Hơn 24.000 tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông Đồng Tháp
Giai đoạn 2021 - 2025, Đồng Tháp tập trung nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, tổng nguồn vốn đầu tư của Trung ương và địa phương là trên 24.000 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, xác định giao thông là mũi tiên phong, đột phá, những năm qua, tỉnh Đồng Tháp quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, dần xóa “lời nguyền” khuất nẻo, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết thêm, muốn kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương phát triển thì giao thông phải đi trước, phải tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông. Giai đoạn 2021 - 2025, Đồng Tháp tập trung nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, tổng nguồn vốn đầu tư của Trung ương và địa phương là trên 24.000 tỷ đồng; trong đó, riêng nguồn vốn của tỉnh là hơn 7.000 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc, quốc lộ. Cùng với đó, Đồng Tháp đã đầu tư, thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng 17/23 công trình đường tỉnh.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đầu tư các tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Mỹ An - Cao Lãnh và Quốc lộ 30 giai đoạn 3 (đoạn tuyến tránh thành phố Cao Lãnh). Đến nay, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đã hoàn thành đưa vào sử dụng; đang triển khai thi công dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (thành phần 1 và thành phần 2), cao tốc Cao Lãnh - Lộ Tẻ và tuyến tránh thành phố Cao Lãnh; dự kiến khởi công dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh trong thời gian gần đây.
Về hệ thống đường tỉnh, Đồng Tháp đã đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng 17/23 công trình, đang triển khai thi công 5/23 công trình, dự kiến hoàn thành trong năm 2025; chuẩn bị hồ sơ đề xuất 1/23 dự án; trong đó, đã đầu tư xây dựng hoàn thành các công trình chuyển tiếp giai đoạn 2016 - 2020 như: đường Sở Tư pháp kết nối đường Tân Việt Hòa, hệ thống cầu trên đường ĐT.849, nâng cấp tuyến ĐT.848, tuyến ĐT.846…
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đầu tư xây dựng, hoàn thành các công trình trọng điểm, gồm: nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT.849 (nối đường ĐT.848 với Quốc lộ 80), tuyến ĐT.842 và tuyến ĐT.855… Riêng các dự án xây dựng tuyến ĐT.857, tuyến ĐT.845, hệ thống cầu trên tuyến ĐT.844 và một số công trình khác đang triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Bên cạnh đó, Đồng Tháp tranh thủ vốn từ nhiều nguồn, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đô thị; hệ thống đường giao thông nông thôn; hệ thống bến xe, bãi đỗ xe và hạ tầng giao thông đường thủy. Dự kiến từ năm 2021 đến cuối năm 2025, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp sẽ xây dựng hoàn thành 14 km đường Quốc lộ, hơn 52 km đường cao tốc, 96 km đường tỉnh.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã huy động nguồn vốn Trung ương để đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc, quốc lộ trên địa bàn tỉnh với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh đã bố trí nguồn vốn đầu tư các tuyến đường tỉnh với tổng mức đầu tư 7.291 tỷ đồng. Cùng với đó, hỗ trợ nguồn vốn 693,7 tỷ đồng cho các địa phương xây dựng nhiều công trình giao thông nông thôn với tổng mức đầu tư 1.359 tỷ đồng; hỗ trợ nguồn vốn khoảng 1.600 tỷ đồng cho 3 thành phố (Cao Lãnh, Hồng Ngự, Sa Đéc) xây dựng các công trình giao thông đô thị, tổng mức đầu tư 3.041 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương còn vận động nguồn lực xã hội hóa, xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, tổng giá trị khoảng 252 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, phát triển giao thông là một trong những mũi nhọn đột phá của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, một số tuyến đường chưa được xây dựng đồng bộ; chưa khai tốt, phát huy tối đa tiềm năng của tuyến đường biên giới, đường sông… Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng giao thông; thực hiện các tuyến giao thông theo quy hoạch; mở các tuyến đường gắn với phát triển kinh tế, kết nối các khu - cụm công nghiệp, đô thị và những công trình đối ngoại, phát triển thương mại khu vực biên giới; tập trung khai thác hệ thống giao thông đường thủy; đồng thời, ưu tiên thực hiện những công trình giao thông trọng điểm; khuyến khích xã hội hóa trong việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông.