Họp Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
Chiều 12/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (BCĐ Trung ương) chủ trì họp Phiên thứ hai của BCĐ Trung ương để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến 4 cấp, từ đầu cầu trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới hơn 8.600 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc.
Tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí: Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh (BCĐ tỉnh) ; Lê Văn Lương – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó BCĐ tỉnh; các đồng chí thành viên BCĐ tỉnh.
Hiện BCĐ Trung ương được kiện toàn, 57/63 địa phương đã quyết định thành lập, kiện toàn BCĐ cấp tỉnh. Có 6/63 địa phương là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu không thành lập BCĐ do địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát. Có 444 huyện đã thành lập BCĐ cấp huyện; 6.054 xã đã thành lập BCĐ cấp xã. Các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ.
Đến nay, 20 tỉnh, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát sớm hơn yêu cầu, trước và trong quý 3/2025; có 13 địa phương đã ban hành quyết định phê duyệt nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Theo kết quả cập nhật của 27 địa phương trên phần mềm báo cáo, tính đến ngày 6/1/2025 đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 76.364 căn, trong đó: 42.179 căn nhà đã khánh thành và khởi công mới 34.185 căn nhà.
Thông qua Chương trình phát động, đến nay có 12 địa phương nhận được hỗ trợ từ 12 đơn vị với tổng kinh phí 1.370 tỷ đồng. Tính đến ngày 2/1/2025, Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương đã tiếp nhận trên 72 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Năm 2025, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với phương châm chỉ bàn làm, không bàn lùi, địa phương chủ động triển khai và chịu trách nhiệm chính về kết quả xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương…
Tại phiên họp, các bộ, ngành, địa phương báo cáo kết quả tình hình thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát; nêu lên những cách làm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện; đồng thời nêu lên một số nhiệm vụ trong thời gian tới nhằm hoàn thành các mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ đã đề ra.
Phát biểu tại phiên họp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận và đánh giá cao trách nhiệm, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành và các tỉnh thành trong cả nước. Đồng thời đề nghị thời gian tới, các bộ, ngành trung ương, địa phương tập trung hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát và xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng; đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện; các tổ chức trong, ngoài nước cùng vào cuộc với phương châm “Ai có của góp của, có công góp công, có nhiều góp nhiều, có ít góp ít”; tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng xã hội; không để trục lợi, lãng phí trong quá trình thực hiện; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát số liệu nhà cần hỗ trợ, nhất là đối tượng có công với cách mạng gửi về trung ương trước ngày 20/1 để có phương án hỗ trợ kịp thời. Các bộ, ngành đồng hành cùng địa phương trong quá trình thực hiện, cập nhật hàng ngày kết quả thực hiện nhằm hoàn thành kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025; xác định rõ khó khăn để có giải pháp tháo gỡ, khen thưởng kịp thời những cách làm hay, sáng tạo, những điển hình tiên tiến. Các địa phương tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp đặt ra, nhất là những khó khăn, vướng mắc; các địa phương chưa ban hành kế hoạch cần xem xét lại trách nhiệm; thường xuyên theo dõi, cập nhật số liệu theo tuần, tháng, quý…