Họp Hội đồng tư vấn tuyển chọn Đề tài 'Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi cấy mô dừa sáp tại tỉnh Trà Vinh'
Chiều ngày 18/01, Thạc sĩ Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Trà Vinh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn chủ trì cuộc họp Hội đồng tư vấn tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh đối với đề tài 'Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi cấy mô dừa sáp tại tỉnh Trà Vinh'.
Tham dự cuộc họp có PGS.TS Lâm Thái Hùng, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn và các thành viên.
Đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi cấy mô dừa sáp tại tỉnh Trà Vinh” do Trường Đại học Trà Vinh thực hiện; Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trai làm chủ nhiệm đề tài. Mục tiêu nghiên cứu nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất giống dừa sáp bằng phương pháp nuôi cấy mô, tạo giống dừa sáp cấy mô đạt chất lượng với giá thành thấp nhất tại tỉnh Trà Vinh.
Tính cấp thiết của đề tài là trên thế giới có 02 loại dừa: dừa cao và dừa lùn. Dừa Sáp là dạng đột biến tự nhiên từ giống dừa cao có kiểu gen là MM. Dừa sáp: cơm dừa mềm, dẻo, tại Việt Nam, tập trung nhiều nhất ở huyện Cầu Kè. Trong quần thể tự nhiên, quả trên cây dừa sáp tồn tại 3 kiểu gen: MM, Mm và mm. Tính trạng sáp là do một cặp gen lặn (mm) quy định. Quả sáp mang cặp gen lặn (mm), không có khả năng nẩy mầm trong điều kiện tự nhiên.
Gần 20 năm nay (2005 - 2024) diện tích dừa sáp của Trà Vinh tăng nhanh từ 43ha năm 2005, lên 170ha năm 2017 và đạt 1.278ha (tương đương khoảng 250.000 cây dừa) năm 2024, tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 19,54% tương đương mỗi năm trồng mới khoảng 65ha. Sản lượng tăng nhanh từ 118.788 trái dừa sáp năm 2005 lên gần 3,2 triệu trái năm 2024, bình quân mỗi năm tăng 18,86% (tương đương tăng khoảng 160.300 trái/năm), trong đó dừa sáp loại I chiếm khoảng 55%, còn lại loại 2 và loại 3.
Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu thuộc các nhà khoa học Trường Đại học Trà Vinh phối hợp với các chuyên gia Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp) đã triển khai đề tài “Nghiên cứu nhân giống dừa bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào và kỹ thuật thâm canh dừa trồng giống nuôi cấy mô” thuộc Dự án KH-CN trọng điểm cấp Bộ, thời gian thực hiện đề tài từ 2017 - 2022.
Đề tài “Nghiên cứu chọn tạo và nhân giống dừa có năng suất, chất lượng cao phục vụ phát triển bền vững cây dừa cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long” được thực hiện từ 2019 - 2024 bởi nhóm các nhà khoa học Trường Đại học quốc tế - Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên kết quả nghiên cứu chưa được công bố chi tiết trên các tạp chí khoa học.
Từ năm 2010 đến nay, đã nghiên cứu cấy phôi dừa sáp, thương mại hóa khoảng 5.000 cây giống/năm. Đến năm 2017, nhóm bắt đầu nghiên cứu nuôi cấy mô dừa sáp, dừa dứa. Năm 2022, nhóm đã nghiên cứu được quy trình nuôi cấy mô; đăng ký sở hữu trí tuệ về quy trình nuôi cấy phôi dừa sáp. Hiện nay, nhóm tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi cấy mô dừa sáp.
Tại cuộc họp, các thành viên tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất cần điều chỉnh, bổ sung phù hợp, nhất là bố trí sử dụng kinh phí thực hiện đề tài; xác định rõ nguồn vật liệu phù hợp tạo callus; môi trường và chất điều hòa sinh trưởng phù hợp nhân callus tạo tế bào tiền phôi; môi trường và chất điều hòa sinh trưởng phù hợp tạo tế bào tiền phôi và tái sinh cây con từ phôi vô tính; xác định giá thể phù hợp nâng cao tỷ lệ sống cây con; xây dựng được quy trình nuôi cấy mô dừa sáp với hệ số nhân đạt ít nhất 1:30…
Phát biểu tại cuộc họp, Thạc sĩ Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở KH-CN cho biết: qua kết quả đánh giá của Hội đồng tư vấn, điểm trung bình đề tài đạt 77,43 điểm. Theo đó, đơn vị thực hiện khẩn trương điều chỉnh, hoàn thiện hồ sơ gửi về Phòng Quản lý khoa học của Sở KH-CN tuần cuối tháng 01/2025 để lấy ý kiến phản biện của các thành viên Hội đồng tư vấn, sau đó gửi về Sở KH-CN trong tháng 02/2025 để Hội đồng tư vấn thẩm định thực hiện.
Đơn vị thực hiện đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, trong đó chú ý điều chỉnh, bổ sung các nội dung thực hiện đề tài phải bám sát mục tiêu, trong nội dung nghiên cứu cần xác định cây mẹ dừa sáp đầu vòng để tạo ra thế hệ cây mô tốt hơn; đồng thời làm rõ diện tích dừa sáp cấy phôi và diện tích cấy mô để đánh giá năng suất và chất lượng…