Hồng Kông can thiệp ngoại hối để bảo vệ tỷ giá cố định
Chính quyền Hồng Kông tăng cường bán ra lượng kỷ lục đô la Hồng Kông do đồng đô la Mỹ trượt giá đã đe dọa đến tỷ giá hối đoái cố định.
Cơ quan Quản lý tiền tệ Hồng Kông (HKMA) đã bán kỷ lục 60,5 tỷ đô la Hồng Kông (tương đương 7,8 tỷ USD) sau khi tỷ giá đạt biên độ giao dịch cao nhất, theo cảnh báo phát đi ngày 6/5. Con số này đã bổ sung vào mức bán ra 56,1 tỷ đô la Hong Kong kể từ ngày 2/5.

Nhu cầu đô la Hồng Kông trên thị trường này gần đây tăng cao do các nhà đầu tư Trung Quốc ồ ạt đổ tiền vào cổ phiếu Hong Kong. Ảnh: AFP
Sự can thiệp nhanh chóng trên cho thấy những nỗ lực của chính quyền Hồng Kông nhằm kìm cương biến động của đồng đô la Hong Kong trong biên độ 7,75-7,85 HKD đổi 1 USD.
Các loại tiền tệ châu Á đang chứng kiến mức tăng giá chưa từng có so với đồng đô la Mỹ, với hy vọng Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - sẽ đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại.
Việc HKMA bán ra lượng kỷ lục đồng đô la Hồng Kông đã giúp giảm lãi suất vay vốn đã tăng cao trong bối cảnh nhu cầu về đồng tiền này tăng cao để mua cổ phiếu của Contemporary Amperex Technology - công ty dự kiến sẽ tiến hành thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất tại Hồng Kông trong nhiều năm qua.
Chi phí vay thấp hơn cũng có thể giúp hỗ trợ nền kinh tế Hồng Kông trước tác động thuế quan của Mỹ. Việc HKMA bán đồng đô la Hồng Kông "có thể giúp giảm bớt tình trạng thiếu thanh khoản tiềm ẩn trong thương vụ IPO sắp tới, cùng với các dòng tiền chảy vào khác", bà Frances Cheung, Giám đốc chiến lược tỷ giá hối đoái và lãi suất tại Oversea-Chinese Banking Corp. cho biết.
Bà Cheung cũng cho rằng, việc neo giữ tỷ giá hối đoái sẽ giúp đồng đô la Hồng Kông tương đối mềm so với các đồng tiền khác trong bối cảnh đồng đô la Mỹ suy yếu.
Tỷ giá hối đoái của đồng đô la Hồng Kông có xu hướng tăng gần đây, chủ yếu do sự gia tăng các hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất trên thị trường và nhu cầu liên quan đến vốn chủ sở hữu đối với đồng đô la Hồng Kông, theo lý giải của Giám đốc điều hành HKMA Eddie Yue với các nhà lập pháp. Ông Yue khẳng định thị trường tài chính Hồng Kông đã hoạt động theo cách có trật tự.
Nhu cầu về đô la Hồng Kông trên thị trường vốn gần đây rất cao do các nhà đầu tư Trung Quốc ồ ạt đổ tiền vào cổ phiếu Hồng Kông trong năm nay. Việc chuyển đổi tiền tệ liên quan đến các khoản thanh toán cổ tức của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông đã làm tăng nhu cầu về đồng đô la này.
Trước ngày 2/5, lần gần nhất HKMA can thiệp để hạn chế mức tăng của đồng đô la Hồng Kông là vào năm 2020. Trong hai năm 2022 và 2023, cơ quan này đã can thiệp vào thị trường để thiết lập mức sàn cho đồng đô la Hồng Kông khi nó đe dọa phá vỡ ngưỡng yếu của biên độ giao dịch.
Cần biết rằng, Hồng Kông đã thiết lập tỷ giá cố định vào năm 1983 để ngăn chặn sự sụt giảm biên độ do lo ngại về các cuộc đàm phán trao trả thuộc địa của Anh cho Trung Quốc. Năm 2005, biên độ giao dịch đã được mở rộng như mức hiện nay.
Các biện pháp can thiệp gần đây của HKMA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy cán cân tổng thể của đồng đô la Hồng Kông, một thước đo thanh khoản liên ngân hàng, đồng thời bơm thêm sức mạnh cho các cơ quan chức năng để bảo vệ đồng tiền này trong những giai đoạn đồng tiền yếu.
Số tiền can thiệp cộng gộp đợt này của Hồng Kông có khả năng vượt qua con số 383,5 tỷ đô la Hồng Kông được ghi nhận vào năm 2020 sau đợt bùng phát Covid-19, theo chiến lược gia Stephen Chiu và Chunyu Zhang của Bloomberg Intelligence.
Sau các biện pháp can thiệp thị trường của HKMA, lãi suất liên ngân hàng Hồng Kông kỳ hạn một tháng đã giảm xuống còn 3,66% vào ngày 6/5, mức thấp nhất trong hai tuần.
Đợt tăng giá gần đây của các loại tiền tệ của các nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào thương mại đang khiến các nhà hoạch định chính sách đau đầu. Mặc dù sức mạnh của tiền tệ có thể giúp thu hút dòng vốn nước ngoài và làm cho hàng nhập khẩu rẻ hơn, nhưng nó có thể gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu bằng cách khiến hàng hóa của họ kém cạnh tranh hơn trên toàn cầu.
Đáng chú ý, đồng đô la Đài Loan mới đây tăng mạnh nhất trong bốn thập kỷ đã khiến cơ quan quản lý tiền tệ ra tuyên bố vào ngày 5/5 rằng họ sẽ can thiệp vào thị trường ngoại hối nếu sự ổn định bị đe dọa.
Đối với đồng đô la Hồng Kông, Citigroup cho rằng, HKMA sẽ tiếp tục có các biện pháp can thiệp thị trường.
"Chúng tôi dự đoán sẽ có thêm sự can thiệp vào biên độ giao dịch do xu hướng đồng đô la Mỹ suy yếu có thể tạo ra nhiều không gian điều hành hơn", chiến lược gia Adrienne Lui của Citigroup nhận định.