Chiến đấu cơ F-111 Aardvark có gì đặc biệt mà được coi là 'kỳ quan công nghệ'?

'Lợn đất' F-111 sở hữu những công nghệ đã trở thành tính năng tiêu chuẩn của nhiều máy bay quân sự ngày nay. Vì vậy mà F-111 Aardvark được đánh giá là 'kỳ quan công nghệ'.

Trong khi hầu hết các máy bay quân sự Mỹ được đặt tên mang hàm ý về sức mạnh, sự dũng mãnh, tính chiến đấu, hoặc khả năng vượt trội (ví dụ: Lightning – Tia chớp, Raptor – chim săn mồi, Poseidon – Thần biển, Thunderchief – Thần sấm…) thì một số chiếc lại được đặt tên đơn giản nhưng phù hợp và một trong số đó là F-111 Aardvark (Lợn đất). Cái tên này có thể không gợi lên sự cao quý hay năng lực vượt trội, nhưng lại rất phù hợp vì phần mũi kéo dài của F-111, trông giống với loài thú ăn kiến (Aardvark) khiêm tốn.

Aardvark là một loài động vật đào hang ở châu Phi, chúng thực sự rất khỏe mạnh và bền bỉ. Đây là loài duy nhất còn sót lại của họ Orycteropodidae và hiện nay sinh sống ở nhiều vùng thuộc châu Phi, hạ Sahara. Vậy nên, cái tên Aardvark không hề là sự xúc phạm đối với F-111 như người ta có thể nghĩ. Và giống như loài động vật này, F-111 Aardvark sở hữu những đặc điểm đáng ngưỡng mộ với sức bền bỉ vượt trội. Nó thậm chí còn được coi là "kỳ quan công nghệ".

Những thiết kế đi trước thời đại

F-111 Aardvark là một máy bay phản lực siêu thanh, tầm trung, đa chức năng, đã phục vụ trong Không quân Mỹ (USAF) 3 thập kỷ và Không quân Hoàng gia Australia tới hơn 40 năm.

F-111 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử hàng không. Tại sao? Vì chiếc F-111 được trang bị hàng loạt công nghệ mới, đáng chú ý nhất là cánh quét. Cánh quét đúng như tên gọi của nó, một loại cánh có thể di chuyển ra vào trên khớp nối với thân máy bay.

Ưu điểm của cánh quét là máy bay có thể thay đổi hình dạng và đặc tính bay ngay trong chuyến bay. Khi cần tăng lực nâng hoặc lực cản, cánh có thể mở rộng để tăng độ ổn định và lực nâng. Ngược lại, nếu cần giảm lực cản, chẳng hạn khi bay với tốc độ cao, cánh có thể thu gọn sát vào thân máy bay. Cánh quét của F-111 có thể điều chỉnh từ góc 16 đến 72,5 độ.

Mặc dù F-111 là máy bay đầu tiên sở hữu công nghệ cánh quét, nhưng công nghệ này lại được liên hệ nhiều hơn với F-14 Tomcat. Lý do là nhờ Tony Scott, Tom Cruise và sự nổi bật của F-14 trong bộ phim ăn khách năm 1986, Top Gun.

Cánh quét không trở thành cấu hình mặc định cho máy bay quân sự, nhưng công nghệ này đã được tích hợp vào một số máy bay nổi tiếng, bao gồm B-1 Lancer, Panavia Tornado, Tu-22M và MiG-23.

Không chỉ cánh quét, F-111 còn giới thiệu các công nghệ khác như: động cơ turbofan tích hợp buồng đốt sau, hệ thống dẫn đường bám theo địa hình và một khoang thoát hiểm cho phép hai thành viên phi hành đoàn phóng ra cùng lúc. Trong khi các buồng đốt sau và hệ thống dẫn đường bám theo địa hình đã trở thành tiêu chuẩn cho máy bay quân sự, thì hầu hết các máy bay ngày nay vẫn sử dụng ghế thoát hiểm riêng lẻ thay vì khoang thoát hiểm.

Một điều đặc biệt nữa giúp F-111 trở nên đặc biệt chính là có hai động cơ TF30 công suất cao nhưng lại tiết kiệm nhiên liệu. Thân máy bay có tải trọng lớn, có thể mang theo 14 tấn bom và đủ nhiên liệu để có thể bay một quãng đường 4.000km và nếu được lắp thêm bình nhiên liệu phụ nó có thể bay thêm 1.600 km nữa.

"Lợn đất" F-111 ra đời thế nào?

Vào đầu những năm 1960, Không quân Mỹ nhận ra rằng các loại tên lửa đất đối không được dẫn đường bởi radar như tên lửa SA-2 của Liên Xô có thể bắn trúng các máy bay ném bom tầm cao nhưng chậm chạp. Vì vậy, ý tưởng về một máy bay ném bom có thể đạt tốc độ siêu thanh bay thấp, tránh tầm hoạt động của radar đã xuất hiện.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ thời đó là ông Robert McNamara quyết định rằng Không quân và Hải quân Mỹ sẽ chỉ cần một loại máy bay có thể đáp ứng những nhu cầu trên, và cả hai buộc phải hợp tác với nhau để khởi động chương trình phát triển phi cơ mới.

Năm 1962, hãng General Dynamics đã giành được thầu và khi bản thiết kế đầu tiên công bố, máy bay đã được gán ký hiệu "F". Tháng 3/1968, F-111 được ra mắt. Tuy nhiên, lô máy bay đầu tiên gặp vấn đề nghiêm trọng: thanh van điều khiển thủy lực của bộ ổn định ngang bị lỗi, đôi khi khiến F-111 bị ngóc đầu nguy hiểm. Ba chiếc máy bay đã bị mất chỉ trong vài tháng đầu giao hàng. Đội bay bị đình chỉ hoạt động trong 3 năm để điều tra và sửa chữa vấn đề.

Chiếc Aardvark đã từng phục vụ trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc vào đầu năm 1991. Máy bay này đã thể hiện xuất sắc khi tỉ lệ nhiệm vụ thành công đạt mức cao, cao nhất trong số các máy bay tấn công được sử dụng trong các cuộc xung đột. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau đó, F-111 đã được rút khỏi biên chế.

Thế Hải (Theo National Interest)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chien-dau-co-f-111-aardvark-co-gi-dac-biet-ma-duoc-coi-la-ky-quan-cong-nghe-204250118160150948.htm
Zalo