Hơn 9 nghìn tỷ đồng tiền gốc trái phiếu chậm trả đã về tay trái chủ
Trong 4 tháng đầu năm 2025, 21 tổ chức phát hành đã thanh toán được hơn 9 nghìn tỷ đồng tiền gốc trái phiếu chậm trả. Tỷ lệ thu hồi của trái chủ đối với trái phiếu chậm trả là 30,5%.
Theo dữ liệu của Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), đến hết tháng 4/2025, có 21 tổ chức phát hành đã thanh toán một phần nợ gốc chậm trả.
Trong quý I, có 17 tổ chức phát hành đã thanh toán được hơn 8 nghìn tỷ đồng tiền gốc trái phiếu chậm trả. Tháng 4/2025, có 4 tổ chức phát hành đã thanh toán một phần nợ gốc chậm trả 1 nghìn tỷ đồng, giảm 76% so với tháng 3/2025. Tỷ lệ thu hồi nợ gốc chậm trả tăng nhẹ 0,4% lên mức 30,5% vào cuối tháng 4/2025, ngược lại, tỷ lệ chậm trả tích lũy tính theo giá trị mệnh giá toàn thị trường giảm 0,6% xuống 14%.

Tỷ lệ thu hồi trái phiếu chậm trả theo loại trái phiếu. Nguồn: HNX, VIS Rating.
Những tổ chức phát hành chậm trả xử lý nợ tích cực nhất kể từ đầu năm gồm có: Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (thanh toán 5.473 tỷ đồng nợ gốc chậm trả); CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận (889 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV Sài Gòn Glory B (802 tỷ đồng); CTCP Dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn (600 tỷ đồng); CTCP Đầu tư Dịch vụ Thương mại Horizon (300 tỷ đồng); CTCP Hưng Thịnh Land (71 tỷ đồng)…
Trong tháng 5/2205, có 17 trái phiếu đáo hạn; trong số đó, VIS Rating đánh giá, 7 trái phiếu phát hành bởi các doanh nghiệp có hồ sơ tín dụng yếu, bao gồm 3 trái phiếu đã từng chậm trả lãi coupon.
Dữ liệu tổng hợp của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, tính đến ngày 30/04/2025, toàn thị trường có 19 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 30.067 tỷ đồng và 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 4.000 tỷ đồng trong tháng 4/2025.
Trong tháng 4, các doanh nghiệp đã mua lại 10.318 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2024. Trong 8 tháng còn lại của năm 2025, ước tính sẽ có khoảng 163.212 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 86.444 tỷ đồng, tương đương 53%.
Về tình hình công bố thông tin bất thường, có 2 mã trái phiếu chậm trả lãi 10,3 tỷ đồng trong tháng 4/2025. Trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 4/2025 đạt 100.469 tỷ đồng, bình quân đạt 5.023 tỷ đồng/phiên, giảm 13% so với bình quân tháng 3.

Tình hình tái cấu trúc nợ của trái phiếu chậm trả. Nguồn: HNX, VIS Rating
Về kế hoạch phát hành sắp tới, CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) đã được Hội đồng Quản trị thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ được chia làm 5 đợt trong năm 2025 với tổng giá trị tối đa 10 nghìn tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Trái phiếu có kỳ hạn tối đa 2 năm và lãi suất cố định.
Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ được chia làm 50 đợt trong năm 2025 với tổng giá trị tối đa 23 nghìn tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và mệnh giá dự kiến 100 triệu đồng/trái phiếu. Trái phiếu có kỳ hạn tối thiểu 5 năm, lãi suất kết hợp giữa cố định và thả nổi.
Mặc dù các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trong năm 2025 vẫn áp dụng Luật Chứng khoán năm 2019 theo điều khoản chuyển tiếp, đã có 2 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chủ động thực hiện xếp hạng tín nhiệm, cấu trúc trái phiếu có tài sản bảo đảm và bảo lãnh thanh toán. Những trái phiếu riêng lẻ này sẽ đủ điều kiện để nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tiếp tục được mua bán khi bước sang năm 2026.
Chỉ có một trái phiếu công chúng mới được phát hành trong tháng 4, với giá trị 4 nghìn tỷ đồng (giảm 73% so với tháng trước). Đợt phát hành này đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt từ tháng 12 năm 2024.
Chuyên gia của VIS Rating nhận định, hoạt động phát hành trái phiếu công chúng sẽ tiếp tục chậm lại cho đến khi quy định sửa đổi về hoạt động phát hành chứng khoán ra công chúng được ban hành.