Hơn 200 mộ cổ bí ẩn lộ ra giữa hoang mạc Tân Cương
Các ngôi mộ cổ được xây dựng 2.000 năm trước ở 'ngã tư Trung Á' có thể tiết lộ những manh mối quan trọng về sự hình thành Con đường tơ lụa.
Theo Ancient Origins, hơn 200 ngôi mộ cổ vừa được phát hiện ở khu tự trị Tân Cương - Trung Quốc đã vén màn bí ẩn về một khu vực từng nhộn nhịp với hoạt động di cư, nghi lễ, cũng như một trong những cộng đồng đặt những "viên gạch đầu" cho con đường tơ lụa.
Theo nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học npj Heritage Science, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra những đống đá được xếp chồng lên nhau thành hình vuông hoặc tròn ở một khu vực hoang vắng bên ngoài thành phố ốc đảo Turpan thuộc huyện Toksun.
Kết quả kiểm tra cho thấy đó là các ngôi mộ cổ có niên đại lên đến 2.000 năm, nằm rải rác trên một khu vực rộng đến 10.000 m2.

Các hiện vật được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ ở Tân Cương và cận cảnh cấu trúc của một trong các ngôi mộ - Ảnh: npj Heritage Science.
TS Wang Long từ Viện nghiên cứu Turpan (Trung Quốc), đồng tác giả, cho biết các ngôi mộ cổ này đã cung cấp cái nhìn thoáng qua về đời sống xã hội của những cư dân đầu tiên trong khu vực.
Trái ngược vơínhững bia mộ đơn độc ở các khu vực khác của Trung Quốc cùng thời kỳ, các ngôi mộ ở Tân Cương bao gồm một số lượng lớn mộ phần chung dành cho gia đình hoặc gia tộc, một hình thức thể hiện sự thống nhất ngay cả khi chết.
Vị trí của nghĩa trang có lẽ không chỉ mang tính biểu tượng. Đó là một khu vực cao ráo và bằng phẳng nằm gần sông, nguồn cung cấp nước quý giá giữa địa hình cằn cỗi của huyện Toksun.
Đây là vùng đất có giá trị đối với các nhóm du mục, nên có thể được sử dụng làm nơi định cư theo mùa và nơi chôn cất linh thiêng.
Nghĩa trang này có niên đại lâu đời hơn thời điểm Con đường tơ lụa chính thức mở ra và vị trí của nó có ý nghĩa rất quan trọng.
Ốc đảo Turpan nằm ở vị trí gọi là "ngã tư Trung Á", giao điểm giữa giữa Trung Quốc, Tây Á và châu Âu. Đó là một trong những điểm dừng chân chính trên tuyến đường thương mại cổ đại.
Đã có những bằng chứng sớm về sự giao lưu văn hóa trong các ngôi mộ, thể hiện qua các vật tùy táng như đồ gốm, vải vóc hoặc các dạng đồ cúng khác.
Những khía cạnh tinh tế trong quá trình xây dựng và định hướng của ngôi mộ cho thấy những điểm giao thoa giữa truyền thống phương Đông và phương Tây.
Vì vậy, nền văn hóa cổ xưa đã xây dựng nên số mộ cổ này có thể cũng đã góp phần đặt nền móng Con đường tơ lụa.