Hơn 34.500ha rừng ở Hà Tĩnh được cấp chứng chỉ FSC
Hơn 34.500ha rừng tại Hà Tĩnh đã được cấp chứng chỉ FSC về quản lý bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, xây dựng chuỗi giá trị gỗ rừng trồng hiệu quả, minh bạch.
Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC được cấp thông qua quy trình đánh giá chặt chẽ, độc lập theo tiêu chuẩn quốc tế, yêu cầu rừng phải được quản lý theo các nguyên tắc nghiêm ngặt về môi trường, xã hội và kinh tế. Nhờ đó, chủ rừng từng bước nhận thức rõ hơn về trách nhiệm với môi trường nói chung, quan tâm nhiều hơn đến sự bảo tồn và đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước và môi trường sinh cảnh.
Đặc biệt, rừng đạt chứng chỉ FSC tạo điều kiện để người dân kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm lâu dài, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị gỗ rừng trồng hiệu quả, minh bạch. Chứng nhận FSC cũng sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng gỗ xuất khẩu khi tiếp cận với các thị trường khó tính như: EU, Hoa Kỳ…

Hà Tĩnh đã có 34.524 ha rừng được chứng nhận quản lý rừng bền vững FSC.
Nhằm quản lý rừng theo hướng bền vững, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh đã chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị chủ rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; phối hợp triển khai khảo sát, thu thập thông tin, xây dựng kế hoạch và tuyên truyền đến các chủ rừng tham gia cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Đồng thời, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa những giống cây lâm nghiệp chất lượng cao vào trồng rừng; khuyến khích người dân thuê khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn;…

Phát triển rừng gỗ lớn để đạt các tiêu chuẩn theo chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC được các địa phương trên địa bàn tỉnh ngày càng quan tâm.
Nhờ đó, đến nay, đa số người dân, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia, triển khai thực hiện đánh giá cấp chứng chỉ rừng theo các tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, toàn tỉnh đã có 34.524 ha rừng được chứng nhận quản lý rừng bền vững FSC (rừng tự nhiên 20.550 ha, rừng trồng 13.710 ha, đất chưa có rừng hơn 264 ha). Đây cũng được xem là điều kiện quan trọng để tỉnh có thể tham gia vào thị trường tín chỉ carbon rừng trong tương lai.
Xác định việc chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn quốc tế là xu hướng tất yếu, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục hỗ trợ tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách lâm nghiệp, nâng cao năng lực trong quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng. Đồng thời, tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm gỗ theo chuỗi giá trị gỗ rừng trồng; đẩy mạnh việc củng cố các hợp tác xã lâm nghiệp hoạt động theo hướng bền vững; khuyến khích sử dụng giống có nguồn gốc, chất lượng để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng.

Huyện Hương Sơn đang đẩy mạnh trồng cây thiên niên kiện dưới tán rừng, vừa mang lại thu nhập cao cho người dân, vừa góp phần bảo vệ rừng hiệu quả.
Mục tiêu đến năm 2030, Hà Tĩnh phấn đấu có khoảng 37.000 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, góp phần quan trọng vào thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Chứng chỉ FSC là tiêu chuẩn tự nguyện do Hội đồng Quản lý Rừng (Forest Stewardship Council - FSC) phát triển, nhằm thúc đẩy việc quản lý rừng có trách nhiệm về môi trường, xã hội và kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
FSC xây dựng và áp dụng một hệ thống tiêu chuẩn nghiêm ngặt để đánh giá việc khai thác và sử dụng rừng, đảm bảo hoạt động sản xuất lâm sản không chỉ tuân thủ pháp luật, thân thiện với môi trường mà còn tôn trọng quyền lợi của người lao động và cộng đồng địa phương.
Chứng chỉ FSC có giá trị trong thời hạn 5 năm. Trong 5 năm đó sẽ có 4 đợt đánh giá giám sát doanh nghiệp nhằm kiểm tra việc tuân thủ các tiêu chí của FSC. Chứng chỉ FSC hiện nay được xem là một trong những chứng chỉ rừng có uy tín nhất trên thế giới, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản. FSC gồm ba loại chứng chỉ chính: chứng chỉ quản lý rừng (FSC-FM), chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm (FSC-CoC) và chứng chỉ gỗ kiểm soát (FSC-Controlled Wood).