Xuất khẩu bằng thương hiệu riêng: Chìa khóa khai thác CPTPP

Cơ hội xuất khẩu sang thị trường CPTPP còn rất lớn, tuy nhiên để khai thác tốt hơn ưu đãi từ hiệp định, doanh nghiệp, ngành hàng cần xây dựng thương hiệu riêng.

Thương mại hai chiều ước đạt 102,1 tỷ USD

Số liệu thống kê của Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với thị trường các nước thành viên Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ước đạt 102,1 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2023, chiếm 13,1% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chung...

Trong năm 2024, ước tính xuất siêu của Việt Nam với thị trường CPTPP lên tới 9,4 tỷ USD, tăng gấp đôi so với mức xuất siêu 4,7 tỷ USD trong năm trước.

Kết quả này chỉ rõ, thương mại với các thị trường thành viên CPTPP đang đóng vai trò quan trọng trong việc nâng thặng dư thương mại của Việt Nam, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Đóng góp lớn nhất trong tổng xuất siêu của Việt Nam với thị trường CPTPP trong năm qua là Canada với 5,48 tỷ USD. Ngoài ra, xuất siêu của Việt Nam với Mexico cũng ước đạt 4,5 tỷ USD, tăng 26% so với năm trước.

Năm 2024, ước tính xuất siêu của Việt Nam với thị trường CPTPP lên tới 9,4 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Ảnh: Hoàng Hưng

Năm 2024, ước tính xuất siêu của Việt Nam với thị trường CPTPP lên tới 9,4 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Ảnh: Hoàng Hưng

TS Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada - cho biết, thương mại song phương hai chiều giữa Việt Nam - Canada tiếp tục tăng trưởng đột phá trong năm 2024.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Canada trong tháng 12/2024 đạt 557,5 triệu USD, giảm 0,9% so với tháng trước. Tính chung trong năm 2024 đạt hơn 6,37 tỷ USD, tăng 13,4% so với năm trước.

Trong năm 2024, mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Canada vẫn là hàng dệt may, với trị giá đạt 1,2 tỷ USD, tăng 10,4%, chiếm 19% tỷ trọng xuất khẩu. Ngoài ra, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trong năm 2024 so với cùng kỳ năm trước: Máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 90%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 34,8%; hạt tiêu tăng 81,4%; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh tăng 209,3%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 162,4%.

Với những số liệu kể trên, hiện Việt Nam đang là đối tác thương mại hàng đầu của Canada trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Canada trong nhóm 40 quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

TS Trần Thu Quỳnh cho rằng, dư địa xuất khẩu sang thị trường Canada cho doanh nghiệp Việt Nam còn rất lớn. “Canada được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng, cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và cũng là "cửa ngõ" tiếp cận thị trường Bắc Mỹ” - TS Trần Thu Quỳnh nhận định và thông tin thêm, các sản phẩm như điện thoại, điện tử, điện máy, kim loại cơ bản, thủy sản, rau củ, quả, gạo, chè, cà phê... sẽ có nhiều hơn cơ hội khi xuất khẩu sang thị trường này. Bởi, thông qua Hiệp định CPTPP, thuế suất xuất khẩu của những mặt hàng nêu trên đang được hưởng lợi 0%.

TS Trần Thu Quỳnh cũng nhấn mạnh, bên cạnh vai trò đòn bẩy, thúc đẩy doanh nghiệp hai nước quan tâm hơn đến thị trường, sản phẩm của nhau, Hiệp định CPTPP đã và đang tạo ra những hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển chuỗi cung ứng, vận tải và logistics giữa hai nước.

Năm 2024, nhiều doanh nghiệp hàng đầu Mexico đã tìm đến Việt Nam để tìm kiếm nguồn hàng, đặc biệt là hàng quần áo, giày dép... Ảnh: Thiên Hương

Năm 2024, nhiều doanh nghiệp hàng đầu Mexico đã tìm đến Việt Nam để tìm kiếm nguồn hàng, đặc biệt là hàng quần áo, giày dép... Ảnh: Thiên Hương

Trong khi đó, từ thị trường Mexico, ông Lưu Vạn Khang - Tham tán Thương mại Việt Nam tại thị trường này khẳng định, thông qua CPTPP, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối hàng đầu Mexico đã tìm đến Việt Nam trong năm 2024 để tìm kiếm nguồn hàng, đặc biệt là các mặt hàng quần áo, giày dép, đồ nhựa và đồ gỗ. Đây cũng là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

Tham tán thương mại Lưu Vạn Khang nhận định, Việt Nam và Mexico cùng là thành viên của Hiệp định CPTTP cùng mức thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng các lợi thế từ FTA thế hệ mới này mang lại để tăng cường xâm nhập vào thị trường 130 triệu dân của Mexico.

Cụ thể, Mexico đã cam kết xóa bỏ 77% số dòng thuế, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ nâng mức này lên 98% vào năm thứ 10 kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Nhờ đó, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như thủy sản, cà phê, cao su, điện thoại và linh kiện, phụ tùng ôtô đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Ngược lại, Mexico cũng từng bước đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thịt bò, thịt lợn, nông sản, đồ uống vào Việt Nam.

Đáng chú ý, ngoài lợi thế mà CPTTP mang lại, các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Mexico cũng sẽ có giá cả cạnh tranh hơn sau khi Chính phủ Mexico trong hơn 1 năm qua tiếp tục tăng thuế nhập khẩu đối với hơn 500 mã sản phẩm đến từ các quốc gia không ký kết FTA với quốc gia Bắc Mỹ này, với mức thuế cao nhất lên đến 50%.

Xây dựng thương hiệu - chìa khóa tăng trưởng xuất khẩu

Theo tham tán thương mại tại các thị trường thành viên CPTPP, hiệp định đã tạo cơ hội rất lớn cho Việt Nam tiếp cận thị trường mới, tuy nhiên, TS Trần Thu Quỳnh cho rằng, điểm hạn chế khi xuất khẩu, giao thương với thị trường các nước CPTPP đó là việc doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều thông tin về thị trường, thị hiếu tiêu dùng cũng như các chính sách ưu đãi xuất khẩu và các biện pháp phòng vệ thương mại của Canada.

Chưa kể, chỉ rõ thực tế, TS Trần Thu Quỳnh thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada khá cao, tuy nhiên theo ước tính có đến trên 60% hàng xuất khẩu sang địa bàn là các sản phẩm của khu vực FDI có thương hiệu riêng, trong khi khu vực công nghiệp nội địa của Việt Nam xuất khẩu sang địa bàn chủ yếu vẫn là xuất thô hoặc gia công.

“Các mặt hàng như giày dép, quần áo, đồ chơi, gốm sứ, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm nhựa… đều là những sản phẩm mà Việt Nam có thể phát triển theo hướng thương hiệu riêng, nhưng thực tế cho đến nay, các sản phẩm thương hiệu Việt Nam vẫn chưa có mặt nhiều tại địa bàn Canada” - bà Trần Thu Quỳnh trăn trở và khuyến nghị, hơn lúc nào hết, các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam phải xây dựng thương hiệu riêng.

Tuy nhieen, trong câu chuyện phát triển thương hiệu riêng, các doanh nghiệp cần phải đi chung với nhau và đặc biệt phải đi chung với các hiệp hội ngành hàng để cùng xây dựng chiến lược phát triển thị trường theo giai đoạn đúng với câu “buôn có bạn, bán có phường”.

“Thái Lan, Trung Quốc là những nước rất thành công trong việc hợp tác, hỗ trợ để quảng bá sản phẩm cho nhau ở nước ngoài” - TS Trần Thu Quỳnh dẫn chứng và chia sẻ, “Buôn có bạn, bán có phường” cũng có nghĩa là sự đồng bộ giữa các tiêu chuẩn sản xuất, sự kết nối thông tin mạng lưới đối tác nhập khẩu, nhà cung cấp, sự phối hợp trong các khâu kho vận và logistics… và ở bậc cao hơn nữa là khả năng phát triển cả hệ sinh thái cho ngành hàng để có thể phát triển được thương hiệu riêng. Đấy là con đường không chỉ từng doanh nghiệp mà các ngành hàng của chúng ta phải có một chiến lược để cùng hợp tác với nhau.

Với thị trường Mexico, ông Lưu Vạn Khang khẳng định, triển vọng hợp tác trong năm 2025 còn rất lớn, đặc biệt Việt Nam và Mexico đều là thị trường lớn và có nhiều nét tương đồng như quy mô dân số và sức mua, với nhiều sản phẩm, ngành hàng mang tính bổ sung cho nhau.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh tại Mexico cần lưu ý hoàn thiện hồ sơ sản phẩm, đặc biệt các vấn đề liên quan đến chứng nhận xuất xứ và quy trình sản xuất trong bối cảnh chính quyền Mexico ngày càng siết chặt các quy định pháp lý liên quan nhằm bảo hộ sản xuất trong nước cũng như đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định Thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) mà nước này là thành viên.

Việt Nam và Mexico cùng là thành viên của Hiệp định CPTTP với mức thuế xuất nhập khẩu ưu đãi. Mexico đã cam kết xóa bỏ 77% số dòng thuế, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ nâng mức này lên 98% vào năm thứ 10 kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Khánh An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuat-khau-bang-thuong-hieu-rieng-chia-khoa-khai-thac-cptpp-371933.html
Zalo