Hơn 7.800 tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội trong dịp Tết 2025
Đây thống kê đáng chú ý trong báo cáo tình hình bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới được công bố.
Hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho các đối tượng chính sách
Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội đánh giá, công tác bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 cho người có công với cách mạng, người cao tuổi, các đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn đã được thực hiện hiệu quả, vui tươi, đầm ấm, thiết thực. Toàn quốc đã hỗ trợ, tặng quà Tết cho trên 13,5 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí trên 7.800 tỷ đồng5, trong đó ngân sách trung ương là gần 711 tỷ đồng; ngân sách địa phương là gần 4.425 tỷ đồng; kinh phí vận động xã hội hóa là trên 2.695 tỷ đồng.
Hà Nội tặng quà cho 2,27 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí trên 1.067 tỷ đồng. Thành phố Hồ Chí Minh tặng quà cho trên 1,33 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí 1.295 tỷ đồng. Thanh Hóa tặng quà cho trên 1,23 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí trên 386 tỷ đồng.
Về công tác chăm lo Tết cho người có công với cách mạng, Ngày 27/11/2024, Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định số 1301/QĐ-CTN về việc tặng quà cho một số đối tượng có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Theo đó, trong dịp này, Chủ tịch nước tặng quà cho 1.660.924 đối tượng với tổng kinh phí là trên 506,75 tỷ đồng, tùy thuộc vào đối tượng cụ thể sẽ có hai mức quà tặng là 600.000 đồng/đối tượng và 300.000 đồng/đối tượng.
Năm nay, cả nước đã triển khai các hoạt động chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, trong đó tập trung vào các nội dung: tặng quà cho các đối tượng chính sách, các hộ gia đình nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn.
Nhiều địa phương nâng mức hỗ trợ cho người dân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 tăng bình quân từ 10 - 15% so với năm 2024. Được biết, mức hỗ trợ từ ngân sách địa phương phổ biến từ 300.000 - 500.000 đồng/đối tượng, một số địa phương mức hỗ trợ từ 500.000 đến 1.500.000 đồng: Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Huế, tỉnh Bình Thuận, tỉnh Bình Dương...
Bên cạnh đó, các địa phương đã hỗ trợ, tặng quà Tết cho 3,8 triệu đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Các địa phương đã thực hiện việc chi trả đầy đủ, kịp thời chế độ trợ cấp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng theo đúng quy định; tránh để xảy ra sai sót trong quá trình chi trả và chậm trễ thời gian chi trả trợ cấp cho đối tượng (thực hiện chi trả tháng 01 và 02 trong cùng kỳ chi trả tháng 01 năm 2025).
Tiền thưởng Tết Nguyên đán là 7,72 triệu/người
Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội cũng cho biết thông tin về tình hình lao động, việc làm và lương thưởng trong dịp Tết 2025.
Cụ thể, trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 ghi nhận nhu cầu tuyển dụng thời vụ tăng cao do các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để phục vụ nhu cầu Tết. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ước tính nhu cầu cần tuyển dụng lao động trước tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 là 28.525 vị trí làm việc và tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại – dịch vụ, chiếm tới gần 70%. Đa số doanh nghiệp cố gắng duy trì hoặc tăng thưởng Tết để giữ chân nhân viên, trong khi nhiều lao động ngoại tỉnh về quê sớm cũng có thể dẫn tới thiếu hụt nhân lực cục bộ. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại hiện tượng doanh nghiệp chậm trả lương và thưởng tháng 13 gây khó khăn cho người lao động trước kỳ nghỉ Tết.
Tiền lương bình quân năm 2024 ước đạt 8,88 triệu đồng/tháng , tăng 4% so với năm 2023 (8,5 triệu đồng/tháng). Về thưởng Tết âm lịch, mức thưởng bình quân được ghi nhận là 7,72 triệu đồng/người, tăng 13% so với thưởng dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (6,85 triệu đồng/người). Trong đó: Nhóm Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 7,66 triệu đồng/người; - Doanh nghiệp dân doanh là 6,76 triệu đồng/người; - Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 8,24 triệu đồng/người.
Mức thưởng tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 cao nhất là 1,908 tỷ đồng thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin ở TP. Hồ Chí Minh.
Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội dự báo sau Tết, thị trường lao động cũng sẽ gặp một số biến động như một số người lao động có thể không quay lại (chuyển việc hoặc thay đổi chỗ ở). Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tạm thời và nhu cầu tuyển dụng mới trong quý I năm 2025 tăng cao, đặc biệt ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.
Các doanh nghiệp thường cần chủ động có chính sách “giữ chân” nhân viên, nâng cao chế độ đãi ngộ để giảm thiểu việc biến động lao động sau Tết. Bên cạnh đó, một lực lượng lớn lao động trong khối đơn vị sự nghiệp sau phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước sẽ tham gia vào thị trường lao động, tạo áp lực cho vấn đề kết nối việc làm cho các đối tượng này.
Về phía cơ quan nhà nước về việc làm, để đảm bảo lao động sau Tết cần tập trung vào công tác chủ động nắm bắt tình hình lao động - việc làm trên địa bàn; tăng cường công tác thông tin thị trường lao động và kết nối cung - cầu lao động thông qua các hoạt động như tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm và tổ chức các phiên giao dịch việc làm kết nối trực tuyến giữa các địa phương.