Họp Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân, Trưởng Ban Chỉ đạo của tỉnh về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì phiên họp lần thứ 2.

Phiên họp diễn ra vào chiều 28/5. Dự phiên họp có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang; Phó Bí thư Tỉnh ủy Đinh Thị Hồng Minh và các thành viên Ban Chỉ đạo.

Tại phiên họp, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo đã thông qua dự thảo báo cáo của Ban Chỉ đạo về kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết số 57-NQ/TW và Chỉ thị số 07/CT-TTg trong thời gian qua, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian đến; Báo cáo kết quả triển khai Đề án chuyển đổi số trong các cơ quan, tổ chức đảng tỉnh trong thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến.

Theo báo cáo tại phiên họp, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (gọi tắt là Nghị quyết số 57-NQ/TW) đã đạt một số kết quả tích cực. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được tăng cường. Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; ban hành Quy chế làm việc và phân công rõ nhiệm vụ. UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều kế hoạch hành động quan trọng liên quan đến chuyển đổi số, cải cách hành chính, triển khai Nghị quyết 03/NQ-CP của Chính phủ và Chiến lược dữ liệu quốc gia.

 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy thảo luận tại phiên họp.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy thảo luận tại phiên họp.

Công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết 57-NQ/TW được tổ chức với hơn 13 nghìn đại biểu tham dự tại 220 điểm cầu, góp phần nâng cao nhận thức và quyết tâm chính trị trong toàn hệ thống. Toàn tỉnh đã đầu tư, khai thác gần 60 ứng dụng, cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin; trong đó, có 20 hệ thống được kết nối, khai thác dữ liệu quốc gia, CSDL Bộ, ngành. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 97%. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai tại 1.523 cơ quan, đơn vị, với tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử và ký số cao.

Tỉnh đã rà soát, tham mưu triển khai hiệu quả Nghị quyết số 193/2025/QH15 và Nghị định 88/2025/NĐ-CP về cơ chế đặc thù thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong lĩnh vực an toàn thông tin, nền tảng điều phối xử lý sự cố irlab.vn, hệ thống giám sát an toàn mạng (SOC) và hệ thống phòng chống mã độc tập trung đã phát hiện, xử lý hàng nghìn cảnh báo. 100% cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước đã được gắn nhãn tín nhiệm mạng.

 Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang thảo luận tại phiên họp.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang thảo luận tại phiên họp.

Nguồn nhân lực chuyển đổi số được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch thực hiện Phong trào “Bình dân học vụ số” để triển khai sâu rộng Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh nhằm phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 6.900 doanh nghiệp, trong đó hơn 2.700 doanh nghiệp công nghệ số. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt hơn 81%. Các hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ mới như AI, IoT, Big Data… được đẩy mạnh.

Về kết quả triển khai Đề án chuyển đổi số trong các cơ quan, tổ chức đảng tỉnh trong thời gian qua đạt kết quả tích cực. Công tác chuyển đổi số đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, tỉnh đã ban hành hàng loạt văn bản quan trọng như Kế hoạch số 362-KH/TU về chuyển đổi số giai đoạn 2025 - 2030, cùng các quy chế về bảo đảm an toàn thông tin, quản lý dữ liệu và hồ sơ điện tử.

Tỉnh ủy đã số hóa hơn 800 nghìn trang tài liệu lưu trữ lịch sử, hơn 60 nghìn hồ sơ đảng viên và trên 1.000 hồ sơ cán bộ công chức, góp phần hiện đại hóa công tác lưu trữ và quản lý dữ liệu đảng viên. Trên 98% văn bản đi - đến được xử lý, phát hành trên môi trường mạng; hơn 90% sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ. Cùng với đó, các nền tảng và ứng dụng số được đồng bộ triển khai, như phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử, hệ thống hội nghị trực tuyến, phần mềm theo dõi Đại hội và các hệ thống chuyên ngành trong công tác kiểm tra, giám sát.

Cơ sở hạ tầng số cũng được chú trọng đầu tư với việc mở rộng mạng thông tin diện rộng của Đảng đến cấp xã, xây dựng trục liên thông văn bản nội bộ và nâng cấp Trung tâm dữ liệu dùng chung. Văn phòng Tỉnh ủy đang tiến hành thủ tục đầu tư bổ sung thiết bị và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.

Phát biểu kết luận phiên họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân, Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng, trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng liên quan đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những điểm dừng, điểm trễ cần rút kinh nghiệm. Vì vậy, nhiệm vụ trong thời gian tới đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa từ tất cả các cấp, các ngành.

 Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu kết luận phiên họp

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu kết luận phiên họp

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Trung ương như Nghị quyết 57, Chỉ thị 07, cũng như kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Việc này cần gắn với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Triển khai mạnh mẽ phong trào "bình dân học vụ số", nhằm lan tỏa nhận thức chuyển đổi số đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các cơ quan, đơn vị cần có kế hoạch cụ thể, đánh giá định kỳ hàng quý để bảo đảm tiến độ và hiệu quả thực hiện.

Về phía UBND tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu câu cần chỉ đạo rà soát toàn bộ nhiệm vụ Trung ương giao, xây dựng kế hoạch hành động tập trung đầu tư vào các nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là số hóa cơ sở dữ liệu, hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai toàn tỉnh vào cuối năm 2026, để liên thông với hệ thống quốc gia, phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời, cần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong doanh nghiệp; đảm bảo hạ tầng an toàn thông tin, kết nối liên thông thông suốt từ tỉnh đến xã, đặc biệt với các đơn vị hành chính cấp xã mới.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân, Trưởng Ban Chỉ đạo cũng đề nghị các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục tham mưu hiệu quả để chỉ đạo triển khai sâu sát các nội dung liên quan đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Tin, ảnh: ĐÌNH NHẤT

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/hop-ban-chi-dao-ve-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-53099.htm
Zalo