Hơn 70 triệu USD tôm hùm Việt lên bàn ăn Trung Quốc chỉ trong 1 tháng
Tháng 1 trùng thời điểm diễn ra kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng kết quả xuất khẩu thủy sản cả nước vẫn tăng 3% so với cùng kỳ năm 2024, đạt trên 774 triệu USD.

Trung Quốc đã nhập hơn 70 triệu USD tôm hùm từ Việt Nam chỉ trong tháng 1. Ảnh: Xuân Hoát.
Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước trong tháng 1 ước đạt 774,3 triệu USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong bối cảnh tháng 1 trùng thời điểm diễn ra kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, VASEP đánh giá đây là kết quả khả quan khi kỳ nghỉ Tết rơi vào cuối tháng 1 đã tác động đáng kể đến hoạt động xuất khẩu. Kết quả này cũng là khởi đầu lạc quan cho cả năm 2025.
Xuất khẩu thủy sản tháng 1 tăng chủ yếu do nhu cầu tăng từ thị trường Trung Quốc phục vụ cho Tết Nguyên đán. Trong đó, những mặt hàng tươi sống như tôm hùm, cua, ngao, ốc được các doanh nghiệp nước tỷ dân quan tâm cho phân khúc tiêu thụ cao cấp.
Riêng sản phẩm tôm hùm xuất khẩu sang Trung Quốc đã đạt tới 70 triệu USD, chiếm gần một nửa tổng xuất khẩu ngành hàng thủy sản sang Trung Quốc và gấp 9 lần so với cùng kỳ năm 2024.
Xuất khẩu cua sang Trung Quốc cũng tăng gấp 18 lần lên tới 18,5 triệu USD trong tháng 1. Nhờ tôm hùm đi Trung Quốc nên tổng xuất khẩu tôm tăng mạnh 24%, quyết định mức tăng trưởng của cả ngành thủy sản.
Ngoài Trung Quốc và ASEAN, xuất khẩu sang các thị trường khác đều giảm so với cùng kỳ. Tương tự, xuất khẩu cá tra, cá ngừ, mực bạch tuộc đều giảm.
“Điều này là đúng theo quy luật thông thường của hàng năm”, VASEP cho biết.
Dự báo xu hướng xuất khẩu thủy sản trong các tháng tới, bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông VASEP - đánh giá thương mại thủy sản toàn cầu đang phụ thuộc vào những động thái và chính sách thuế quan từ thị trường Mỹ.
“Mới chỉ 3 tuần sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, chưa thể đoán định được các chính sách thuế quan mới của Mỹ sẽ chốt chặt ở các mức như thế nào với các nước và liệu có áp đặt với Việt Nam hay không. Vì thế chúng ta sẽ cần tới 3-6 tháng mới định hình rõ nét bức tranh thị trường trong bối cảnh mới”, bà Hằng nhận định.
Trong thời gian chờ đợi này có thể các doanh nghiệp xuất khẩu và các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ tranh thủ thúc đẩy mạnh giao thương. Do vậy, trong một vài tháng tới, xuất khẩu sang Mỹ có thể tăng mạnh; cũng có thể dẫn tới những hệ lụy mà các doanh nghiệp cần tính tới là chi phí vận tải và logistic sẽ tăng do sự đổ dồn xuất khẩu sang Mỹ.
Bà Hằng cho rằng xuất khẩu các mặt hàng thông dụng như tôm chân trắng, cá tra sang Trung Quốc có thể chững lại vì sẽ phải cạnh tranh với những sản phẩm thủy sản của thị trường nội địa khi thị phần tại Mỹ của các doanh nghiệp Trung Quốc bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, dư địa cho sản phẩm cao cấp (tôm, cua, hải tươi/sống) vẫn rộng mở cho doanh nghiệp Việt.
Đồng thời, áp lực cạnh tranh của thủy sản Việt Nam sẽ lớn hơn ở các thị trường khác như EU, ASEAN không chỉ với các đối thủ như Ấn Độ, Ecuador mà cả với Trung Quốc, Canada, là những nước vừa bị Mỹ áp đặt cũng như đe dọa áp mức thuế nhập khẩu mới.