Giữa 'đại dịch thông tin', việc dừng kiểm duyệt nội dung của Meta rất nguy hiểm

Các chuyên gia kiểm tra thực tế đến từ Brazil, Nigeria, Ukraine và Philippines đã chia sẻ những mối lo lắng khi Meta (công ty mẹ của Facebook và Instagram) ngừng hỗ trợ chương trình kiểm duyệt nội dung.

Nhiều tổ chức mất nguồn tài chính để xác minh thông tin

Việc Meta dừng kiểm duyệt nội dung và cắt giảm tài trợ cho công việc này đã đặt nhiều tổ chức trên thế giới vào tình thế khó khăn. Những tổ chức này vốn phụ thuộc rất lớn vào nguồn tài chính từ Meta. Mặc dù chưa có tổ chức nào công bố sẽ phải đóng cửa, nhưng việc mất đi một nguồn tài trợ lớn như vậy chắc chắn sẽ gây ra nhiều thách thức và buộc họ phải tìm kiếm các nguồn tài trợ thay thế.

Dù các thỏa thuận bảo mật với Meta, song một số tổ chức đã tiết lộ rằng nguồn tài trợ từ Meta chỉ chiếm khoảng 20-30% ngân sách, thấp hơn con số 50% mà nhiều người dự đoán. Điều này cho thấy các tổ chức đã có những nỗ lực để đa dạng hóa nguồn thu, giảm thiểu sự phụ thuộc vào một nguồn tài trợ duy nhất.

 Việc Meta ngừng hỗ trợ chương trình kiểm tra thực tế nếu xảy ra, một số tổ chức tin tức sẽ phải cắt giảm nhân sự. (Ảnh minh họa)

Việc Meta ngừng hỗ trợ chương trình kiểm tra thực tế nếu xảy ra, một số tổ chức tin tức sẽ phải cắt giảm nhân sự. (Ảnh minh họa)

Kemi Busari, biên tập viên của Dubawa, một tổ chức kiểm tra thực tế của Nigeria đã hợp tác với Meta từ năm 2019, cho biết nếu Meta ngừng hỗ trợ chương trình kiểm tra thực tế ở Nigeria, Dubawa sẽ buộc phải cắt giảm nhân sự, dẫn đến việc giảm đáng kể khả năng xác minh thông tin sai lệch.

Nhưng nếu họ có một năm để chuẩn bị trước, Busari nghĩ rằng họ sẽ có thể tìm ra các nguồn doanh thu khác: "Chúng tôi đang xem đây như một cơ hội để đổi mới và tìm kiếm những mô hình hoạt động bền vững hơn. Chúng tôi hiểu rằng kiểm tra thực tế là một hoạt động vì cộng đồng, không phải chỉ đơn thuần là kinh doanh. Với tư duy này, chúng tôi sẽ tìm ra những cách thức mới để tiếp tục công việc của mình".

Tai Nalon là Giám đốc điều hành của Aos Fatos, một tổ chức kiểm tra thực tế tại Brazil đã hợp tác với Meta từ năm 2018. Ngoài các khoản tài trợ, họ đã đa dạng hóa nguồn tài chính của mình thông qua việc cấp phép nội dung báo chí, đăng ký thành viên, bán công nghệ và dịch vụ tình báo. Tuy nhiên, Nalon cho biết sự hỗ trợ của Meta rất cần thiết cho công việc báo chí của họ.

“Quan hệ đối tác của chúng tôi với Meta đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Aos Fatos trở thành một tổ chức báo chí hàng đầu tại Brazil và trên khắp lục địa”, bà cho biết. “Trong một thời gian dài, Meta đã chia sẻ các công cụ để theo dõi các xu hướng hỗ trợ các cuộc điều tra báo chí của chúng tôi, chẳng hạn như API Crowdtangle công khai. Việc theo dõi các cuộc tấn công ở Brasília vào ngày 8/1/2023 sẽ không thể thực hiện được nếu không có một chiến lược mạnh mẽ để chống lại thông tin sai lệch thông qua kiểm tra thực tế và điều tra”.

Nátalia Leal, Tổng giám đốc điều hành của tổ chức kiểm tra thông tin Agência Lupa của Brazil cho biết, quan hệ đối tác của họ với Meta đã cho phép họ phát triển như một công ty và mở rộng đối tượng mục tiêu bằng cách tiếp cận những người dùng mà trước đây họ không thể tiếp cận. Nguồn doanh thu của họ bao gồm từ việc bán nội dung cho các cơ quan báo chí khác đến việc cung cấp hội thảo và đào tạo.

“Chúng tôi sẽ cần nhiều người ủng hộ công việc của mình hơn nữa,” Leal nói. “Không chỉ là tiền bạc. Đó là nhận thức về tầm quan trọng của báo chí và kiểm tra thực tế.”

Mối đe dọa chất lượng thông tin toàn cầu

Những người kiểm tra thực tế cho biết, tác động quan trọng nhất từ quyết định của Meta sẽ được thể hiện trong hệ sinh thái thông tin, đặc biệt là ở nhiều quốc gia ở Nam Bán cầu.

Facebook và Instagram vẫn là nguồn tin tức chính ở nhiều quốc gia đó. Vì vậy, việc xóa kiểm tra thực tế khỏi nguồn cấp tin tức có thể khiến lượng thông tin sai lệch mà người dùng nhìn thấy tăng lên.

Một trong những quốc gia đó là Philippines, nơi 61% người dùng lấy tin tức từ Facebook, theo Báo cáo Tin tức Kỹ thuật số năm 2024 của Viện Reuters.

 Các quy tắc lỏng lẻo có thể biến mạng xã hội sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tin giả và thông tin sai lệch. (Ảnh minh họa)

Các quy tắc lỏng lẻo có thể biến mạng xã hội sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tin giả và thông tin sai lệch. (Ảnh minh họa)

Celine Samson là người đứng đầu nhóm xác minh trực tuyến tại VERA Files, một tổ chức kiểm tra thông tin của Philippines đã hợp tác với Meta kể từ năm 2018 cho biết: “Facebook vẫn là vua ở đây”.

“Bất chấp sự trỗi dậy của các nền tảng khác, Facebook vẫn tiếp tục là nền tảng truyền thông xã hội được sử dụng nhiều nhất. Đây là nơi người Philippines bản địa và cộng đồng người Philippines di cư đông đảo của chúng tôi nhận được tin tức. Nếu chương trình bị xóa, chúng tôi lo ngại về chất lượng thông tin mà họ sẽ nhận được”, Samson nói.

Yevhen Fedchenko, đồng sáng lập và biên tập viên chính của StopFake.org - tổ chức kiểm tra thông tin hàng đầu của Ukraine, đã chia sẻ rằng, Meta là công ty công nghệ đầu tiên chủ động liên hệ để tìm cách hỗ trợ họ trong cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch trong cuộc chiến.

Đối với cuộc tổng tuyển cử Nigeria năm 2023, tổ chức kiểm tra thực tế Dubawa của Busari đã nghiên cứu các loại thông tin sai lệch khác nhau đang lưu hành trên các nền tảng truyền thông xã hội bằng cách lấy dữ liệu từ các báo cáo kiểm tra thực tế đã công bố từ ba cơ quan kiểm tra thực tế của châu Phi. Họ phát hiện ra rằng Facebook là nền tảng mà thông tin sai lệch phổ biến nhất.

Nalon từ Aos Fatos của Brazil chỉ ra rằng việc nới lỏng các quy định về ngôn từ kích động thù địch đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự lan tràn của thông tin sai lệch. Bà cho rằng, việc kiểm tra thực tế giúp nhận diện những thuyết âm mưu do các nhóm thù địch tung ra.

Nếu thiếu các chương trình kiểm tra thông tin sẽ khó phân biệt thông tin chất lượng cao, được xác minh chuyên nghiệp với các loại nội dung khác trên phương tiện truyền thông xã hội. Niềm tin sẽ bị suy yếu.

Nalon chia sẻ: “Các quy tắc lỏng lẻo có thể biến mạng xã hội sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tin giả và thông tin sai lệch”.

Phan Anh (theo Meta, Reuters, Dubawa)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giua-dai-dich-thong-tin-viec-dung-kiem-duyet-noi-dung-cua-meta-rat-nguy-hiem-post330915.html
Zalo