng như khó thực hiện nhất nhưng vẫn có thể thực hiện thì với các lĩnh vực khác của văn hóa, hoạt động này hoàn toàn có thể thực hiện”, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương khẳng định.

Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Khánh Huy

Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Khánh Huy

Ngày 29/4/2025, tại Kỳ họp chuyên đề (Kỳ họp thứ 22), HĐND TP Hà Nội đã nhất trí thông qua Nghị quyết Ban hành Danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị trên địa bàn TP Hà Nội (thực hiện khoản 3, khoản 4 Điều 21 của Luật Thủ đô 2024).

Theo nghị quyết, Danh mục Di sản văn hóa vật thể gồm: danh mục di tích tiêu biểu do UBND TP Hà Nội quản lý, gồm 10 di tích; danh mục di tích được công nhận di tích Quốc gia đặc biệt, gồm: 22 di tích; danh mục các di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia, gồm: 1.164 di tích.

Danh mục các di tích đã được xếp hạng cấp TP, gồm: 1.600 di tích; danh mục di tích cách mạng kháng chiến đã được xếp hạng, gồm: 46 di tích; danh mục địa điểm gắn biển lưu liệm sự kiện cách mạng kháng chiến, gồm: 354 điểm; danh mục bảo vật Quốc gia đã được công nhận, gồm: 34 bảo vật; danh mục làng cổ, gồm 1 làng cổ.

Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể: danh mục di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh gồm 6 di sản; danh mục di sản văn hóa được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: 42 di sản; danh mục làng nghề, làng nghề truyền thống và nghề truyền thống tiêu biểu Hà Nội, gồm 182 làng nghề, 54 làng nghề truyền thống, 7 nghề truyền thống.

Nghị quyết cũng ban hành Danh mục các ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, trong đó các tuyến phố trong Khu phố cổ Hà Nội thuộc phạm vi bảo vệ, tôn tạo cấp I, gồm: 21 tuyến phố; các tuyến phố trong Khu phố cổ Hà Nội thuộc phạm vi bảo vệ, tôn tạo cấp II, gồm: 40 tuyến phố.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/hop-tac-cong-tu-trong-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-419639.html
Zalo