Phát triển thương mại điện tử: Cần khung pháp lý mới

Luật Giao dịch điện tử năm 2005 cùng với các Luật liên quan sau này đã tạo hành lang pháp lý tương đối rõ ràng, minh bạch cho hoạt động thương mại điện tử.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc phát triển thương mại điện tử cần thiết phải có khung pháp lý mới, nhằm bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, góp phần phát triển mạnh nền kinh tế số.

Tạo thói quen tiêu dùng cho người dân

Từ những năm 2005, phát triển thương mại điện tử được xem là một chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam. Theo đó, khung chính sách và pháp lý cho thương mại điện tử đã hình thành, nhiều hoạt động hỗ trợ thương mại điện tử cũng bắt đầu khởi sắc. Trong đó phải nhắc đến Luật Công nghệ thông tin được ban hành năm 2006 cùng với Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã trở thành khung pháp lý cho giao dịch điện tử nói chung và thương mại điện tử nói riêng.

Phát triển thương mại điện tử cần thiết phải có khung pháp lý chặt chẽ. Ảnh minh họa

Phát triển thương mại điện tử cần thiết phải có khung pháp lý chặt chẽ. Ảnh minh họa

Theo Bộ Công Thương, Luật Giao dịch điện tử 2005 đặt nền tảng pháp lý cơ bản cho các giao dịch điện tử trong xã hội bằng việc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; đồng thời quy định khá chi tiết về chữ ký điện tử - một yếu tố đảm bảo độ tin cậy của thông điệp dữ liệu khi tiến hành giao dịch.

Nếu Luật Giao dịch điện tử tập trung điều chỉnh các khía cạnh pháp lý của giao dịch điện tử, thì Luật Công nghệ thông tin chủ yếu quy định về hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin cùng những biện pháp bảo đảm về mặt chính sách, hạ tầng cho các hoạt động này.

Ngoài các văn bản luật, Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền cũng ban hành nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn cụ thể và quản lý hoạt động giao dịch, hoạt động liên quan tới thương mại điện tử. Trong đó, quan trọng nhất phải nhắc đến Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử thay thế Nghị định 57/2006/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP.

Cũng theo Bộ Công Thương, cơ bản Nghị định số 52/2013/NĐ-CP có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế nói chung, với xã hội tiêu dùng và với ngành thương mại điện tử nói riêng trong giai đoạn này. Đây là văn bản mang tính chất thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, cơ bản tạo môi trường minh bạch cho thị trường mua sắm trực tuyến, góp phần tạo thói quen tiêu dùng, mua sắm hiện đại của người dân.

Điểm sáng trong giai đoạn này ghi nhận ở tốc độ phát triển về quy mô thị trường thương mại điện tử B2C, doanh thu bán lẻ trực tuyến năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD, tăng gần 7 lần so với thời điểm trước khi ban hành Nghị định (giai đoạn năm 2012-2013 doanh thu thương mại điện tử B2C chỉ xấp xỉ 2 tỷ USD).

So với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước, doanh thu thương mại điện tử B2C Việt Nam năm 2021 chiếm khoảng 7%. Với tốc độ tăng trưởng đó, trong giai đoạn này, Việt Nam là quốc gia có thị trường thương mại điện tử phát triển năng động nhất trong khu vực Đông Nam Á .

Bên cạnh đó, hạ tầng pháp lý cho thương mại điện tử cũng được hoàn thiện với những quy định cụ thể nhằm quản lý hiệu quả hơn các hoạt động trực tuyến… Nhờ đó, thị trường thương mại điện tử có được sự phát triển ngày càng mạnh mẽ. Kết quả là quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử B2C Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng từ 2,97 tỷ USD năm 2014 lên hơn 25 tỷ USD năm 2024.

Thị trường thương mại điện tử là điểm đầu tư hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài, giúp người tiêu dùng Việt Nam trở thành người tiêu dùng toàn cầu có thể tiếp cận với các sản phẩm cả trong nước và quốc tế. Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã tận dụng được các nền tảng hiện đại để phát triển kênh phân phối hàng hóa, sản phẩm của mình.

Đặc biệt, từ năm 2023 - năm cột mốc quan trọng với việc Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Các luật này lần đầu tiên đưa ra quy định rõ ràng về các mô hình kinh doanh đặc thù trên môi trường không gian mạng, như nền tảng số và nền tảng trung gian. “Những quy định này không chỉ nâng cao tính minh bạch trong quản lý mà còn gia tăng trách nhiệm của các bên liên quan, đồng thời tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước rủi ro trong giao dịch trực tuyến”, Bộ Công Thương nhận định.

Còn những khoảng trống

Tuy đã tạo ra được hành lang pháp lý rõ ràng, song sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, sự xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới, đa dạng về mặt chủ thể, phức tạp về mặt bản chất và từ thực tiễn quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử… dẫn đến các chính sách, quy định về thương mại điện tử đã bộc lộ những hạn chế, nhất là trong quản lý hoạt động thương mại điện tử trên các mô hình đặc thù thương mại điện tử xuyên biên giới.

Bộ Công Thương cho rằng, về cơ bản nội dung quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Nghị định 85/2021/NĐ-CP đã bao quát được các quy định về thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài; tuy nhiên lại chưa có quy định chế tài ràng buộc đủ mạnh đối với nền tảng xuyên biên giới không có hiện diện tại Việt Nam; chưa có quy định phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước liên quan như hải quan, thuế, quản lý thị trường trong quá trình thực thi; chưa có quy định phối hợp trong quản lý và giám sát chất lượng hàng hóa, quản lý thanh toán số hay các hệ sinh thái hỗ trợ thương mại điện tử xuyên biên giới.

Mặt khác, cơ chế phân cấp, phân quyền quản lý thương mại điện tử giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong thực hiện thủ tục cấp phép, đăng ký, thông báo trong thương mại điện tử tại những nghị định chưa có quy định.

Ngoài ra, một số địa phương gặp khó khăn trong quản lý, giám sát hoạt động thương mại điện tử tại địa bàn tỉnh, dẫn đến việc thiếu sự tham gia của địa phương trong phát triển và quản lý hoạt động thương mại điện tử. Trong khi đó, việc phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước cũng là chủ trương, định hướng dài hạn của Chính phủ tại Nghị quyết số 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó cũng chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử. Điều này dẫn đến thiếu sự quản lý và giám sát đối với mô hình trung gian. “Nếu không có quy định rõ ràng về trách nhiệm của đơn vị trung gian, các tổ chức cung cấp dịch vụ hạ tầng và hỗ trợ thương mại điện tử có thể không tuân thủ đầy đủ quy định về bảo mật, chất lượng dịch vụ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điều này có thể dẫn đến môi trường giao dịch không an toàn, gây khó khăn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trong việc tham gia vào các hoạt động thương mại điện tử…”, Bộ Công Thương khẳng định.

Về vấn đề này, chia sẻ tại hội thảo phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, bà Lê Hoàng Oanh – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng đề cập đến khó khăn, thách thức trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài qua thương mại điện tử…

Đồng thời cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thương mại điện tử xuyên biên giới như xây dựng luật chuyên ngành về thương mại điện tử hoặc các nghị định, văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử …

Theo ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Trong bối cảnh hiện nay, thương mại điện tử tại Việt Nam đã hình thành và phát triển qua một thời gian khá dài, với nhiều vấn đề nảy sinh, nhiều mô hình kinh doanh và phương thức vận hành đã tương đối rõ nét. Vì vậy, đây là thời điểm tương đối phù hợp để xây dựng một luật với thẩm quyền của Quốc hội quản lý vấn đề thương mại điện tử.

Một lần nữa, Bộ Công Thương cho hay, việc xây dựng bộ luật chuyên ngành về thương mại điện tử là yêu cầu cấp thiết. Bởi trong bối cảnh hiện nay cần thiết về tính hài hòa, thống nhất, toàn diện, ổn định của hệ thống pháp luật về thương mại điện tử; cần thiết hoàn thiện quy định về các mô hình thương mại điện tử hoạt động mới chưa có điều chỉnh riêng; cần thiết tăng cường quản lý, giám sát trong lĩnh vực thương mại điện tử; cần thiết tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; cũng như cần thiết đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền cho địa phương trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử và dự kiến đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025 (trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026).

Tâm An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-thuong-mai-dien-tu-can-khung-phap-ly-moi-371931.html
Zalo