'Bơm' 100.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản
Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông, lâm, thủy sản nhằm hỗ trợ sản xuất, giảm chi phí vốn cho người dân.
Theo chỉ đạo của Chính phủ về việc "Nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản", Ngân hàng Nhà nước (NHNN)vừa ban hành văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Từ thành công của gói tín dụng 15.000 tỷ đồng năm 2023 (tập trung vào lâm, thủy sản), sang năm 2024 chương trình đã được nâng lên 30.000 tỷ đồng rồi 60.000 tỷ đồng. Nay, với quy mô mới trên 100.000 tỷ đồng, phạm vi chương trình được mở rộng để bao phủ toàn bộ lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng lớn của người dân và doanh nghiệp. Mức lãi suất ưu đãi thường thấp hơn lãi suất thương mại từ 1-1,5%/năm.
Theo đó, thay vì chỉ áp dụng cho lĩnh vực lâm sản - thủy sản như trước đây, chương trình mới sẽ áp dụng cho mọi khách hàng có dự án hoặc phương án sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Các khoản vay sẽ được giải ngân đến khi tổng doanh số cho vay của toàn hệ thống đạt mốc 100.000 tỷ đồng.
Hiện có 15 ngân hàng thương mại đã đăng ký triển khai chương trình. Các ngân hàng này có trách nhiệm theo dõi, thống kê và báo cáo kết quả triển khai; đảm bảo minh bạch về đối tượng cho vay, mức lãi suất theo đúng cam kết chương trình.
Với nguồn vốn quy mô lớn cùng phạm vi hỗ trợ rộng khắp, chương trình kỳ vọng sẽ góp phần giảm chi phí tín dụng, hỗ trợ tái cơ cấu sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu và gia tăng giá trị nông sản Việt Nam trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.

Chương trình tín dụng đặc biệt trị giá 100.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, kỳ vọng tiếp sức cho hàng triệu hộ sản xuất, doanh nghiệp. Ảnh: VASEP.
Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tốc độ tăng giá trị gia tăng nông lâm thủy sản quý I năm nay đạt 3,74% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó nông nghiệp tăng 3,53%; lâm nghiệp tăng 6,67%; thủy sản tăng 3,98%. Cả nước đã gieo cấy gần 2,95 triệu ha lúa đông xuân.
Hầu hết sản lượng các loại cây ăn trái đều tăng do cả diện tích cho sản phẩm và năng suất tăng. Bên cạnh đó, giá bán sản phẩm cây công nghiệp cũng tăng, góp phần nâng cao giá trị của cây lâu năm trong toàn ngành nông nghiệp nói chung. Sản lượng nhiều loại trái cây chủ lực tăng trưởng khá trong quý I, nổi bật như sầu riêng tăng tới 16,8%; chuối tăng 5,6%; xoài tăng 5,3%; bưởi tăng 2,5%; thanh long tăng 2,1%.
Chăn nuôi duy trì ổn định, đàn lợn và gia cầm phát triển tốt trong khi đàn trâu, bò giảm nhẹ do hiệu quả kinh tế không cao. Tổng sản lượng thịt hơi đạt 2,15 triệu tấn, tăng 4,6%.
Trong lĩnh vực thủy sản, tổng sản lượng đạt gần 2 triệu tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng tăng 5,1%. Riêng cá tra và tôm - hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng lần lượt 5,1% và 5,5%.
Ngành lâm nghiệp ghi nhận nhiều kết quả tích cực với hơn 49.000 ha rừng trồng mới, tăng 12,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt trên 4,3 triệu m³, tăng 16,6%; thu hơn 836 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản quý I đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Trong đó, nông sản 8,53 tỷ USD, tăng 12,2%; lâm sản 4,21 tỷ USD, tăng 11,2%; thủy sản 2,29 tỷ USD, tăng 18,1%; sản phẩm chăn nuôi 131,3 triệu USD, tăng 18,5%; đầu vào sản xuất 549,5 triệu USD, tăng 19,6%. Trong quý I/2025, xuất siêu đạt gần 4,4 tỷ USD.
Về thị trường, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đến các châu lục và thị trường lớn đều tăng mạnh và rất mạnh. Trong đó, xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ 3,53 tỷ USD, tăng 15,7%; châu Âu 2,61 tỷ USD, tăng 37,8%; châu Phi 496 triệu USD, tăng 105,1%; châu Á 6,61 tỷ USD, tăng 2% và châu Đại Dương 197 triệu USD, tăng 0,8%. Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất, lần lượt chiếm tỷ trọng 20,2%, 17,3%, và 7,7%.