Hồn Việt trong Lăng Ông Bà Chiểu
Tôi lại về đây tá túc, ngồi bên cạnh cây Ngọc kỳ lân nhớ về không gian thơ trẻ. Thư viện quận Bình Thạnh nằm kề bên Lăng, cô thủ thư vì nhẵn mặt con nhỏ, nên mỗi khi cúp điện cô cho tôi mang sách ra đây ngồi đọc.
Lăng Ông Bà Chiểu nằm giữa khu trung tâm quận Bình Thạnh. Một mặt giáp khu hành chính quận, một đối diện Trường Trương Công Định trên con lộ lớn. Đường được đặt theo tên vị vua cờ lau khởi nghĩa Đinh Tiên Hoàng. Vào tháng 7/2020 đã được đổi lại tên ngài Tả Quân Lê Văn Duyệt, một Đức Công thần khai khẩn nên thành Gia Định vào thời nhà Nguyễn. Và nhờ ông mà chúng ta có Hòn Ngọc Viễn Đông, Sài Gòn diễm lệ đầy thân thiện. Mộ phần "Ông Bà” yên vị trang trọng trong Lăng, luôn được người dân nơi đây thành kính viếng.
Trước ở Lăng có rất nhiều loại cây nên bóng râm dày mát lắm. Ngồi ghế đá đọc sách, tai nghe chim hót vi vu cảm giác thích thú vô cùng. Lắm khi mỏi mắt tôi đi dạo và đếm cây. Tôi nhớ lúc ấy có 12 cây hoa Kỳ lân, 5 cây Ngọc lan, 11 cây Chò, 8 cây Thốt nốt. Thêm hàng dài cây Dầu trồng bên trong lẫn bên ngoài vỉa hè dọc theo tường rào. Các thân cây thẳng vươn lên rất cao to, tán rộng dày, tuổi thọ Dầu chắc vài trăm năm tuổi. Mỗi tháng tư về, hoa trái Dầu, trái Chò nở rộ, tán lá xanh cánh đỏ điểm xuyết lập lòe. Khí hậu miền Nam mát dịu, những cơn gió hè thổi lướt qua cũng làm chúng rơi lã chã. Trái theo gió quay như chong chóng hoa đầy sắc màu, hương xuân thoang thoảng hai mùa mưa nắng.
Lăng và chợ nằm cạnh bên nhau, nên dân gian gọi là Lăng Ông Bà Chiểu, hoặc phần kỵ húy gọi tên Ông. (Có tích Bà Chiểu xưa là tên một ngôi cổ miếu thờ nữ thần, có một hồ nước phía trước, chiểu là nước nên có lẽ khi xây chợ người xưa đã đặt theo tên ấy). Nơi đây cũng một thời tiếng tăm lừng lẫy, vùng đất đầy kịch tính và huy hoàng. Nhưng tôi nghĩ nơi đâu cũng thế, người tốt và xấu luôn hiện diện, hai thực thể tồn tại là có lý cả!

Lăng Ông Bà Chiểu. Ảnh sưu tầm
Thỉnh thoảng sáng ra đây tập thể dục, tôi ghé lại mộ Ông Bà một chốc và mặc niệm. Ngắm nhìn khuôn viên thanh tịnh, thời gian luôn để lại dấu nhớ trong đền đài. Những thân cội già to vô tình bị mối mọt đục khoét, mục ruỗng đến bật gốc luôn làm chúng ta hoài niệm. Các cây niên hạn ngắn đã được trồng thay thế, tuy nhiên chúng sẽ không thể cao to và tỏa bóng râm được, chúng không thể thay thế dấu ấn đã từng làm nên hồn cổ trong Lăng, ẩn mình và tạo nên điển tích.
Tuy thế, Lăng vẫn còn đó sự trầm mặc trăm năm, bóng xưa uy nghi của các cây Đa cổ thụ vẫn vươn tàn rộng lớn. Các dây rễ to thòng xuống cắm sâu vào lòng đất, một số dây bao quanh và đan thắt lại như khu rừng cổ tích. Tôi vẫn yêu thích nơi này, bởi Lăng đâu chỉ có khung cảnh uy nghiêm huyền diệu! Lăng hội tụ cả đời sống thực lẫn tâm linh giữa bao quanh thăng trầm thời cuộc. Ta có thể ngồi đây dưới tán cây Bồ đề nghe gió hát. Lắng nghe nhịp sống rầm rì qua tiếng rao bán hàng của các anh chị, các cháu tần tảo mưu sinh. Dòng chảy vẫn chảy, êm đềm hay ầm ào đều là món quà trao cho ta sự sống.
Lăng Ông Bà Chiểu luôn nhộn nhịp các sự kiện đời thường ý nghĩa, đó là các hoạt động tích cực thường xuyên diễn ra nơi đây. Ngày hội vẽ cho thiếu nhi vào mùa Trung thu, Ngày quốc tế Thiếu nhi được tổ chức rộn ràng chu đáo. Các buổi triển lãm tranh ảnh xưa và nay đặt dọc hai bên hàng cây, lối nhỏ giếng xưa. Sự giao thoa và kết nối các nền văn hóa văn minh, lịch sử làm nên hồn Việt ngàn năm. Các gian hàng trưng bày trái cây tạo hình ngày Tết luôn làm ta ngạc nhiên về các nghệ nhân tài hoa tuyệt vời. Hội hoa xuân nhân ái từ các ban ngành lãnh đạo, các khối phường, Hội chữ thập đỏ và người dân chung tay vẽ nên bức tranh xuân ấm áp. Còn gì bằng nơi điểm kết văn hóa xưa nay tuyệt đẹp. Và hàng kỳ hai tuần Lăng sẽ là một sân khấu ngoài trời với không gian đan xen giữa hiện tại và quá khứ. Nơi trình diễn một loại hình nghệ thuật Hát bội cổ được nhà hát tuồng thành phố đầu tư dàn dựng. Những khuôn mặt vẽ sắc sảo, áo gấm bào, mũ cửu phụng lộng lẫy, các diễn viên với đôi mắt rạng ngời, họ như sống lại giữa thời hoàng kim lộng lẫy. Thật hay và đầy trách nhiệm với cộng đồng, một cách gieo trồng văn hóa cổ, truyền lại cho giới trẻ niềm đam mê đã dần mai một.
Thế thôi, lăng cổ, người xưa, thế hệ hôm nay vẫn đan kết làm nên câu chuyện cổ tích cho mai sau. Rồi bóng lá sẽ tỏa lớn cả vùng trời, thời gian nuôi mầm hy vọng. Tôi lại đếm cây và cố nhớ, như một thói quen ngắm bức tranh sống động, cười hạnh phúc.